Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chính phủ đang kích cung nhiều hơn kích cầu?
23 | 03 | 2009
Làm thế nào để các giải pháp kích cầu có hiệu quả và đồng tiền đến được đúng tay người dân hay DN là câu hỏi nhiều ĐBQH đặt ra với Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng về các biện pháp kích cầu của Chính phủ.

Cho rằng các giải pháp của Chính phủ thiên về kích cung nhiều hơn kích cầu, ĐB Vũ Văn Hải (Hưng Yên) chất vấn Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: "Trong lúc kích cầu thì chúng ta lại tăng giá điện. Đồng ý là tăng giá, nhưng một mặt chúng ta bỏ tiền, giảm chi phí để DN có sức cạnh tranh nhưng mặt khác chúng ta lại tăng giá điện. Điều này có hợp lý không?"

Việc tăng giá điện thực hiện theo nghị quyết của QH là đưa giá mặt hàng thiết yếu theo giá thị trường. Vì vậy nếu chúng ta cứ lúng túng thì giá mặt hàng khác như than, xi măng cũng sẽ không thể thực hiện theo đúng lộ trình. Mặt khác các DN bị tác động do ngành điện thì đã có chính sách hỗ trợ từ nhà nước như miễn giảm thuế, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc lý giải.

Về thắc mắc kích cung nhiều hơn kích cầu, theo Bộ trưởng, ban đầu khi đưa ra gói kích cầu 17.000 tỷ đồng, ba Bộ trưởng gồm Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thống đốc Ngân hàng có phương án khác.

Tuy nhiên, sau khi thảo luận nhiều lần, Chính phủ thấy rằng hiện nay các giải pháp kích cầu khác đã có những nguồn hỗ trợ, chẳng hạn kích cầu đầu tư đã có, hỗ trợ doanh nghiệp đã có các chính sách về thuế và hiện nay căng thẳng nhất đó là vấn đề về vốn lưu động cho các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, cho nên đã quyết định dùng gói hỗ trợ này cho vốn lưu động hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết vấn đề tiêu thụ hàng hoá và xuất khẩu.

"Nếu nói nên dùng vào việc khác có lợi hơn hay không có lợi hơn thì Chính phủ đã phân tích và có phương án như vậy", ông Phúc nhấn mạnh.

Có vẻ như cách lý giải của Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư không thuyết phục được ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn). "Bộ trưởng giải thích về các giải pháp kích cầu tiêu dùng, trong đó có giải pháp tăng giá điện, than. Tăng giá thì làm sao lại có thể là kích cầu?", ĐB Nguyễn Minh Thuyết ngờ vực.

"Khi kích cầu tiêu dùng thì giải pháp luôn luôn đi kèm là quản lý thị trường giá cả. Đồng thời, việc tăng giá điện ở một số lĩnh vực chủ chốt nhà nước cũng cần phải có những biện pháp hỗ trợ họ đảm bảo sản xuất kinh doanh", Bộ trưởng Phúc nói rõ thêm.

Tiền vẫn chưa đến tay người dân và DN?

ĐB Phùng Quốc Hiển (Yên Bái) cho rằng, dư luận hiện rất nghi ngờ đến khả năng hấp thụ của nền kinh tế đối với gói kích cầu của Chính phủ, vì khả năng giải ngân chậm 17.000 tỷ đồng.

"Gói kích cầu 17.000 tỷ đồng muốn giải ngân được thì cho vay phải được ít nhất 600.000 tỷ, nhưng đến nay mới cho vay được 150.000 tỷ thì khả năng cân đối hai chỉ tiêu này là rất khó", ông Hiển nói.

Cũng vì nguyên nhân giải ngân chậm nên ĐB Vũ Văn Hải (Hưng Yên) sốt ruột truy vấn: "Theo báo cáo của ngành ngân hàng tỉnh Hưng Yên thì đến nay mới chỉ duy nhất có 1 hợp tác xã trong tỉnh được tiếp cận nguồn vốn này. Rõ ràng, tiền vẫn còn "luẩn quẩn" trong ngân hàng mà chưa thể tới được dân và DN?"

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định: Gói kích cầu thực hiện trong thời gian qua là có hiệu quả. "Tồn tại hiện nay chủ yếu là giải ngân trái phiếu đối với dự án giáo dục, y tế thì còn chậm nhưng thời gian tới đây sẽ thực hiện nhanh hơn", ông Phúc cam kết.

Trước ý kiến lo ngại DN khó tiếp cận nguồn vốn, ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước "trấn an": Về vấn đề giải ngân, các ngân hàng làm rất nhanh. Ngay sau khi kết thúc tuần đầu tiên chúng tôi có đi kiểm tra tại các ngân hàng đều cho thấy rằng các ngân hàng đang tiếp tục triển khai.

Ngoài ra, cũng theo ông Tiến, đối với các hộ cá nhân thì ngân hàng Nông nghiệp cũng có báo cáo là cho vay được hơn 300 hộ từ nguồn vốn này. "Tôi cho đó là tín hiệu tích cực vì số tiền đã đến được tay các hộ khó khăn. Có lẽ là số liệu mà ĐB tiếp cận là con số cũ", ông Tiến phản biện.

Nói tăng trưởng 0,3% năm 2009 là không có căn cứ

Một câu hỏi chung mà các ĐB cùng chất vấn Bộ trưởng Phúc đó là: Liệu với 17.000 tỷ đồng có thể giúp VN giải quyết được khó khăn trước mắt hay không? Thậm chí hiện nay có nhiều đánh giá cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng âm. "Bộ trưởng có thể đánh giá hiệu quả gói kích cầu?" ĐB Nguyễn Minh Thuyết hỏi.

Theo thống kê của Chính phủ, tăng trưởng Quý I/2009 đạt 3,1%, chỉ số lạm phát vẫn ở ngưỡng kiểm soát. Ngoài ra, Quỹ tiền tệ quốc tế thống kê trên 170 nước thì chỉ có 12 nước tăng trưởng dương, trong đó có Việt Nam.

Bộ trưởng Vũ Hồng Phúc cho rằng: Gói kích cầu 17.000 tỷ đồng này là nguồn vốn lưu động để hỗ trợ quan trọng giúp cho DN tiêu thụ hàng hóa.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã hỗ trợ trực tiếp cho các DN thông qua chính sách miễn giảm thuế. Hiện nay số tiền miễn giảm thuế cho DN lên tới hơn 27.000 tỷ đồng và tháo gỡ được rất nhiều khó khăn.

Mặt khác, do gói kích cầu này mới được triển khai được hơn 1 tháng số vốn huy động đến nay là hơn 150.000 tỷ đồng nên nó tác động như thế nào cần phải có sự kiểm nghiệm sau một thời gian nữa. Nhưng phải khẳng định rằng từ những tổng hợp của Chính phủ thì tình hình kinh tế quý I là khả quan.

"Căn cứ vào tốc độ tăng trưởng, chỉ số lạm phát và trong điều kiện kinh tế thế giới như hiện nay thì có thể nói rằng nền kinh tế của chúng ta rất khả quan và là tín hiệu đáng mừng. Còn cụ thể gói kích cầu này có hiệu quả như thế nào thì phải chờ một thời gian nữa", ông Phúc kết luận.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường