Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Biến động giá lương thực: Nhìn lại cuộc khủng hoảng năm 2008
23 | 12 | 2011
Năm 2008, cuộc khủng hoảng lương thực xảy ra. Thế giới và Việt Nam, đặc biệt là những người nghèo, đã phải gánh chịu những tác động rất nặng nề do giá lương thực (LT) tăng cao và liên tục. Từ cuộc khủng hoảng này, lần đầu tiên các quốc gia, kể cả những nước xuất khẩu LT như Việt Nam đã có những nhìn nhận nghiêm túc về an ninh LT quốc gia, không chỉ là sản lượng, năng suất hay chất lượng mà còn là giá LT trên thị trường. Việc khủng hoảng giá LT, thực phẩm có thể gây ra bất ổn về xã hội và chính trị ở các nước đang phát triển, đặc biệt là nước nghèo.

Năm 2011, với sự hỗ trợ của Tổ chức Action Aid Việt Nam (AAV), nhóm chuyên gia của Mạng An ninh lương thực và giảm nghèo (CIFPEN) đã thực hiện các nghiên cứu ban đầu về biến động của giá cả LT và tác động của giá LT đến người sản xuất và người nghèo.

Nghiên cứu đã chỉ ra một số vấn đề sau:

Một là, những năm gần đây, giá LT liên tục có biến động mạnh và không ổn định. Ví dụ, trong năm 2008, giá LT, thực phẩm trên thế giới tăng 80%, trong đó riêng giá LT tăng tới 230%, giá thực phẩm tăng 12,8%. Sau đó, vào năm 2009, giá giảm đi đôi chút nhưng lại tăng mạnh từ cuối năm 2010 cho đến nay, mức tăng cao hơn cả năm 2008.

Hai là, việc giá LT tăng mạnh trong thời gian qua, mặc dù đã làm tăng phúc lợi bình quân của nông dân Việt Nam thêm 7,5%, tuy nhiên thực tế cho thấy số người hưởng lợi ít hơn rất nhiều số người bị ảnh hưởng tiêu cực. Đặc biệt là những hộ gia đình thiếu đói LT lại không được hưởng lợi mà trái lại, việc tăng giá LT, thực phẩm đã làm giảm 2,1% phúc lợi của các hộ nghèo và cũng làm cho khoảng cách giàu - nghèo tăng lên.

Ba là, nguyên nhân chính của việc tăng giá LT trong nước, theo các chuyên gia, gồm: Giá cả xuất - nhập khẩu LT (gồm cả lúa gạo và ngô). Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nhưng lại nhập - khẩu ngô, do vậy sự biến động giá cả xuất nhập khẩu ảnh hưởng rất lớn đến giá cả LT trong nước. Diện tích sản xuất LT, đặc biệt là sản xuất lúa bị giảm do đô thị hóa, công nghiệp hóa. Sản lượng giảm và tiếp cận LT khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Nguyên nhân này thường gia tăng theo từng vùng, từng thời điểm, nhất là khi xảy ra thiên tai. Tình trạng lạm phát và giá đầu vào tăng khiến giá LT tăng cao.

Biểu đồ giá gạo 15% tấm, từ 01/2008-5/2011 tại tỉnh Tiền Giang.


Bốn là, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm bình ổn giá LT, giảm thiểu tác động tiêu cực đến nhóm hộ bị ảnh hưởng chưa đạt kết quả như mong đợi. Chính phủ đã đưa ra chính sách hỗ trợ cho các đơn vị thu mua LT nhằm đảm bảo sản xuất LT, nhưng gói hỗ trợ này mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp hơn là cho người sản xuất; người sản xuất có được hưởng do giá mua LT cao hơn nhưng do giá đầu vào của sản xuất (giống, phân bón, xăng dầu) và rủi ro trong sản xuất tăng đã làm cho họ không thực sự thu được lợi nhuận. Đồng thời chính sách này đã không trợ giúp được cho người tiêu dùng.

Cùng với việc tăng giá LT, giá thực phẩm cũng tăng cao làm cho đời sống của người nghèo, người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng. Trong các tình huống thiên tai, Chính phủ đã có chính sách trợ cấp LT, tuy nhiên việc phân phối và sử dụng ở một số địa phương chưa tốt, làm giảm tính hiệu quả của những chính sách này.



Theo www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường