Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Ưu tiên sắp xếp lại lĩnh vực đầu tư
03 | 11 | 2011
Xung quanh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, ngành sẽ còn nhiều việc phải làm để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững. Về vấn đề này, ông Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng:
Nhu cầu đầu tư cho ngành nông nghiệp rất lớn, trong mấy năm qua, chúng ta có rất nhiều dự án đang thực hiện dang dở, do vậy bây giờ vừa tiếp tục thực hiện lại vừa phải tái cơ cấu, đây là việc không dễ dàng. Khi triển khai bất kỳ vấn đề gì, chúng tôi cũng đều tính tới những khó khăn, thách thức đặt ra, trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là làm thế nào thu hút được nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu? Ngoài ra, nông nghiệp vốn là lĩnh vực rất đặc biệt, liên quan đến cây trồng, vật nuôi, đòi hỏi chúng ta khi tiến hành tái cơ cấu cũng phải chú ý quan tâm. Ví dụ, những cây trồng lâu năm như cao su, càphê muốn chuyển đổi phải có thời gian.
Và để tái cơ cấu được, chúng ta cũng phải có những chính sách mới. Ví dụ, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Bộ cần thay đổi về cơ chế chính sách để có thể phát huy nguồn lực của các nhà khoa học. Hoặc vấn đề người lao động, muốn tái cơ cấu, người nông dân phải có kiến thức, phải được đào tạo, tập huấn...
Trước những khó khăn đó, theo ông, thời gian tới chúng ta cần tập trung ưu tiên giải quyết vấn đề nào trước?
Trong định hướng sắp tới, trước hết phải tái cơ cấu lại đầu tư, mặc dù rất khó nhưng vẫn phải sắp xếp lại. Thứ hai, ứng dụng và đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Thứ ba, chú trọng đào tạo cho người nông dân - nguồn nhân lực chính phục vụ phát triển nông thôn. Thứ tư, cải cách hành chính, xây dựng khuôn khổ pháp lý cần thiết cho việc tái cơ cấu ngành.
Có ý kiến cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần phải đặc biệt chú trọng tới vai trò của nông hộ bởi họ sẽ là động lực của sản xuất quy mô lớn. Vậy, chúng ta có tính tới việc đầu tư cho các nông hộ mở rộng sản xuất để gia tăng giá trị, thưa ông?
Tất nhiên, trong giải pháp về đổi mới mô hình tổ chức sản xuất để đạt giá trị cao hơn, Bộ Nông nghiệp và PTNT luôn coi trọng vai trò của nông hộ và có những chính sách tạo điều kiện cho họ mở rộng sản xuất hàng hóa thông qua dồn điền đổi thửa, áp dụng công nghệ cao...
Chúng tôi nghĩ rằng đây là định hướng đúng và thực tế là mô hình trang trại thời gian qua đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao, số lượng trang trại tăng nhanh.
Theo như đánh giá thì giai đoạn trước, ngành đã khai thác gần như hết các nguồn tài nguyên thiên nhiên và giờ đây vấn đề này cần phải có bước phát triển mới. Xin ông cho biết định hướng của Bộ Nông nghiệp và PTNT về vấn đề này như thế nào?
Nếu nói rằng chúng ta đã khai thác hết tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và giờ nó đã cận biên thì nhận định này chỉ mang tính tương đối. Chúng ta khai thác hết nguồn đất tốt, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tương đối nhưng không có nghĩa chúng ta không có cách gia tăng hơn được nữa. Trong từng sản phẩm, mỗi công đoạn đều có thể gia tăng giá trị. Ví dụ, trong trồng trọt, chúng ta có thể chuyển đổi mùa vụ, áp dụng sản xuất sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và như thế là đã nâng cao giá trị gia tăng rồi.
Phát triển ngành nông nghiệp rất cần sự tham gia của các đối tác nước ngoài và khối tư nhân. Trong quá trình tái cơ cấu ngành, việc thú hút các nguồn lực này sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Chúng tôi cũng đã nêu 3 mục tiêu lớn trong thập kỷ tới, đó là cố gắng duy trì nhịp độ tăng trưởng từ 2,6-3%/năm; bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%; giảm 2% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp... Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi phải thực hiện nhiều giải pháp cả trong sản xuất, quản lý tài nguyên thiên nhiên và đào tạo nguồn nhân lực... Chúng tôi hy vọng với sự cải cách và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong đổi mới chính sách thì các nhà tài trợ sẽ có điều kiện tốt hơn để tham gia các dự án đối tác công tư. Hiện, đã có 17 công ty, tập đoàn đa quốc gia làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT để tham gia vào lĩnh vực sản xuất, chế biến thuộc nhiều ngành như chè, rau, hoa...
Xin cảm ơn ông!
Theo KTNT
 


Báo cáo phân tích thị trường