Một tuần trở lại đây, rau tăng giá mạnh. Một lần nữa, vấn đề điều tiết cung cầu trên thị trường thực phẩm được đặt ra, nhất là trong thời điểm xảy ra mưa lũ tại miền Trung và ĐBSCL như hiện nay.
Chuyện tăng hay giảm giá mặt hàng rau vốn không phải là điều bất ngờ cả đối với nông dân lẫn người tiêu dùng, thế nhưng, mức độ tăng giá rau quá cao như hiện nay khiến nhiều người lo ngại liệu có kéo theo việc tăng giá các mặt hàng thực phẩm khác hay không? Một lần nữa, vấn đề điều tiết cung cầu trên thị trường thực phẩm được đặt ra, nhất là trong thời điểm xảy ra mưa lũ tại miền Trung và ĐBSCL như hiện nay.
Hầu hết các loại rau đều tăng giá mạnh, mức tăng dao động từ 30-50% so với cách đây nửa tháng. Thậm chí, nhiều mặt hàng rau trong vòng một tuần giá đã tăng gấp đôi. Rau tăng giá một phần do kể từ tháng 10 không còn là mùa trồng rau ở các tỉnh miền Trung và một nguyên nhân chính là tình hình mưa lũ đã thực sự làm giảm sút sút sản lượng rau.
Bà Đỗ Thị Hoa, một người trồng rau tỉnh Phú Yên cho biết bà không làm rau nữa vì đất thấp, mưa làm hỏng hết rau nên phải bỏ đất cho ải màu để sau làm lại. Bà làm thế này là làm cố chứ mọi năm, đến tháng 8 là nghỉ.
Bình Ngọc - cánh đồng rau lớn nhất tỉnh Phú Yên giờ chỉ còn thưa thớt một vài luống rau sót lại. Hiếm khi nào, nông dân chắt chiu thu hoạch rau như thời điểm này bởi 1kg xà lách lên đến 15.000 đồng. Gia đình nào có rau bán ra lúc này có thể bù lại được những lần rau rớt giá trước đó.
Tại các cánh đồng rau, những khoảnh đất trống chiếm đa phần. Các nhà vườn cho biết dù thị trường rau đang rơi vào tình trạng khan hiếm, giá tăng cao - một cơ hội tốt cho nông dân trồng rau, song thực tế không ai dám đầu tư trồng rau vào lúc này. Mưa kéo dài khiến cho ngay cả những chân đất cao cũng trồng rau không hiệu quả. Năng suất ở vùng rau miền Trung thời điểm này rơi xuống mức thấp nhất.
Mọi trông chờ của thị trường đều dồn vào vùng rau Đà Lạt, vựa rau lớn nhất nước. Tuy nhiên, do một mặt phải cung ứng cho thị trường cả nước, mặt khác nhu cầu rau xuất khẩu đang tăng cao nên rau Đà Lạt cũng lên "cơn sốt".
Lượng cung giảm sút dẫn đến giá bán tăng cao là điều thường xảy ra ở thị trường nông sản, nhất là đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau xanh. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng và cả các nhà vườn đều cho rằng vẫn có thể hạ nhiệt sức nóng giá rau nếu như việc điều tiết từ nơi trồng được rau sang những vùng rau bị thiệt hại do mưa lũ. Tuy nhiên hiện nay, việc điều tiết hoàn toàn phụ thuộc vào các chủ vựa mua gom rau từ các vườn , sau đó chuyên chở và phân phối rau đến các chợ. Rõ ràng nhiều lúc, giá bán sẽ nâng cao hơn so với mức độ khan hiếm thực tế.
Lượng rau giảm sút sẽ còn kéo dài ít nhất phải đến hai tháng nữa, sau khi vùng rau miền Trung qua mùa mưa lũ phục hồi trở lại. Khi đó, sản lượng nhiều, chắc chắn giá rau sẽ hạ và những nông dân lại tiếp tục chịu thiệt thòi, tương tự như hiện nay, giá cao thì lại không có rau để bán.
Với người trồng rau, sự bấp bênh về sản lượng, về giá bán cũng đồng nghĩa nghề làm vườn của họ khó tìm được sự ổn định. Trong khi diện tích rau sụt giảm vì thời tiết thì bản thân nông dân lại không quyết định được giá bán. Sự biến động của thị trường rau không chỉ xảy ra ở miền Trung, ĐBSCL mà còn xảy rađối với các tỉnh phía Bắc. Nguồn cung giảm mạnh khiến giá rau xanh được đẩy lên cao. Giá bán lẻ các loại rau xanh đã tăng thêm 10-30%. Các loại rau khác vận chuyển từ Đà Lạt ra và từ Trung Quốc về như súp lơ xanh, súp lơ trắng, bắp cải, khoai tây, cà rốt… vẫn giữ nguyên giá.
Trước tình hình nguồn cung cấp rau xanh trên địa bàn Hà Nội khan hiếm đẩy giá bán lên cao, các đơn vị kinh doanh thương mại và tiểu thương các chợ đang tích cực khai thác nguồn rau cung cấp cho thị trường.
Nhu cầu tiêu thụ rau xanh trên địa bàn Hà Nội mỗi ngày cần tới 2.500 tấn, trong đó, nguồn cung cấp rau xanh, chủ yếu tại các huyện ngoại thành chỉ đáp ứng 55% nhu cầu, số còn lại phụ thuộc vào các tỉnh, thành lân cận. Từ nay đến Tết sẽ là cơ hội cho nông dân trồng rau vùng ngoại thành vì nhu cầu tại các thành phố lớn sẽ tăng mạnh.
Theo VTV