Ðể đáp ứng nhu cầu lao động cho sự nghiệp CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn, công tác giáo dục-đào tạo nói chung và dạy nghề cho lao động nông thôn nói riêng phải được đổi mới và phát triển ở tầm cao hơn.
Bức tranh toàn cảnh
Ðiều tra lao động việc làm những năm qua cho thấy, trình độ chuyên môn của lực lượng lao động (LLLÐ) nước ta còn quá thấp. Tỷ lệ lao động chưa có bằng cấp chuyên môn, chưa có kỹ năng và cũng chưa qua đào tạo chiếm gần 75% tổng số lao động cả nước. Lao động có kỹ năng chỉ chiếm khoảng 25%, trong đó chỉ có 5,5% số lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên, 4,7% lao động có trình độ trung cấp, 1% có trình độ sơ cấp, 3,5% có chứng chỉ nghề, còn lại khoảng 10,6% là công nhân kỹ thuật nhưng chưa có chứng chỉ. Giữa thành thị và nông thôn, trình độ chuyên môn của người lao động còn có khoảng cách khá lớn. Trong khi lao động chưa qua đào tạo ở thành thị chỉ chiếm dưới 50% tổng số LLLÐ thì ở nông thôn, tỷ lệ này chiếm đến hơn 83%; tỷ lệ lao động có chứng chỉ nghề trở lên ở thành thị chiếm 34,3% trong khi ở nông thôn chỉ là 8,2%. Ðành rằng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ngày càng chiếm tỷ lệ cao trong tổng lực lượng lao động nông thôn, song tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật làm nông nghiệp còn quá thấp, chủ yếu vẫn chưa được đào tạo nghề.
Ðơn cử như vậy để thấy rõ hơn vai trò quan trọng của công tác dạy nghề cho nông dân. Ðiều đáng mừng là mạng lưới các cơ sở dạy nghề (CSDN) hiện đang phát triển nhanh với nhiều mô hình đa dạng và sáng tạo. Nhờ đó đã thu hút nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều tổ chức tham gia dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động nông thôn và nông dân. Riêng quy mô tuyển sinh học nghề đã tăng gấp ba lần so với 10 năm về trước (từ 525,6 nghìn người năm 1998 lên 1.538 nghìn người năm 2008, trong đó dạy nghề dài hạn tăng 3,4 lần, từ 75,6 nghìn lên 258 nghìn; dạy nghề ngắn hạn tăng 2,84 lần, từ 450 nghìn người lên 1.280 nghìn người), trong đó lao động nông thôn tham gia học nghề chiếm trên 60%. Chất lượng công tác đào tạo nghề cũng từng bước được cải thiện, đáp ứng một phần yêu cầu của thị trường lao động. Tỷ lệ học sinh học nghề tốt nghiệp tìm được việc làm khoảng 70%, cá biệt ở một số nghề và một số trường đạt hơn 90%. Do biết gắn dạy nghề với giải quyết việc làm, nên ngay sau khi học nghề, nhiều người dân nông thôn đã tự tạo được việc làm, lập cơ sở sản xuất, mở trang trại, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Tuy nhiên, một trong những hạn chế cơ bản là công tác dạy nghề cho lao động nông thôn chưa gắn đào tạo với chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, của ngành, của vùng; số lượng và chất lượng dạy nghề nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ lao động nông thôn được dạy nghề còn thấp, nhất là đối với những người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp... Ở khía cạnh khác, năng lực hệ thống các CSDN còn nhiều hạn chế, phần lớn các trường tập trung vào đào tạo các nghề công nghiệp, dịch vụ, kinh tế, tin học... rất ít trường đào tạo về các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Ðiều kiện bảo đảm chất lượng dạy nghề còn hạn chế, nội dung đào tạo còn nặng về lý thuyết và chưa coi trọng đúng mức thời gian thực hành, do đó chất lượng dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Thực trạng trên cũng cho thấy công tác dạy nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn hiện chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất cả về số lượng và chất lượng; cả về cơ cấu trình độ và cơ cấu ngành nghề.
Những giải pháp cơ bản
Trước hết, phải coi dạy nghề cho lao động nông thôn là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực nông thôn, nhằm phát huy lợi thế quan trọng nhất của nước ta để phát triển kinh tế, ổn định xã hội bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể, dạy nghề phải gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đồng thời chủ động tạo việc làm cho người lao động. Dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn phải tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phục vụ cho việc xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Cùng đó, phải tạo điều kiện thuận lợi để phổ cập nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là đào tạo bồi dưỡng kỹ thuật công nghệ mới cho lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Tăng cường dạy nghề cho lao động nông thôn là nhằm tạo ra một lực lượng lao động có trình độ kỹ năng nghề đáp ứng được yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bởi vậy, các cơ quan chức năng đang khẩn trương xây dựng, triển khai và thực hiện một loạt giải pháp cơ bản. Một là, thống nhất đầu mối quản lý công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp và các cá nhân trong và ngoài nước tham gia công tác dạy nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp để chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn. Hai là, đổi mới cơ chế chính sách và ban hành chính sách khuyến khích phát triển dạy nghề cho lao động nông thôn, gồm chính sách quy định những nghề trong nông nghiệp, nông thôn khi người lao động hành nghề phải qua đào tạo; chính sách cho người có văn bằng, chứng chỉ nghề và chứng nhận học nghề nông nghiệp được ưu tiên vay vốn và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tự tổ chức sản xuất, kinh doanh. Ba là, củng cố, tăng cường năng lực đào tạo cho hệ thống các CSDN thuộc vùng nông thôn và các CSDN thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề đầu tư cho các nghề nông - lâm - nghiệp. Bốn là, đổi mới chương trình, nội dung, hình thức và phương pháp đào tạo cho lao động nông thôn, xây dựng các chương trình dạy nghề nông nghiệp tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế nông nghiệp, nông thôn Việt Nam; đổi mới nội dung đào tạo theo hướng thiết thực, tập trung vào đào tạo kỹ năng nghề phục vụ trực tiếp cho lao động nông thôn. Năm là, Nhà nước bảo đảm nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề cho toàn hệ thống (cả công lập và tư thục); đa dạng hóa hình thức, phương thức đào tạo giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn; chuẩn hóa giáo viên dạy nghề và xây dựng một số khoa sư phạm trong các trường cao đẳng nghề thuộc các vùng nông thôn để đào tạo giáo viên dạy nghề. Sáu là, xây dựng và phát triển hệ thống thông tin về dạy nghề và thị trường lao động; hình thành các trung tâm cấp vùng, cấp tỉnh để định hướng dạy nghề cho nông dân; tạo điều kiện để lao động nông thôn tiếp xúc với thông tin thị trường lao động. Bảy là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo lao động nông thôn để tìm nguồn tài trợ, nguồn vốn phục vụ các hoạt động phát triển nhân lực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa các trường trong nước với các cơ sở đào tạo nước ngoài trong phát triển nhân lực nông thôn; tăng cường dạy nghề cho lao động nông thôn cho đi lao động xuất khẩu.
TS Nguyễn Hồng Minh