Hiệu quả nhưng nhiều khó khăn
Đánh giá về thực trạng ngành điều hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, người trồng điều vẫn chưa xem đây là cây trồng chủ lực, chưa đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Phần lớn nông dân vẫn phó mặc cây điều cho thời tiết nên hiệu quả kém. Thực tế 7 năm qua, diện tích điều cả nước giảm nhưng năng suất luôn tăng. Năm 2014, năng suất bình quân cao nhất từ trước đến nay, đạt 1,2 tấn/ha.
Bình Phước là thủ phủ cây điều Việt Nam với diện tích khoảng 140.000 ha, chiếm hơn 40% diện tích điều cả nước. Tuy nhiên, ngành điều của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Năng suất điều phụ thuộc vào thời tiết, giá cả bấp bênh. Toàn tỉnh có khoảng 80% diện tích điều được trồng bằng hạt, trong đó trên 30% diện tích già cỗi, năng suất thấp. Nhiều vùng điều trồng trên đồi dốc, thường bị xói mòn, rửa trôi nên năng suất, chất lượng kém...
Mặt khác, toàn tỉnh có hơn 200 công ty, doanh nghiệp và khoảng 400 cơ sở chế biến hạt điều với tổng công suất 130.000 tấn/năm, nhưng chỉ thu mua được 81.287 tấn hạt/năm (khoảng 65% sản lượng điều thô của tỉnh). Hầu hết các doanh nghiệp khó khăn về nguồn nguyên liệu do thiếu vốn thu mua dự trữ, thiếu nhân công nên chủ yếu sử dụng cơ sở chế biến gia công nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
Liên kết cùng phát triển
Ông Phùng Văn Bộ, Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất điều Phước Hưng (xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài) cho biết HTX có gần 100 thành viên với diện tích gần 400 ha điều. Vào HTX, các thành viên được chuyển giao khoa học - kỹ thuật thâm canh vườn điều; hỗ trợ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm. HTX vừa ký hợp đồng với Tổng công ty thương mại Hà Nội nên nông dân hoàn toàn yên tâm về đầu ra với giá ổn định. Ông Trần Văn Định ở ấp 2, xã Tiến Hưng, thành viên HTX nói: “Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và sử dụng đúng phân bón, 1 ha điều của gia đình đã ra bông đạt 100%, tỷ lệ đậu trái đạt 30%. Nếu thời tiết ổn định sẽ cho năng suất trên 4 tấn/ha”.
Nhóm phát triển điều của chị Vưu Thị Mai ở xã Đồng Tiến (Đồng Phú) hiện có 140 hộ với diện tích khoảng 330 ha. Nhóm làm theo hình thức vần đổi công vừa tiết kiệm chi phí nhân công vừa cùng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, nên năng suất bình quân đạt trên 2 tấn/ha, có vườn đạt 3-4 tấn/ha. Điều thu hoạch xong tập trung về một mối tiêu thụ nên ổn định giá từ đầu đến cuối vụ.
Và sự cộng đồng trách nhiệm
Tại hội nghị phát triển điều bền vững tỉnh vừa tổ chức, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm cho rằng: Một trong những giải pháp quan trọng nhất là chọn được giống đầu dòng cho năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng sâu bệnh, thích nghi với biến đổi khí hậu, thay thế diện tích điều già cỗi, năng suất thấp. Ngoài ra phải xây dựng các mô hình trồng điều theo quy trình VietGAP để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên tổ chức hội thảo đầu bờ để tuyên truyền nhân rộng mô hình điểm; thành lập các HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ để tạo vùng nguyên liệu tập trung... và phổ biến chính sách của Nhà nước liên quan đến phát triển điều để nông dân biết, yên tâm đầu tư.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc đầu tiên là phải cải tạo vườn điều đã có, thâm canh rồi mới tính đến chuyện trồng mới. Bộ trưởng cũng yêu cầu tỉnh tổ chức bình chọn cây đầu dòng, thậm chí từng huyện, xã cũng có thể tổ chức bình chọn để tìm ra những loại giống tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng. Đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, phải cử cán bộ về tận nhà hướng dẫn cách chăm sóc, cải tạo trồng điều...
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Phát triển ngành điều bền vững chỉ trở thành hiện thực khi chúng ta có doanh nghiệp mạnh. Do vậy, các doanh nghiệp phải tập trung chế biến sâu, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, phát triển và bảo vệ thị trường.
Nguồn: Báo Bình Phước OL