Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững” theo Quyết định phê duyệt số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ định hướng tái cơ cấu cho ngành trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đối với ngành cà phê cần tập trung ổn định diện tích khoảng 500 ngàn ha, tập trung ở các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung và Tây Bắc; xây dựng và triển khai chương trình trồng tái canh 150 ngàn ha cây cà phê già cỗi, năng suất và chất lượng thấp (Đề án Tái cơ cấu ngành NN, 2013).
Để thực hiện được đề án này chính phủ cũng đã nêu ra 5 nhóm giải pháp lớn cần thực hiện đó là: (1) Nâng cao chất lượng quy hoạch, rà soát, gắn chiến lược với xây dựng quy hoạch, kế hoạch, quản lý giám sát nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với quy hoạch, (2) Khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân, (3) Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công, (4) Cải cách thể chế, (5) Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách
Để triển khai đề án trên ngày 13/5/2014, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ký Quyết định số 1006/QĐ-BNN-TT ban hành Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt năm 2014-2015 và giai đoạn 2016-2020. Trong đó nhấn mạnh cấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất quy mô lớn tập trung gắn với thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế các vùng, miền. Riêng đối với cây cà phê cần thực hiện rà soát các quy hoạch phát triển ngành cho phù hợp với thị trường và đảm bảo các điều kiện sản xuất bền vững; ưu tiên tập trung tái canh cà phê để duy trì năng suất, sản lượng cà phê; Song song với đề án này Bộ Nông nghiệp cũng ban hành một loạt các đề án khác để lồng ghép và hỗ trợ thực hiện các giải pháp mà đề án ngành trồng trọt nêu ra như:
• Về việc đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu tại kế hoạch thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo QĐ 986/QĐ-BNN-KHCN ngày 9/5/2014
• Về hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất tập trung; áp dụng rộng rãi công nghệ tưới tiết kiệm theo đề án tái cơ cấu ngành thủy lợi bán hành theo QĐ số 794/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014 và chương trình hành động thực hiện đề án tái cơ cấu ngành thủy lợn theo quyết định số 802/QĐ-BNN-TCTL ngày 22 tháng 4 năm 2014
• Về tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng thị trường hợp tác công tư PPP tăng cường xúc tiến thương mại theo luật HTX 2012, QĐ 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản xây dựng cánh đồng mẫu lớn, trong đó ưu tiên triển khai mô hình liên kết PPP đối với 4 mặt hàng trong đó có cà phê
• Về giảm tổn thất sau thu hoạch theo quyết định số 68/2013/QĐ-TTg
• Về sản xuất bền vững áp dụng tiêu chuẩn sản xuất mới theo quyết định số 01/2012/QĐ-TTg về áp dụng GAP trong sản xuất,
• Về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 210/2013/NĐ-CP.
Như vậy, đối với ngành cà phê trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2014-2015 cần phải tập trung ưu tiên cho:
(i) Đẩy mạnh thu hút đầu tư liên kết sản xuất theo mô hình PPP đặc biệt thực hiện theo QĐ 62 của Thủ tướng Chính phủ
(ii) Khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân đặc biệt vào tái canh cà phê. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, tổng diện tích cà phê cần thay thế trong 5 đến 10 năm tới khoảng 140 đến 160 nghìn héc-ta, tuy nhiên hiện nay số lượng diện tích cà phê được tái canh hàng năm rất thấp chỉ tập trung vào những diện tích do các công ty quản lý, còn phần diện tích do nông dân quản lý diễn ra rất chậm, nguyên nhân chính là do số tiền đầu tư cho tái canh quá lớn khoảng 150 triệu đồng/héc-ta trong 3 năm đầu.
(iii) Rà soát lại việc thực hiện quy hoạch phát triển ngành cà phê, bời vì nếu theo quy hoạch phát triển ngành cà phê Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2013 đã được phê duyệt theo QĐ số 1987/QĐ-BNN-TT Việt Nam sẽ chỉ giành quỹ đất khoảng 500.000 ha cho cây cà phê vào năm 2020 và 479.000ha vào năm 2030. Nhưng thực tế niêm vụ 2014/2015 tổng diện tích cà phê của Việt Nam ước tính đạt 622 nghìn ha (vicofa). Theo đánh giá của các chuyên gia đang có tình trạng người dân phát triển trồng cà phê không theo quy hoạch, đặc biệt là trồng ở những vùng không phù hợp về điều kiện sinh thái.
(iv) Tập trung đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước. Theo vicofa mỗi năm ngành cà phê xuất khẩu đi các nước trên thế giới gần 1,5 triệu tấn nhưng chỉ có khoảng 100 ngàn tấn (cà phê nhân) được dùng để chế biến tiêu thụ trong nước. Nguyên nhân chia sẻ từ phía các doanh nghiệp là do chi phí chế biến cà phê trong nước quá cao dẫn tới lợi nhuận (chỉ đạt khoảng 3-7%), trong khi đó nếu xuất khẩu cà phê nhân ra người ngoài lợi nhuận là 30-50%. Trong thời gian gần đây xu hướng người tiêu dùng trong nước đang chuyển sang sử dụng cà phê xay của các thương hiệu lớn như the coffee bean, Starbucks, Dunkin Donuts,….Theo các chuyên gia nhận định rằng về lâu dài các doanh nghiệp nên chuyển hướng chú trọng hơn vào thị trường nội địa.