Ưu tiên 4 nhóm sản phẩm
Bộ NN-PTNT cho biết, trong đề án kích cầu nông nghiệp, nông thôn mà bộ đang khẩn trương xây dựng để trình Chính phủ, sẽ thực hiện theo 5 nhóm giải pháp. Theo đó, sẽ điều chỉnh lại cơ cấu sản xuất cho phù hợp với thị trường tiêu thụ.
Những nông sản nào có lợi thế về thị trường thì được đầu tư đẩy mạnh, chẳng hạn như mặt hàng lúa gạo bằng việc tăng sản xuất lên mức tối đa. Bộ sẽ có chính sách hỗ trợ cho nông dân về vốn và giống nếu làm vụ 3 ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và làm vụ đông ở miền Bắc.
Mục tiêu mà Bộ NN-PTNT đề ra vẫn là, duy trì sản lượng lương thực tối thiểu bằng năm 2008 (38,5 triệu tấn), để đảm bảo tổng sản lượng xuất khẩu cả năm có thể đạt trên 5 triệu tấn gạo. Còn các mặt hàng đang gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu như cà phê, cao su, hạt tiêu, điều, thủy sản… thì được điều chỉnh bằng cách giảm diện tích và sản lượng.
Các địa phương có chính sách giúp nông dân không mở thêm diện tích, tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng. Đồng thời, bộ sẽ đưa ra phương án mua dự trữ để xuất khẩu nhằm giúp bà con ổn định sản xuất, không để xảy ra tình trạng đốn chặt cao su, cà phê hàng loạt. Cụ thể, sẽ mua dự trữ với cao su là 100.000 tấn mủ và cà phê là 100.000 tấn nhân.
Để chương trình kích cầu nông nghiệp, nông thôn đạt hiệu quả hơn, nhằm tăng sản xuất, trong đề án, Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nông dân mua máy móc, vật tư đầu tư vào sản xuất, có thể bằng hình thức bán chịu hoặc cho không cũng như các giải pháp để nâng cao chất lượng nông sản, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Bằng cách này, vừa thực hiện được mục tiêu cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp vừa giúp các doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm. Theo tính toán trong đề án cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch, vốn đầu tư cho làm đất, gieo trồng, sân phơi sấy, bảo quản... lên tới 39.500 tỷ đồng.
Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Chính phủ tăng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn lên gấp đôi so với hiện nay: khoảng 4.000 tỷ đồng để giúp việc đưa hàng hóa về nông thôn được dễ dàng, đồng thời kéo gần khoảng cách về thị trường tiêu thụ hàng hóa cho nông sản.
Trong buổi làm việc mới đây về các giải pháp kích cầu nông nghiệp do Bộ NN-PTNT tổ chức, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho rằng, điều quan trọng hiện nay là phải thực hiện 2 nhóm giải pháp: Phải có hàng rào kỹ thuật để ngăn hàng hóa giá rẻ tràn vào trong nước, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu đi liền với việc khai thác lợi thế thị trường nội địa là nông thôn.
Trong đó, tăng cường kích cầu vào thị trường nông thôn bằng chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ mua máy móc là giải pháp mang tính chiến lược. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, kích cầu nông nghiệp cần phải tập trung vào 4 nhóm sản phẩm chính là lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản và ngành nghề nông thôn.
Xây kho trữ, chủ động thu mua lúa
Theo TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn - chương trình kích cầu ở nước ta phải ưu tiên hàng đầu cho nông nghiệp.
Theo ông Sơn, thị trường nông thôn nước ta có nhiều tiềm năng, đặc biệt là lợi thế dân số đông nhưng hiện nay, so với khu vực thành thị thì mức tiêu thụ ở đây lại thấp hơn rất nhiều.
Bởi vậy, để kích cầu vào nông nghiệp, nông thôn trước tiên chúng ta phải kích thích sản xuất nông nghiệp. Nếu tăng sản xuất, sẽ lập tức tác động được vào thu nhập của người nông dân và làm tăng nhu cầu của cả xã hội.
Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn thì khi kích cầu vào nông nghiệp sẽ làm tăng thu nhập cho một hộ nông thôn thêm 1,63%.
Do dân số đông nên khi thu nhập tăng thì nông dân sẽ tăng sức tiêu thụ cho cả nông thôn và thành thị và sẽ tạo thêm được ít nhất 1 triệu việc làm, còn nếu kích cầu vào công nghiệp, cùng lắm cũng chỉ tạo thêm được 200.000-370.000 việc làm.
Bên cạnh đó, theo tính toán, nếu tăng cầu 1% trong nông nghiệp, nông thôn sẽ làm tăng GDP cả nước lên 1,2%.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định, chủ trương kích cầu nông nghiệp nông thôn của bộ là sẽ tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tăng cường xuất khẩu.
Bên cạnh đầu tư giúp nông dân cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn, bộ sẽ kiến nghị Chính phủ chính sách hỗ trợ cho mỗi hécta khoảng 1 triệu đồng để bà con thâm canh lúa vụ 3 (ngoài 2 vụ chính) nhằm tăng sản lượng lúa gạo xuất khẩu. Đẩy mạnh xây dựng hệ thống kho dự trữ 4 triệu tấn lúa gạo để chủ động trong xuất khẩu và thu mua lúa ở ĐBSCL.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng sẽ có chính sách nâng hàng rào kỹ thuật với 2 mặt hàng chăn nuôi và rau quả nhập khẩu để bảo hộ sản xuất trong nước, giúp người nông dân thực sự yên tâm, làm ăn có lãi