Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cao su thiên nhiên thế giới năm 2006 và dự báo 2007
10 | 07 | 2007
Giá tăng 50% trong 6 tháng đầu năm, giảm trên 40% trong 6 tháng cuối năm; Tiềm năng cầu sẽ tiếp tục cao hơn cung do ngành ô tô phát triển; Dự báo giá cao su sẽ hồi phục vào đầu năm 2007.

Sau khi tăng mạnh trong năm 2005, giá cao su tự nhiên tiếp tục tăng mạnh trong nửa đầu năm 2006 do nhu cầu cao xuất phát từ giá dầu cao, vượt xa nguồn cung. Chỉ trong vòng nửa năm, giá đã tăng khoảng 50%, lên mức cao nhất kể từ 26 năm nay, là 286 US cent/lb vào ngày 28/6/2006. Những nguyên nhân chính đẩy giá tăng mạnh trong những tháng đầu năm là giá dầu mỏ tăng mạnh, kéo theo giá cao su tổng hợp - đối thủ cạnh tranh của cao su thiên nhiên – tăng, đúng vào thời điểm nguồn cung trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia, Thái Lan và Indonesia, khan hiếm; đồng thời nội tệ của các nước sản xuất cao su chính tăng giá mạnh so với USD và Trung Quốc rất tích cực mua cao su vào trong những tháng đầu năm nay. Lần đầu tiên sau 4 thập kỷ, cao su tổng hợp bị mất vị thế trước cao su tự nhiên vì người tiêu dùng chuyển sang dùng nhiều cao su tự nhiên. Nguồn cung ở Thái Lan - nước sản xuất và xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất thế giới – liên tục trục trặc trong những tháng đầu năm nay do vấn đề thời tiết. Sau hạn hán suốt nhiều tháng đầu năm 2005 là mưa quá nhiều ở những tháng cuối năm, tiếp đến là những tháng đông giá đầu 2006. Mùa đông là giai đoạn sản lượng mủ cao su rất thấp. Sản lượng cao su Thái Lan năm 2005 giảm 10% xuống còn 2,7 triệu tấn, so với 3,02 triệu tấn trong năm 2004. Sản lượng giảm trong mùa đông đúng lúc các thương gia cần mua hàng vào để dự trữ. Sang tháng 2/2006, các thương gia bắt đầu tiến hành dự trữ, và từ tháng 3 đến đầu tháng 4, họ vẫn phải mua cao su nguyên liệu đồng thời tiếp tục dự trữ. Nhu cầu cao su trên toàn cầu nửa đầu năm nay luôn trong tình trạng vượt cung.

Tuy nhiên, xu hướng giá đổi chiều kể từ tháng 7/2006, khi thời tiết thuận lợi làm tăng sản lượng ở Thái Lan và Malaysia, và liên tục giảm trong những tháng cuối năm, nhất là khi Trung Quốc vắng bóng trên thị trường này. Giá dầu mỏ giảm dần làm cho cao su tổng hợp trở nên rẻ hơn cao su thiên nhiên, và Trung Quốc khuyến khích các công ty lớn xem xét chuyển sang sử dụng cao su tổng hợp. Theo Hiệp hội Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG), các nhà tiêu thụ cao su tự nhiên đã thay thế 5 - 10% sản phẩm của họ bằng cao su tổng hợp, mà dẫn đầu là Trung Quốc. Xu hướng thay thế này ở Trung Quốc dù chỉ với một tỷ lệ nhỏ thì điều đó cũng rất quan trọng vì thị trường Trung Quốc chiếm tới khoảng 22 % lượng tiêu thụ toàn cầu. Trung Quốc rất nhạy cảm với vấn đề giá cả và có những tiêu chuẩn an toàn hoàn toàn không yêu cầu kiểm tra quá mất thời gian dành cho sản phẩm mới. Khách hàng Trung Quốc liên tục huỷ bỏ những hợp đồng mua hàng, trong khi người sản xuất cao su không thể giữ hàng lại vì mùa khai thác đến, sản lượng tăng lên. Trung Quốc đã nhập khẩu 1,32 triệu tấn cao su trong 10 tháng đầu năm 2006, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, trong quý cuối năm, Trung Quốc còn rất nhiều cao su dự trữ, và họ có điều kiện để chờ đợi giá giảm.
Cung/cầu:
Theo Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG), sản lượng cao su tự nhiên thế giới năm 2006 tăng 4,5% so với năm ngoái, lên 9,1 triệu tấn, trong đó Malaysia, nước sản xuất và xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới sau Thái Lan và Indonexia, sẽ có sản lượng tăng mạnh nhất. Tiêu thụ cao su thế giới năm nay tăng 1,6% lên 8,918 triệu tấn, tức là còn dư khoảng 180.000 tấn. Sản lượng cao su tự nhiên của các nước sản xuất chính ở châu Á (là Thái Lan, Indonexia và Malaysia) năm nay tăng 4,8%, đạt 6,6 triệu tấn, so với 6,3 triệu tấn năm ngoái, nhờ thời tiết tốt và giá cao. Ba nước này chiếm khoảng 70% sản lượng cao su toàn cầu. Thái Lan, nước sản xuất cao su số 1 thế giới, năm nay sản xuất 3,03 triệu tấn, so với 2,98 triệu tấn năm ngoái. Sản lượng của Malaysia đạt 1,165 triệu tấn, tăng so với 1,13 triệu tấn năm ngoái. Những cây cao su mới trồng của Malaysia (từ đầu chu kỳ tăng giá này, năm 2002) đã bắt đầu cho khai thác mủ, vậy là sản lượng sẽ tăng từ năm nay. Riêng sản lượng của Indonexia năm nay không thay đổi nhiều. Khói từ các đám cháy rừng ở Indonexia làm hạn chế tốc độ tăng sản lượng cao su thiên nhiên của nước này, với sản lượng năm nay đạt 2,2-2,3 triệu tấn trong năm nay. Năm 2005, Indonexia sản xuất 2,27 triệu tấn cao su, tăng 10% so với năm 2004. Dự báo sản lượng cao su nước này năm 2007 sẽ giảm xuống 1,9 đến 2,1 triệu tấn do do ảnh hưởng bởi các cơn mưa lớn diễn ra tại phía bắc đảo Sumatra. Sản lượng cao su nước này dự kiến sẽ tăng gần 30% trong 10 năm tới với chương trình hỗ trợ của Chính phủ, sẽ bắt đầu từ năm 2007. Tuy nhiên, phần lớn sản lượng tăng sẽ chỉ có thể đến sau năm 2010, vì cây cao su cần thời gian khá lâu mới cho thu hoạch. Sau 4-7 năm cây cao su mới bắt đầu cho mủ. Dự báo sản lượng cao su Indonexia năm 2010 sẽ đạt 2,5 triệu tấn, trước khi tăng tới 3 triệu tấn vào năm 2015 nếu chương trình của chính phủ thành công và nếu giá cao su vẫn tiếp tục cao như mấy năm gần đây. Đến 2025, sản lượng cao su Indonexia sẽ đạt 4 triệu tấn. Nếu trở thành hiện thực, Indonexia sẽ trở thành nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới. Thực tế là hiện nay, Indonexia có diện tích cao su lớn nhất thế giới, 3,279 triệu hécta cao su, xong lại là một trong những nước có năng suất cao su thấp nhất.
Hiệp hội các nước sản xuất Cao su Thiên nhiên dự báo sản lượng cao su thiên nhiên thế giới năm 2007 sẽ tăng 3,08% lên 9,36 triệu tấn. Sản lượng của 7 nước sản xuất cao su chính trên thế giới (Ấn Độ, Inđônêxia, Malaysia, Papua New Guinea, Srilanka, Thái Lan và Việt Nam) dự báo tăng 2% đạt 8,09 triệu tấn vào năm 2007 chủ yếu nhờ sản xuất của Việt Nam tăng cao. Sản lượng cao su của Việt Nam dự báo tăng 7,4% đạt 580.000 tấn vào năm 2007 so với mức 540.000 tấn trong năm nay. Các nước sản xuất đã bắt đầu tăng diện tích trồng cao su từ năm 2002, và sau đó 4-5 năm cây sẽ cho thu hoạch, tức là cung mủ cao su thế giới sẽ bắt đầu tăng từ cuối năm nay. Trong khi đó, nhu cầu cũng sẽ tăng trong bối cảnh ngành ô tô phát triển bùng nổ ở những nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ hay Trung Quốc.
Trong lịch sử, giá cao su thiên nhiên luôn bị điều tiết bởi nhu cầu, chứ không chịu ảnh hưởng nhiều bởi nguồn cung, điều đó cho thấy nhu cầu từ các nhà sản xuất lốp xe sẽ là yếu tố chính tác động tới thị trường cao su thế giới. Vậy có nghĩa là chỉ một biến động nhỏ trong tiêu thụ cũng có ảnh hưởng lớn tới giá. Và một khi nhu cầu vẫn mạnh, thị trường luôn cần tăng sản lượng ô tô, xuất phát từ tăng trưởng GDP và tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp.
Nhu cầu cao su thế giới đang trên đà tăng mạnh, đặc biệt ở những nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Ngoài ra, kinh tế Mỹ đang trên đà phát triển mạnh, kinh tế Nhật hồi phục nhanh cũng làm tăng nhu cầu lốp xe và các sản phẩm cao su khác. Xu hướng phát triển của ngành công nghiệp sản xuất lốp ở các nền kinh tế mới nổi đang làm gia tăng sự phụ thuộc vào cao su thiên nhiên, đặc biệt là tại Ấn Độ và Trung Quốc. Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ cao su tự nhiên lớn nhất thế giới. Nhu cầu cao su Trung Quốc năm 2006 ước đạt 3,8 triệu tấn, chiếm 1/5 tổng tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu. Trung Quốc sẽ cần phải nhập khẩu nhiều cao su, đặc biệt là cao su tự nhiên trong vài năm tới do sản xuất trong nước chỉ có thể đáp ứng được một nửa nhu cầu tiêu thụ nội địa, trong khi nước này có tỷ lệ tăng trưởng khoảng 9% trong năm 2006. Tiêu thụ cao su của Trung Quốc dự báo vượt quá 7 triệu tấn vào năm 2010, so với 5 triệu tấn trong năm 2005.
Lĩnh vực sản xuất sản phẩm cao su Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh. Tiêu thụ cao su của Trung Quốc năm 2006 tăng khoảng 10% so với năm 2005, do ngành sản xuất và tiêu thụ lốp xe của Trung Quốc phát triển mạnh. Trong khi đó, sản lượng cao su Trung Quốc năm nay giảm khoảng 20.000 tấn vì bão đã tàn phá đảo Hải Nam- khu sản xuất cao su chính của Trung Quốc- làm giảm sản lượng của khu vực này khoảng 50.000 tấn so với năm ngoái. Vì vậy, thị trường Trung Quốc gần đây luôn trong tình trạng thiếu cung cao su.
Năm 2006, Ấn Độ cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt cao su trầm trọng, đẩy thị trường này lâm vào cơn sốt giá, có lúc cao su RSS-4 lên tới mức cao kỷ lục từ trước tới nay, 85 Rupi/kg. Dự trữ cao su tại đây giảm mạnh do ngành sản xuất ô tô phát triển mạnh. Sản lượng cao su tự nhiên Ấn Độ năm 2005/06 tăng mạnh nhờ thời tiết thuận lợi và giá cao khích lệ người trồng cao su tăng diện tích trồng và tăng đầu tư cho cây trồng này, tăng 7,1% đạt 803.000 tấn, song sẽ tăng chậm lại vào năm sau đó, 2006/07, kết thúc vào tháng 3, chỉ thêm 3,5% lên 831.000 tấn. Mặc dù sản lượng tăng, các ngành tiêu thụ đều cho rằng sản lượng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong năm nay. Do vậy, các công ty cao su vẫn phải lên những kế hoạch nhập khẩu khối lượng lớn cao su tự nhiên để bù vào chỗ thiếu hụt trên thị trường nội địa, ngay cả khi giá cao su tăng cao.
Trong bối cảnh giá cao su liên tiếp giảm trong những tháng cuối năm, Hội đồng Cao su Ba bên Quốc tế (ITRC) và Consortium Cao su Quốc tế (IRCo) đã tuyên bố sẽ can thiệp tránh giá giảm quá mạnh. Indonesia cũng kêu gọi các nhà sản xuất cao su châu Á khác tại Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Campuchia tiến hành cắt giảm ít nhất 10% xuất khẩu cao su trong năm tới nhằm vực giá mặt hàng này, và thông báo sẽ đi tiên phong trong việc cắt giảm xuất khẩu này nếu giá vẫn tiếp tục giảm.
Dự báo:
Nhiều chuyên gia cho rằng hiện giá cao su đang ở mức sàn, mức thấp nhất, khả năng giá cao su tự nhiên hồi phục vẫn rất lớn, và có thể sẽ bắt đầu hồi phục từ quý I năm tới, khi mùa thu hoạch ở hai nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới là Thái lan và Malaysia qua đi, tuy nhiên sẽ không tăng mạnh như năm 2006. Thị trường cao su tự nhiên thế giới sẽ tiếp tục biến động theo thị trường dầu mỏ. Trung Quốc sẽ là yếu tố ảnh hưởng mạnh tới thị trường cao su thời gian tới. Tốc độ công nghiệp hoá như vũ bão của các nền kinh tế khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ dự báo sẽ tiếp tục đẩy nhu cầu cao su tăng nhanh. Tuy nhiên, nhờ mấy năm giá cao nên nhiều nhà kinh doanh bắt đầu tính tới việc đầu tư cho sản xuất, và thời gian tới cung trên thị trường sẽ tăng lên, mặc dù chưa nhiều
Diễn biến giá cao su RSS3 của Thái Lan, Uscent/lb:

Đầu năm
Cao nhất
Cuối năm
173
283 (28/6)
185-190



Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường