Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ấn tượng cổ phiếu ngành thuỷ sản
17 | 12 | 2007
Hiện tại, đã có 9 mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành thủy sản niêm yết tại 2 sàn TP. HCM và Hà Nội. Đó là ABT (XNK Thủy sản Bến Tre), ACL (XNK Thủy sản Cửu Long An Giang), AGF (XNK Thủy sản An Giang), FMC (Thực phẩm Sao Ta), MPC (Thủy hải sản Minh Phú), SJ1 (Thủy sản số 1), TS4 (Thủy sản số 4), ICF (Thủy sản Incomfish) và ANV (Thuỷ sản Nam Việt).

Nhiều tín hiệu tích cực

Căn cứ vào kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2007, khối phân tích và đầu tư, CTCK Sài Gòn (SSI) nhận định, trong số 8 công ty nêu trên, 5 doanh nghiệp có khả năng đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm. Ước tính, lợi nhuận sau thuế năm 2007 của ABT đạt 40,273 tỷ đồng, EPS 8.305 đồng; ACL đạt 55,689 tỷ đồng, EPS 13.579 đồng; ICF đạt 18,480 tỷ đồng, EPS 1.566 đồng; MPC đạt 235,964 tỷ đồng, EPS 3.621 đồng; SJ1 đạt 6,5 tỷ đồng, EPS 3.036 đồng. Ấn tượng nhất trong các doanh nghiệp trên là ABT và ACL, bởi mức vượt kế hoạch lợi nhuận là 28% và 24%. Ngoài ra, đặc điểm chung của cả hai doanh nghiệp này là đều có chỗ đứng tốt ở thị trường châu Âu, một thị trường có yêu cầu về chất lượng sản phẩm rất khắt khe. Điều khác biệt là trong khi ABT coi EU là thị trường trọng điểm, hiện chiếm 73% sản lượng xuất khẩu, thì ACL xuất khẩu đồng đều giữa các thị trường, cụ thể: EU 36%, Nhật Bản 30% và Mỹ 20%. Có 3 doanh nghiệp nhiều khả năng không đạt được kế hoạch lợi nhuận năm 2007 là AGF, TS4 và FMC. Một trong những nguyên nhân là do AGF bị giảm sản lượng xuất khẩu vì nhà máy mới không kịp đưa vào hoạt động theo đúng tiến độ, còn TS4 và FMC gặp khó khăn về thị trường và chưa chủ động được nguồn nhiên liệu.

Từ ước tính lợi nhuận nêu trên, SSI tính toán, P/E năm 2007 của 8 công ty thuỷ sản (trừ ANV) bình quân là 16 lần. Mức P/E này được xem là trung bình của thị trường và thấp so mức tăng trưởng của ngành thuỷ sản.

Vẫn theo đánh giá của SSI, các công ty ngành thuỷ sản trước đây tập trung vào chế biến nay đã dần chuyển sang đầu tư nuôi trồng hoặc đẩy mạnh đầu tư vào các hộ nuôi trồng nhằm giảm thiểu rủi ro về chất lượng vệ sinh và biến động giá cả đầu vào. Ngoài ra, việc từ chế biến thuỷ sản các loại sang chế biến cá tra và cá ba sa là một xu hướng tích cực, bởi đây là thế mạnh của Việt Nam. Việc đa dạng hoá thị trường xuất khẩu cũng là một tín hiệu tích cực mà các doanh nghiệp tạo ra.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hàng thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu đứng thứ 7 trên thế giới và đã vào được những thị trường “khó tính” như EU, Mỹ, Nhật Bản. Tốc độ tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2005, xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD; năm 2006 đạt 3,5 tỷ USD; năm 2007 dự kiến đạt 3,8 tỷ USD. Thị trường trong nước cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp thuỷ sản khi khảo sát mới đây cho thấy, có tới 47% dân số trung lưu ở đô thị có nhu cầu mua sắm tại các siêu thị, trong đó có nhu cầu về hàng thuỷ sản chế biến. Ngoài ra, người nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, sẽ tiêu thụ lượng lớn hàng thuỷ sản.

Những thách thức đặt ra

Theo ông Hồi, những thách thức đặt ra hiện nay đối với ngành thủy sản là việc khai thác thái quá và việc nuôi trồng gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. “Ngành thủy sản có tiềm năng phát triển tốt vì thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, các công ty phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu. Vì vậy, trong ngắn hạn có thể đầu tư vào doanh nghiệp chế biến. Nhưng với mục đích dài hạn thì nên đầu tư vào các công ty tổ chức tốt việc nuôi trồng, thu mua nguyên liệu, đảm bảo đầu vào, đáp ứng được các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Hồi nói.

Các chuyên viên phân tích của SSI cũng cho rằng, chất lượng vệ sinh và những rào cản kỹ thuật khi xuất khẩu thủy sản vào các quốc gia luôn là rủi ro lớn đối với doanh nghiệp chế biến thuỷ sản. Biến động giá nguyên liệu đầu vào cũng là thách thức không nhỏ.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, vấn đề lớn nhất của thủy sản Việt Nam là yêu cầu đảm bảo chất lượng từ đầu vào đến đầu ra, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, và đảm bảo chất lượng qua khâu chế biến. Nhiều doanh nghiệp thủy sản Việt Nam gặp khó khăn trong việc đảm bảo được chất lượng đồng đều và ổn định. Các biện pháp hạn chế xâm nhập thị trường (bao gồm thuế quan và phi thuế quan) tại các thị trường lớn tiếp tục là rào cản đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại chưa chú trọng đúng mức đến thị trường nội địa. Việc cải tiến công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản chưa được chú trọng. Những vấn đề trên nếu không được cải thiện sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

 



Theo ĐTCK
Báo cáo phân tích thị trường