"Những năm trước, thấy lúa IR 50404 giá luôn bấp bênh, tôi mới lựa chọn các giống lúa dài để gieo sạ cho vụ đông-xuân, hy vọng lúa bán được giá cao, thêm thu nhập. Vậy mà mấy ngày qua không có thương lái nào đến tìm mua lúa dài, họ chỉ tập trung thu mua lúa IR 50404. Nếu tình hình này kéo dài, nông dân chúng tôi không biết phải xoay xở làm sao để có nguồn vốn đầu tư cho vụ lúa tiếp theo” – nông dân Hồ Văn Vuôl, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, nói như mếu! Bà Trần Thị Măng, ở gần đó, tỏ ra tiếc nuối: “Nếu biết trước tình cảnh như vầy, gia đình tôi sẽ gieo sạ giống IR 50404 như nông dân trong khu vực, chứ làm lúa dài bây giờ không biết bán cho ai. Mười mấy tấn lúa thế này mà phải mang nợ chủ vật tư nông nghiệp, không biết đến khi nào mới trả được”. Được biết, gia đình bà Măng gieo sạ giống 1,2ha lúa OM 6976 năng suất đạt khoảng 9 tấn/ha. Rất nhiều gia đình lâm vào tình cảnh như ông Vuôl và bà Măng.
Câu chuyện lúa IR 50404 (một giống lúa phẩm cấp thấp chủ yếu xay xát làm nguyên liệu cho xuất khẩu gạo dạng 25% tấm) là câu chuyện nhiều tập buồn, vui tréo ngoe trong nông dân. Những năm trước khi các hợp đồng xuất khẩu gạo của Việt Nam tập trung vào gạo 25% tấm thì lúa IR 50404 lên đời. Lúc đó, giá lúa IR 50404 và các giống lúa chất lượng cao khác được thương lái mua với giá ngang nhau. Nông dân trồng lúa IR 50404 cười tươi vì giống lúa này dễ sản xuất và năng suất cao. Một số nhà khoa học và lãnh đạo ngành nông nghiệp giải thích, chuyện cào bằng giá mua giữa lúa chất lượng cao và IR 50404 là lý do vùng lúa chất lượng cao không phát triển được.
Trong 1 - 2 năm qua, khi lúa thơm và lúa chất lượng cao hút hàng do có thị trường, lúa IR 50404 bị chê dài dài. Câu chuyện nông dân trồng lúa IR 50404 chiếm tỷ lệ cao đã trở thành vấn đề thời sự ở các kỳ họp HĐND tỉnh. Nhiều địa phương như Hậu Giang, lãnh đạo ngành nông nghiệp đã bị chất vấn và phê phán “lên bờ, xuống ruộng”! Gần đây, một lãnh đạo VFA lại đổ lỗi do nông dân trồng quá nhiều giống lúa IR 50404 nên giá thu mua thấp. “Nông dân sản xuất lúa IR 50404 rồi bị… đổ lỗi, ngành nông nghiệp thấy xót xa. Lúa chất lượng thấp quá nhiều, vậy mua tạm trữ là mua lúa gạo nào? Điều này thể hiện, VFA không có kế hoạch trước” – TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, đặt vấn đề.
Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã quyết tâm thực hiện mục tiêu hạ tỷ lệ trồng giống lúa IR 50404 xuống còn khoảng 10% (nhiều địa phương ở ĐBSCL tỷ lệ lúa IR 50404 chiếm tới 40%). UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản sẽ khen, thưởng cho địa phương nào trong tỉnh có tỷ lệ xuống giống IR 50404 thấp! Trong khi các địa phương đang cố đưa ra các giải pháp để hạ tỷ lệ trồng lúa IR 50404, thì thương lái đang cào bằng giá mua lúa IR 50404 với các giống lúa dài khác tại Hậu Giang là một điều đáng suy nghĩ!
Theo VFA, tuần qua giá lúa khô tại kho ở ĐBSCL loại thường dao động 5.100 – 5.200 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.300 – 5.400 đồng/kg. Một lãnh đạo công ty lương thực trong vùng cho biết vẫn mua giá lúa chất lượng cao hơn giá lúa thường. Song thực tế lại đang diễn ra khác. Giá lúa VFA đưa ra là tại kho (thường là mua gạo rồi quy đổi ra giá lúa), phần lớn nông dân bán lúa cho thương lái, chắc chắn giá lúa sẽ giảm 100 – 300 đồng/kg so với giá VFA đưa ra. Và chuyện có cào bằng giá thu mua các loại lúa hay không là do thương lái quyết định. Câu chuyện thương lái mua lúa chất lượng cao, cào bằng giá với lúa IR 50404 đã tạo ra những tác động trái chiều trong nông dân trồng lúa, gây lo ngại cho nông dân. Đáng lo, liệu chuyện giá lúa IR 50404 “lật kèo” có làm cho các địa phương trong vùng khó khăn hơn trong việc khuyến cáo nông dân chuyển đổi trồng lúa phẩm cấp thấp sang chất lượng cao trong thời gian tới?