Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đầu tư cho nông thôn: Mới đáp ứng 17% nhu cầu
15 | 12 | 2007
Kinh tế đất nước tăng trưởng mạnh nhưng khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng cao. Nếu khu vực nông thôn có mức tăng trưởng từ 3,5 - 4%/mỗi năm, thì khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng cao hơn gấp 2 - 6 lần. Nếu không có giải pháp cụ thể và đồng bộ, đời sống người dân nông thôn đã khó khăn sẽ ngày càng khó khăn hơn.

300 xã chưa có đường giao thông

17 triệu nông dân ĐBSCL hàng năm sản xuất khoảng 50% sản lượng lúa, cung cấp 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, đóng góp khoảng 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước nhưng đến nay vẫn là vùng nghèo nhất nước.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong giai đoạn 2001-2005, đã có 113.116 tỷ đồng đầu tư phát triển nông thôn trong cả nước. Trong đó, vốn đóng góp của nhân dân chiếm khoảng 10%. Nhờ đó, nông thôn đã có những bước chuyển tích cực, điện đường trường trạm cơ bản được đảm bảo. Tuy nhiên, số này mới chỉ đáp ứng 17% nhu cầu phát triển nông thôn. Ngoài ra, do chưa tìm được mô hình điển hình cho phát triển nông thôn và những bất cập trong việc đầu tư, nên nông thôn đang tồn tại không ít khó khăn.

Hiện cả nước còn hơn 300 xã với hơn 20.000 thôn, ấp chưa có đường giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội. Bản sắc văn hóa và sinh cảnh nông thôn đang mất dần; nông sản không có sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO. Vòng lẩn quẩn được mùa-mất giá, được giá-mất mùa, hàng hóa không tiêu thụ được... luôn diễn ra.

Thiếu kiến thức, công nghệ sản xuất lạc hậu cũng là thực trạng đáng báo động trong đại bộ phận nông dân. Thiếu việc làm và sự đối nghịch ngày càng lớn giữa giàu-nghèo, giữa nông thôn-thành thị đã không ngăn được dòng chảy di dân ra thành thị. Trong 4 năm gần đây mỗi năm có khoảng 20 vạn lao động nông nghiệp dịch chuyển ra phố thị.

Đổi mới nhận thức

Thời gian qua, Chính phủ đã cố gắng cân đối, bổ sung nguồn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn bằng nhiều nguồn như vốn ngân sách, trái phiếu chính phủ, ODA… nhưng hiệu quả chưa thật rõ nét. Thu hút FDI vào nông thôn cũng vậy. Trong khi đó, nhiều chủ trương của Đảng và Nhà nước chưa được các bộ, ngành trung ương quan tâm thực hiện đến nơi đến chốn.

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng: Để giải quyết khó khăn cho nông thôn, nhất là ở ĐBSCL, nhất thiết nhà nước phải bắt tay vào cuộc, phải đổi mới nhiều chính sách và bỏ cách nghĩ mạnh tỉnh nào tỉnh nấy tự lo để xác định thật chính xác bản đồ thích nghi nông nghiệp, từ đó xác định phương hướng phát triển mỗi vùng, phân phối lao động và đầu tư thích hợp.

Cùng trăn trở vấn đề này, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị, cho rằng ngay từ sau đổi mới, chính sách của chúng ta đã có sai lầm, đó là lấy nông nghiệp giải quyết nông nghiệp. Khi người dân nghèo khó, thiếu đất sản xuất, chúng ta lại xóa đói giảm nghèo bằng hình thức giúp vốn, chia đất cho họ. Đầu tư cho nông thôn cũng vậy. Bởi thực tế đã chứng minh, chưa chắc đầu tư quá nhiều cho thủy lợi là đúng, mà phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiết yếu, xương sống của nền kinh tế. Cầu, đường, sân bay, bến cảng không dính tới nông nghiệp, nhưng nó là đòn bẩy cho nông nghiệp.

Xác định tầm quan trọng trong đầu tư nông nghiệp, nông thôn, Nhà nước đã khẳng định: Không đầu tư phát triển nông thôn thì khó công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cũng khó trở thành một nước công nghiệp phát triển vào năm 2020.

Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2010. Theo đó, Dự thảo kế hoạch nông nghiệp và nông thôn thời kỳ 2006 – 2010 đã được xác định với việc huy động vốn đầu tư phát triển cho toàn ngành là 144.790 tỷ đồng. Trong đó, vốn FDI chiếm tỷ lệ 11% nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa mạnh, đa dạng và bền vững.

 



Theo SGGP
Báo cáo phân tích thị trường