Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nuôi cá tra: Hộ nuôi nhỏ khó tái đầu tư
09 | 11 | 2011
Gần đây, tình hình giá cá tra nguyên liệu đang có chiều hướng khởi sắc trở lại và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao cho đến đầu năm sau. Giá cá nguyên liệu tăng cao, nhưng người nuôi cá tra, đặc biệt là hộ nuôi nhỏ lẻ vẫn không thể tái đầu tư thả nuôi trở lại vì hết vốn, ngân hàng quay lưng.

Sau một thời gian dài giá cá tra nguyên liệu sụt giảm mạnh, có lúc chỉ còn từ 21.000 - 22.000 đồng/kg (ngang bằng giá thành sản xuất), thì từ cuối tháng 9 đến nay, giá cá nguyên liệu liên tục tăng cao trở lại và hiện gần đạ mức cao kỷ lục 29.000 đồng/kg cá tra thịt trắng.

Thị trường: Lạc quan cho cả năm tới

Theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), dự kiến trong năm tới, ngành sản xuất- chế biến cá tra xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng cao (cả về lượng lẫn giá trị) khi nhu cầu tiêu thụ cá tra ngày càng được ưa chuộng ở thị trường EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật..., những thị trường nhập khẩu cá tra chính của Việt Nam.

Trước những tín hiệu lạc quan về thị trường, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Vasep cho biết, từ nay đến năm 2012, tình hình thiếu hụt cá tra nguyên liệu sẽ còn tiếp diễn. Thực tế, giá cá tra nguyên khu vực ĐBSCL từ cuối tháng 9 đến nay liên tực tăng cao, từ 24.000-25.000 đồng/kg lên mức giá 28.000-28.500 đồng/kg.

Vasep dự báo, nhiều khả năng giá cá tra sẽ lên mức cao nhất từ trước đến nay, 30.000 đồng/kg đối với cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào cuối năm nay và đầu năm tới.

Bà con nuôi cá tra tại An Giang, Đồng Tháp - hai địa phương có sản lượng cá tra nguyên liệu cung cấp cho thị trường lớn nhất các tỉnh ĐBSCL cũng xác nhận, khoảng 2 tháng trở lại đây, nhu cầu cá nguyên liệu từ các doanh nghiệp đã tăng rất nhiều so với thời điểm trước đó, vào tháng 7-8.

Tái đầu tư nuôi cá: Không dễ

Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết: “Hiện tại, Đồng Tháp có đến 70% diện tích nuôi cá tra là của các doanh nghiệp tự đầu tư hoặc liên kết với các hộ nông dân nuôi gia công”.

Dù được dự báo nhu cầu cá tra nguyên liệu từ nay đến cuối năm, thậm chí đến năm 2012 vẫn tiếp tục tăng, nhưng hiện nay bà con nuôi cá tra, đặc biệt là những hộ nuôi nhỏ lẻ vẫn không thể đầu tư thả nuôi trở lại.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, có 2 nguyên nhân chính khiến người nông dân không thể đầu tư thả nuôi trở lại, đó là người nuôi hết vốn; nguồn cá giống khan hiếm do ảnh hưởng của lũ lụt.

“Để đầu tư thả một ao nuôi cá tra, chỉ riêng tiền con giống, bà con đã tốn ít nhất vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. Thế nhưng trong tháng 7-8 rồi, giá cá tra xuống thấp (trên dưới 22.000 đồng/kg) khiến người nuôi cá, chủ yếu là hộ nuôi nhỏ lẻ thua lỗ. Bây giờ họ (người nuôi cá) muốn tái đầu tư nuôi lại cũng không thể vì hết vốn, ngân hàng lại không mặn mà với người nuôi cá do rủi ro rất lớn”, ông Quốc cho hay.

Ông Mai Thành Lộc, Giám đốc Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư Tiền Giang cho biết, hiện tại nguồn cá giống ở các tỉnh ĐBSCL rất là khan hiếm do ảnh hưởng bởi tình hình lũ lụt từ đầu mùa tới nay, vì vậy bà con nuôi cá tra dù có muốn tái đầu tư thả nuôi trở lại lúc này cũng không thể.

Sau khi gánh chịu cảnh lỗ lã do thất bát trong nghề nuôi cá tra, ông Trương Tấn Bửu ở xã Tân Thành B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cũng đã chuyển sang nuôi gia công cho một doanh nghiệp ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp. “Dù biết lợi nhuận từ nuôi gia công chẳng được bao nhiêu, nhưng hết vốn buộc lòng tôi phải chấp nhận nuôi gia công thôi”- ông Bửu nói.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, tính đến cuối tháng 10, toàn tỉnh Đồng Tháp có gần 90 héc ta diện tích nuôi cá tra của bà con nông dân không thể đầu tư thả nuôi lại được do người nuôi cá hết vốn, ngân hàng quay lưng (chỉ tính riêng những diện tích không thả nuôi trở lại sau 2 tháng thu hoạch).

Theo Trung Chánh

TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường