Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cao su thế giới tháng 9/2006
18 | 07 | 2007
Giá giảm mạnh do cung tăng, cầu thấp; IRCo sẽ can thiệp để ổn định thị trường; Dự báo giá cao su sẽ hồi phục vào mùa đông.

Giá cao su châu Á đã giảm khoảng 30-40% kể từ giữa tháng 6 đến nay, liên tục giảm trong tháng qua do nguồn cung tăng, nhu cầu thấp, mà giá cao su tổng hợp đã rẻ đi nhiều do giá dầu giảm. Sản xuất cao su của các nước Đông Nam Á đang mùa cao điểm. Nhiều khách hàng Trung Quốc thông báo huỷ hợp đồng mua, trong khi các quỹ hàng hoá và nhà đầu tư địa phương vẫn tiếp tục bán cao su dự trữ ra.

Việc thị trường cao su thế giới diễn biến thất thường đang rất gây hoang mang cho các nước sản xuất. Trong bối cảnh này, ba nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới, Thái Lan, Indonexia và Malaysia -chiếm khoảng 60% tổng sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu- đã nhóm họp tại Bangkok trong những ngày 20-21/9/2006 để thảo luận về biện pháp bình ổn giá cao su. Giải pháp mà các nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới đưa ra sẽ là cắt giảm sản lượng và xuất khẩu cao su tự nhiên để tránh tình trạng giá giảm hơn nữa. Hiện các nước này đã sẵn sàng cắt giảm xuất khẩu cao su để tránh tình trạng giá trượt dốc quá dài. Ngành sản xuất cao su thế giới hy vọng các nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới sẽ không phải áp dụng biện pháp nào vì nhu cầu sẽ hồi phục trong khi nguồn cung suy giảm trong những tháng tới.

Thực tế là ở Thái Lan, khai thác mủ cao su ở một số nơi đang chậm lại, do mưa nhiều và đã qua giai đoạn thu hoạch đỉnh điểm. Cuộc khủng hoảng chính trị chỉ làm cho hoạt động khai thác và giao dịch cao su trở nên thận trọng hơn.

Sản lượng của Indonexia trong những tháng 9-10 cũng có thể sẽ chậm lại do thời tiết nóng và là tháng lễ hội hồi giáo. Thời tiết thất thường và mùa đông đã làm giảm 30-40% sản lượng ở nhiều nông trường cao su ở miền Tây trong những tháng 8-9. Dự báo sản lượng cao su Indonexia năm 2006 sẽ vẫn tăng, xong chậm hơn so với năm ngoái. Sản lượng năm nay sẽ tăng khoảng 3,5%, trong khi sản lượng năm 2005 tăng khoảng 10% là 2,27 triệu tấn. Kết quả là khả năng xuất khẩu của Malaysia năm 2007 sẽ giảm xuống. Ngành cao su Indonexia sẽ chủ động tìm cách hạn chế khối lượng xuất khẩu cao su do sản lượng cao su trong nước thấp hơn dự kiến trong bối cảnh giá cao su thế giới đang thấp.

Mức chênh lệch lớn giữa giá cao su Ấn Độ và cao su Quốc tế đã được rút ngắn dần trong mấy tháng gần đây, nên xuất khẩu giảm xuống. Dự báo xuất khẩu cao su của Ấn Độ trong năm kết thúc vào tháng 3/2007 chỉ đạt 50.000 tấn, so với 73.830 tấn năm trước đó, vì các công ty ô tô trong nước ngốn gần như toàn bộ nguồn cung trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng mạnh. Dự báo năng suất cao su ở Ấn Độ mấy năm tới sẽ giảm do cây già cỗi, cần thay mới, đúng lúc nhu cầu tăng lên. Trong năm 2006/07, sản lượng chắc chắn sẽ chỉ tăng 3,5%, đạt 831.000 tấn, trong khi nhu cầu dự báo sẽ tăng khoảng 5% vì các hãng sản xuất lốp xe trong và ngoài nước tăng cường mua cao su để phục vụ ngành sản xuất ô tô đang bùng nổ. Ở Ấn Độ. hầu hết cao su được tiêu thụ trong ngành ô tô. Khoảng 70% cao su tiêu thụ ở Ấn Độ là loại cao su tự nhiên, còn 30% là cao su tổng hợp. Tỷ lệ này ở nhiều nước là ngược lại.

Ngành Hải quan Trung Quốc dự báo nước này có thể thiếu hụt 900.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2006 do sự bùng nổ của ngành công nghiệp ô tô đẩy nhu cầu tiêu thụ nội địa gia tăng, dự đoán đạt 1,5 triệu tấn, trong khi sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 600.000 tấn. Phần cao su thiếu hụt sẽ được đáp ứng bằng nhập khẩu và cao su tổng hợp. Trung Quốc tiêu thụ khoảng ¼ tổng khối lượng cao su tự nhiên tiêu thụ trên toàn cầu, và dự kiến nước này sẽ nhập khoảng 1,52 triệu tấn trong năm 2006. Nhu cầu cao su tổng hợp của Trung Quốc dự báo sẽ tăng trung bình 6% mỗi năm từ nay cho tới 2010, đạt 3,21 – 3,55 triệu tấn ở thời điểm đó. Do vậy,  sản lượng loại cao su này cũng sẽ phải tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu. Dự báo đến 2010, sản lượng cao su tổng hợp Trung Quốc sẽ đạt 2,7 triệu tấn.

Trong một tháng qua, giá cao su Việt nam đã giảm trên 1.000 USD/tấn, mức giảm mạnh nhất từ trước tới nay. Cao su Việt Nam hiện đang được chào bán với giá khoảng 1.900-2.000 USD/tấn, so với 2.800 USD/tấn một tháng trước đây. Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu cao su hàng đầu của Việt Nam. Sản lượng cao su Việt Nam thường tăng cao vào quý IV, do yếu tố mùa vụ, thường chiếm 40% sản lượng của cả năm. Dự kiến Việt nam sẽ xuất khẩu khoảng 60.000 tấn mủ cao su mỗi tháng trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12, thời điểm mà xuất khẩu từ những nước sản xuất khác như Indonexia giảm xuống.

Dự báo xu hướng giá cao su sẽ ngừng giảm và hồi phục dần trong những tháng tới vì mùa đông là giai đoạn sản lượng mủ cao su thấp, trong khi nhu cầu cao su tự nhiên trên thế giới vẫn cao, nhất là ở những thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, và các nước Đông Âu. Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế dự báo nhu cầu cao su thế giới sẽ tăng 6% trong những tháng còn lại của năm nay.



(Vinanet)
Báo cáo phân tích thị trường