Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo Việt Nam khẳng định thương hiệu
19 | 12 | 2011
Năm 2011 đang dần khép lại. Nhìn lại thị trường xuất khẩu gạo trong thời gian qua, dễ nhận thấy nhất vẫn là những biến động nhanh về giá, sự cạnh tranh quyết liệt giữa các thị trường xuất khẩu.
Nhưng năm 2011 tiếp tục là một năm thành công đối với xuất khẩu gạo Việt Nam khi cả số lượng lẫn giá trị đều đạt những mốc kỷ lục mới, và quan trọng hơn cả là người trồng lúa đã thực sự có lãi, thậm chí là vượt xa cả quy định của Chính phủ đề ra là các doanh nghiệp thu mua gạo phải đảm bảo tối đa 30% lợi nhuận cho người nông dân.
Với hành trình xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trị giá hơn 2,4 tỷ USD của năm 2009, được nâng lên 3,25 tỷ USD vào năm 2010 và con số 3,7 tỷ USD mà lúa gạo mang về trong năm 2011 dường như đã cầm chắc trong tay, vị thế và sự phát triển của hạt gạo Việt Nam ngày càng được khẳng định.
Ngay từ những tháng đầu năm 2011, thị trường xuất khẩu gạo đã có nhiều sôi động nhưng cũng không ít những diễn biến phức tạp. Philippines - thị trường truyền thống và cũng là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, thay đổi chính sách, trì hoãn và giảm nhập khẩu; thị trường thương mại khu vực châu Phi và Trung Đông do bất ổn chính trị làm giảm nhu cầu.
Nhưng Việt Nam đã nhanh chóng mở rộng, phát triển sang các thị trường tiềm năng như Indonesia, Bangladesh nên mới chỉ trong quý I/2011, sản lượng gạo xuất khẩu đã đạt gần 1,85 triệu tấn với trị giá đạt hơn 884 triệu USD, tăng hơn 42% về số lượng và gần 46% về trị giá so với năm 2010.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đã nhìn nhận từ khi tham gia thị trường xuất khẩu gạo đến nay, đây là quý xuất khẩu cao nhất cả về số lượng và giá trị.
Bên cạnh việc duy trì những hợp đồng xuất khẩu với các thị trường truyền thống, Việt Nam cũng bắt đầu “để mắt” đến một số thị trường mới như Cote d'Ivoire, Senegal. Vào khoảng quý III, những động thái nhằm thực thi những chính sách của các cường quốc xuất khẩu gạo khác như Thái Lan, Ấn Độ đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự “thuận buồm xuôi gió” của con thuyền xuất khẩu gạo Việt Nam.
Việt Nam tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt bởi gạo của Ấn Độ, Pakistan và cả Myanmar rẻ hơn tới 100 USD/tấn. Dường như việc thâm nhập vào thị trường các nước châu Phi cũng như các thị trường có nhu cầu về gạo thường đã trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, trong nước, Đồng bằng sông Cửu Long lại liên tục phải đối mặt với sự đe dọa của thiên tai, lũ lụt.
Hàng nghìn hécta lúa bị mất trắng song Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) khẳng định, tổng sản lượng lúa toàn quốc năm 2011 chắc chắn đạt khoảng 41,5 triệu tấn, thậm chí có thể đạt cao hơn do nhiều địa phương đạt năng suất cao nhất từ trước tới nay. Với sản lượng này, Việt Nam sẽ đảm bảo đủ 7 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu.
Nguồn cung được đảm bảo, cộng với những cơ chế điều hành chính sách linh hoạt đã gắn kết thị trường trong nước và thế giới nên trong 11 tháng qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 6,8 triệu tấn, với giá trị xấp xỉ 3,5 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng gạo xuất khẩu tăng 7,1%, giá trị tăng 16,7%. Đặc biệt, giá gạo bình quân từ đầu năm đến nay của Việt Nam đạt 505 USD/tấn, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu cao, năm nay, người nông dân làm ra hạt gạo cũng đã nhận được lợi nhuận xứng đáng. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng công nhận, 2011 là năm đạt kết quả tương đối toàn diện về sản xuất và kinh doanh lúa gạo. Mặc dù lũ lớn nhưng nhờ chủ động ứng phó của cả người dân và các ngành chức năng nên đã hạn chế được thiệt hại ở mức thấp nhất.
Bên cạnh đó, các chương trình đầu tư khoa học công nghệ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chuyển giao các giống mới và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa đã mang lại năng suất vượt trội ở nhiều địa phương như An Giang, Tiền Giang, Bến Tre... làm tăng lợi nhuận cho nông dân. Một số vụ, tại nhiều địa phương, mức lợi nhuận của người nông dân có thể đạt tới 50% - cao hơn nhiều so mức lãi tối đa 30% theo quy định của Chính phủ.
Được đà từ 2011, năm 2012, Việt Nam tiếp tục tập trung nhiều hơn cho gạo chất lượng cao. Với mục tiêu là các thị trường gần như Malaysia, Indonesia và các thị trường có nhu cầu gạo cao cấp khác, ngoài việc xuất khẩu gạo chất lượng trung bình mang tính truyền thống, VFA chủ trương sẽ mở rộng thị trường gạo chất lượng cao.
Bởi thế, dù thị trường gạo thương mại đang có nhiều khó khăn bởi sự cạnh tranh từ các nước có gạo giá rẻ, nhưng nếu tận dụng tốt thời cơ cũng như những chỗ trống của thị trường gạo cao cấp do Thái Lan để lại, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục có những hợp đồng xuất khẩu gạo với giá cao trong thời gian tới.
Theo ông Trương Thanh Phong, ngoài thị trường gạo chất lượng cao, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm và các chủng loại gạo khác. Năm nay được coi là năm thành công nhất đối với hạt gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam, với lượng xuất khẩu dự tính khoảng 400.000 tấn.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu gạo chất lượng cao và gạo đặc sản nhằm mang lại giá trị gia tăng lớn hơn so với sản xuất gạo truyền thống tiếp tục là mục tiêu mà ngành lúa gạo Việt Nam hướng tới. Để làm được điều này, ngoài việc quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, doanh nghiệp và người sản xuất lúa gạo cần xây dựng mối liên kết tốt trong tiêu thụ.
Chính vì vậy, để chuẩn bị cho năm 2012, Cục Trồng trọt và VFA đều nhận định, việc sản xuất và xuất khẩu gạo sẽ tập trung nhiều hơn cho gạo chất lượng cao bằng việc triển khai những cánh đồng mẫu lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long, mở rộng thị trường gạo chất lượng cao thay vì tập trung cho phân khúc thị trường gạo chất lượng trung bình như trước đây.
Theo Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, trong vụ lúa đông xuân 2011-2012, các tỉnh trong khu vực đã mở rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn lên 17.720ha, tăng gần 10.000ha so với vụ trước. Theo đó, những cánh đồng mẫu lớn này sẽ được thực hiện tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả, đồng thời từng bước xây dựng vùng nguyên liệu thông qua việc liên kết bốn nhà, sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng…
Bên cạnh đó, cơ cấu giống lúa cũng được Cục Trồng trọt dần được cải thiện theo hướng chất lượng cao, năng suất bình quân gia tăng, thị trường tiêu thụ rộng mở cả trong và ngoài nước.
Cơ hội để Việt Nam trở thành nước đứng đầu về xuất khẩu gạo trong những năm tới đã khá gần nhưng quan trọng hơn cả là Việt Nam vẫn cần có những chính sách điều hành, giải pháp để xuất khẩu ổn định, mang lại hiệu quả thực sự cho cả người nông dân lẫn doanh nghiệp.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường