Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sẽ có 4 nhóm giải pháp
23 | 02 | 2009
Điểm mới của chương trình hỗ trợ giảm nghèo cho 61 huyện là phân cấp mạnh cho các xã, huyện. Các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% sẽ tự thấy rõ được trách nhiệm của mình trong việc giảm nghèo nhanh và bền vững.

Trung ương và tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc triển khai chương trình.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Kim Ngân đã khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.

PV: Thưa Bộ trưởng, trong Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, quan điểm chỉ đạo nào là quan trọng và xuyên suốt nhất?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân: Tôi cho rằng, quan điểm lấy người dân là chủ thể để thụ hưởng chính sách này rất quan trọng và có ý nghĩa, tức là người dân phải tham gia vào ngay từ khâu xác định nhu cầu đến tổ chức thực hiện và giám sát thì quá trình này mới đạt hiệu quả. Kết quả của việc xóa đói giảm nghèo có thành công hay không trước hết phụ thuộc vào sự nỗ lực vươn lên của chính người nghèo. Từ đó, người dân thấy được trách nhiệm của mình, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, của doanh nghiệp và cộng đồng xã hội thì bản thân người nghèo phải tự vươn lên, chứ không thể đứng ngoài cuộc. Chương trình này Nhà nước dành cho người dân thì người dân phải tham gia trực tiếp ngay từ đầu. Vì vậy, phải lấy ý kiến của người dân, ngay cả việc sản xuất, trồng cây gì, nuôi con gì, cần làm những gì trong các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng… 

Vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hay giải pháp đặc thù nào đối với các huyện nghèo trên để thực hiện chương trình này một cách hiệu quả nhất?

Sẽ có 4 nhóm giải pháp chính: hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập; chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí; chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo như đào tạo cán bộ cơ sở hoặc luân chuyển cán bộ từ huyện xuống xã…; hỗ trợ về chuyên gia của các tổ công tác thuộc Trung ương; đầu tư cơ sở hạ tầng ở thôn, bản, xã, huyện. Các nhóm chính sách này sẽ được thực hiện đồng thời, tuy nhiên chính sách về tạo việc làm, tăng thu nhập là thiết thực nhất đối với các hộ nghèo hiện nay.

PV: Trong năm 2009, những nhiệm vụ trọng tâm nào sẽ được thực hiện, thưa Bộ trưởng?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân: Năm 2009, việc thực hiện chương trình phụ thuộc vào Đề án hỗ trợ giảm nghèo bền vững trên từng địa bàn do các huyện nghèo trực tiếp xây dựng. Vì vậy, tôi nhấn mạnh, chương trình hỗ trợ giảm nghèo của Chính phủ lần này có nhiều điểm khác so với các chính sách trước kia (chương trình 134, chương trình 135). Chương trình này lấy người dân làm chủ thể, lấy cơ sở làm “đầu bài” thực hiện. Chính ở những huyện đó sẽ có đề án riêng chứ không có cơ chế chính sách chung cho cả 61 huyện. Tùy vào từng Đề án, chúng ta sẽ xác định nhiệm vụ nào cần làm trước, nhiệm vụ nào cần thực hiện sau.

PV: Theo Bộ trưởng, làm thế nào để kiểm tra hiệu quả của chương trình, tránh thất thoát tiền hỗ trợ?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân: Trong chương trình này, việc phân công các bộ, ngành, nhiệm vụ của Chủ tịch UBND tỉnh rất rõ ràng. Phải cố gắng để tất cả các chính sách cho người nghèo thực hiện đúng mục tiêu, đúng mục đích. Vì vậy, việc đi cơ sở, kiểm tra nắm tình hình, giúp đỡ địa phương là quan trọng bởi hiện nay cán bộ ở cơ sở vừa thiếu, vừa yếu. Nếu chính sách đúng mà không có con người có đủ năng lực để làm, không có sự kiểm tra giám sát và tăng cường cán bộ cấp trên thì chính sách đó sẽ không đạt hiệu quả.

PV: Trong chương trình này, vai trò của Bộ được thể hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân: Bộ LĐ-TB&XH được giao làm thường trực chương trình, tức là theo dõi việc tổ chức thực hiện để báo cáo Chính phủ. Đối với tất cả các bộ, ngành có liên quan, Bộ đã có báo cáo phân công, như: quy hoạch sản xuất do Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện, xây nhà cho người nghèo do Bộ Xây dựng chủ trì, hướng dẫn thực hiện và thẩm định đề án, bố trí vốn đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Các Bộ khác theo chức năng nhiệm vụ sẽ tham gia đúng với chức năng của mình.

Bên cạnh đó, dạy nghề và xuất khẩu lao động là một trong rất nhiều giải pháp mà Bộ LĐ-TB&XH đặt ra. Nhưng vừa qua, có ý kiến là việc xóa đói giảm nghèo chỉ tập trung vào những việc này thì không phải. Đây là một trong nhiều giải pháp đặt ra đối với những vùng ít đất sản xuất mà có nhu cầu tìm việc làm tại nước ngoài. Nếu mỗi một hộ nghèo được đi xuất khẩu lao động thì là việc rất tốt. Ngoài ra, cần triển khai việc dạy nghề ngay tại xã, tại huyện đối với những nghề phi nông nghiệp để thanh niên không có đất sản xuất có thể tham gia làm việc tại các khu công nghiệp trong tỉnh. Một bộ phận nữa sẽ chuyển sang làm dịch vụ như cơ khí, sửa chữa máy móc, lưu thông chế biến hàng hóa…  

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.



Nguồn: VOVNEWS
Báo cáo phân tích thị trường