Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế vẫn có thể tăng trưởng mà không cần thêm gói kích cầu
13 | 10 | 2009
Sau khi gỡ được“nút thắt” về vốn của các doanh nghiệp nhờ một phần gói kích cầu thứ nhất, nền kinh tế đã phục hồi trở lại. Trong khi cân nhắc giữa lợi ích ngắn hạn và giải hạn do việc tiếp tục triển khai gói kích cầu thứ hai, PGS, TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN khẳng định:Sang năm 2010, Nhà nước không cần phải sử dụng gói kích cầu thứ 2 mà vẫn thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng của nền kinh tế.

Gói kích cầu 1 đã làm tròn vai trò giải cứu

Theo ông Trần Đình Thiên, gói kích cầu 1 đã triển khai trong thời gian qua có thể chia thành 4 cấu phần gồm: Gói hỗ trợ lãi suất 4% (17 nghìn tỷ đồng); Gói hỗ trợ tiêu dùng (hỗ trợ hộ nghèo ăn Tết, mỗi hộ nghèo 1 triệu đồng, miễn thuế thu nhập cá nhân); Gói hỗ trợ đầu tư (giảm, miễn, hoãn thuế doanh thu, thuế VAT cho các doanh nghiệp, cho nông dân vay không lãi suất để mua thiết bị, máy móc); Gói đầu tư cho các công trình xây dựng cơ bản.

Cũng theo ông Thiên, gói cho vay hỗ trợ lãi suất là có tác động mạnh hơn cả. Những gói khác hiệu quả thấp do tính chất không phù hợp. Thậm chí một số nội dung của gói kích cầu thứ 2 và thứ 3 còn có thể gây phản ứng ngược. Tuy nhiên, xét về thực chất, đây là những gói “giải cứu”, không phải là gói kích cầu, giải thoát nhiều doanh nghiệp khỏi tình trạng “ách tắc” lưu thông vốn do gánh nặng nợ xấu

Dù bị suy yếu nhiều sau hơn một năm chống chọi với suy giảm tăng trưởng và bất ổn vĩ mô nghiêm trọng, nền kinh tế nước ta vẫn tỏ ra có một năng lực chống đỡ kỳ lạ trước tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng toàn cầu tầm cỡ “trăm năm có một”. Dưới tác động của khủng hoàng, quá trình suy giảm tăng trưởng không kéo dài và không nghiêm trọng, tốc độ phục hồi nhanh ngay từ trước khi gói kích cầu được triển khai. Tính trung bình 9 tháng đầu năm 2009, GDP tăng 4,6%, có cơ sở để dự đoán tăng trưởng GDP của cả năm 2009 sẽ đạt 5% hoặc hơn, tức là cao hơn mức đáy 4,77% của năm 1999, mặc dù khủng hoảng lần này được coi là tồi tệ hơn nhiều so với lần trước.

Vì thế, theo ông Trần Đình Thiên “không nhất thiết phải tiếp tục kích cầu trong giai đoạn năm 2010 mà nền kinh tế vẫn có thể duy trì xu hướng cải thiện tốc độ tăng trưởng.”

Cần nhiều liều thuốc khác

Cho đến nay, các luận cứ cơ bản đều nghiêng về định hướng không tiếp tục thực hiện kích cầu trong năm 2010. Những lập luận về “bước đệm”, về yêu cầu “tránh sốc” cho nền kinh tế bằng cách nên duy trì một khoản kích cầu nào đó, khối lượng nhỏ hơn, lãi suất ưu đãi thấp hơn, điều kiện cung cấp ngặt nghèo hơn tỏ ra không thuyết phục. Nền kinh tế với 95% số doanh nghiệp là vừa và nhỏ, 70% lao động ở nông thôn, các doanh nghiệp nhà nước lớn cơ bản bình yên vô sự, cho đến nay tự xác nhận rằng nó có đủ năng lực vươn lên ngay cả khi Chính phủ không tiếp tục gói kích cầu.

Trong khi đó, nếu tiếp tục kích cầu hậu quả không chỉ là thâm hụt ngân sách tăng, các cân bằng tiền tệ chịu áp lực lớn mà nghiêm trọng không kém là sự tổn hại cơ chế, thúc đẩy xu hướng phục hồi môi trường kinh doanh bất bình đẳng, có hại lâu dài cho doanh nghiệp. Ngoài ra, kích cầu là luôn cung ứng vốn với điều kiện dễ dãi, có lợi cho người vay, thiệt hại trực tiếp cho ngân sách, đặc biệt gây tổn hại nguyên tắc thị trường của cơ chế phân bổ nguồn lực, làm méo mó môi trường kinh doanh.

Vì vậy, trong thời gian tới, khi quá trình hồi phục kinh tế đã được xác lập thì cần sớm chuyển sang ưu tiên khôi phục môi trường kinh doanh thị trường bình thường, củng cố thể chế hơn là tiếp tục thực hiện mục tiêu tốc độ tăng trưởng, dù dưới hình thức khôi phục nó. Sang năm 2010, nền kinh tế cần chuyển hướng ưu tiên tái cơ cấu. Với định hướng này, có thể dự đoán năm 2010 kinh tế nước ta khả năng đạt mục tiêu tăng trường GDP 6,5%, giảm thậm hụt ngân sách, giảm lạm phát ở mức độ 7-8%, không gây áp lực quá lớn lên chính sách tiền tệ và giảm xu hướng tích luỹ nguy cơ bất ổn định.



Theo www.ktdt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường