Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thái Bình coi trọng đầu tư cho thủy lợi và chế biến nông sản
28 | 07 | 2007
Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, mặc dù trong những năm vừa qua, đạt được nhiều thành tích đáng kể trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhưng hiện nay và trong những năm tới sẽ gặp rất nhiều thách thức, nhất là khi nước ta trở thành thành viên chính thức của WTO.
Khó khăn lớn nhất của địa phương là làm sao chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ; chuyển nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa và nâng cao được chất lượng của các loại nông sản như gạo, thực phẩm và các loại thủy sản nước mặn, nước ngọt như tôm, cá.

Năm 2006, GDP của Thái Bình tăng 10,56% so với năm 2005; giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,8%, chiếm 39,91% GDP của toàn tỉnh. Năng suất lúa cả năm đạt hơn 130 tạ/ha, là năm có cả hai vụ lúa đều đạt năng suất cao nhất trong nhiều năm gần đây, tổng sản lượng lương thực tăng 97,5 nghìn tấn so với năm 2005. Toàn tỉnh đã chuyển dịch được hơn 7.300 ha diện tích cấy lúa, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây, con khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. 279 xã, thị trấn triển khai xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm với 1.278 cánh đồng và 1.737 ha, đạt 12,42% diện tích canh tác.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hiện nay còn phụ thuộc nhiều vào những điều kiện của thời tiết, cho nên giá trị kinh tế thường đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn yếu đã làm hạn chế sự phát triển hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. Ðây là thách thức lớn nhất đối với Thái Bình khi nước ta gia nhập WTO.

Hiện nay, cơ cấu kinh tế của Thái Bình có xu hướng chuyển dịch mạnh sang công nghiệp và thương mại dịch vụ, nhưng nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng nhu cầu phát triển với nhịp độ cao, tích lũy từ nội bộ nền kinh tế còn thấp, vốn đầu tư thiếu và nguồn thu hạn chế. Vì thế, Thái Bình phải tập trung đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp để bảo đảm tăng trưởng ổn định, vừa hạn chế ảnh hưởng của thiên tai vừa chủ động bù đắp được phần thiệt hại do thiên tai gây ra.

Trong công nghiệp, bên cạnh việc tập trung tháo gỡ các vướng mắc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát triển. Tập trung tạo ra những cú huých đột phá trong phát triển kinh tế. Năm 2007, Thái Bình quan tâm chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho những doanh nghiệp lớn mở rộng sản xuất, kinh doanh để có đóng góp lớn cho tăng trưởng và ngân sách. Thái Bình xác định trọng tâm trong năm 2007 là phát triển công nghiệp phấn đấu đạt mức tăng trưởng 25,5% so với năm 2006.

Tỉnh tăng cường cải cách hành chính, xóa bỏ thủ tục phiền hà, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư dự án mới, mở rộng sản xuất. Lãnh đạo của tỉnh, các cấp, các ngành thường xuyên chủ động trực tiếp xuống các doanh nghiệp nghe và tháo gỡ vướng mắc tại chỗ, nhằm giúp các đơn vị tăng nhanh năng lực, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chính quyền các cấp đồng hành với doanh nghiệp, không thụ động ngồi chờ doanh nghiệp đến đề nghị mới giải quyết. Ðồng thời đẩy mạnh tiếp xúc, kêu gọi đầu tư, gặp gỡ đối thoại với các doanh nghiệp, tiến hành liên kết, liên doanh về kinh tế giữa Thái Bình với các tỉnh, thành phố trong khu vực.

Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh chủ trương xóa bỏ các loại giống lúa dài ngày, tăng diện tích giống lúa ngắn ngày từ vụ xuân 2007, mở rộng diện tích lúa mùa sớm, nhằm tạo quỹ đất cho cây vụ đông ưa ấm. Các huyện và thành phố phải quy hoạch cụ thể để có 30% diện tích lúa chất lượng cao, riêng huyện Tiền Hải phải đạt 50% diện tích và xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao. Thực hiện luân canh cây trồng từ ba đến bốn vụ/năm, quan tâm chỉ đạo phát triển cây vụ hè. Tập trung vốn đầu tư hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật, đưa tám vùng chăn nuôi và 16 vùng chuyển sang nuôi trồng thủy sản tập trung vào sản xuất phát huy hiệu quả. Ðồng thời, tăng cường quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển vận tải biển và đánh bắt xa bờ.

Trong những năm tới, Thái Bình thực hiện việc chuyển sang cơ chế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện, nước, công nghệ sinh học và chế biến, bảo quản giống, sản phẩm sau thu hoạch, công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh; tạo thuận lợi cho nông dân vay vốn ở các vùng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mua máy phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp và cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm. Ðồng thời, thực hiện cơ chế "một cửa" về đầu tư, từ đó rút kinh nghiệm để triển khai đến các lĩnh vực xây dựng cơ bản, cấp phép, tư pháp, lao động, thương binh và xã hội. Xử nghiêm, kịp thời những cán bộ, công chức gây nhũng nhiễu, phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực.


NGUYỄN DUY VIỆT
Báo cáo phân tích thị trường