Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kích cầu nông nghiệp Chưa có điểm nhấn ưu tiên các nhóm hàng chủ lực
02 | 04 | 2009
Trong 3 tháng đầu năm, ngoài xuất khẩu gạo đang mở ra triển vọng tươi sáng, một số mặt hàng chủ lực như đồ gỗ, thủy sản đã bị suy giảm mạnh. Nhiều nhà máy đã phải giảm công suất sản xuất, thậm chí đóng cửa. Bộ NN&PTNT cho biết:

Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp sẽ chỉ là 2,8% (năm 2008 là 4,1%). Trước những diễn biến không có lợi đối với sản xuất nông nghiệp, Bộ đã kiến nghị 5 nhóm giải pháp để thực hiện chính sách kích cầu nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên cho sản xuất. Theo đó, sẽ điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với thị trường tiêu thụ, nhất là đối với mặt hàng lúa gạo bằng việc tăng sản xuất lên mức tối đa. Mục tiêu vẫn là duy trì sản lượng tối thiểu bằng năm 2008 (38,5 triệu tấn), để bảo đảm tổng sản lượng xuất khẩu cả năm có thể đạt trên 5 triệu tấn gạo. Các mặt hàng đang gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu như cà phê, cao su, hạt tiêu, thủy sản cũng sẽ điều chỉnh bằng cách mua tạm trữ dành để xuất khẩu.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng lưu ý, cần phải tính toán thật kỹ việc mua cao su và các nông, lâm sản khác để dự trữ vì "chúng ta đã từng phải rút ra bài học. Nếu mua dự trữ cao su để chờ giá lên thì phải chắc chắn dự báo được là giá cao su sẽ lên, ngược lại thì sẽ chịu hậu quả nặng nề". Cùng với việc mua tạm trữ sẽ có những chính sách giúp nông dân không mở rộng diện tích, tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ nông dân mua máy móc, vật tư đầu tư vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch. Với các giải pháp kích cầu đầu tư, Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ tăng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn lên gấp đôi so với hiện nay (4.000 tỉ đồng). Nhiều chuyên gia các bộ, ngành phân tích, kích cầu nông nghiệp nên tập trung vào 4 nhóm hàng chính: lúa gạo, chăn nuôi, thủy sản và ngành nghề nông thôn. 2 nhóm giải pháp quan trọng để thực hiện là: đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, hỗ trợ máy móc, thiết bị giúp nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng lực sản xuất. Đồng thời có hàng rào kỹ thuật để ngăn hàng hóa giá rẻ tràn vào trong nước và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Phải tạo ra những điểm nhấn

Tại buổi làm việc giữa Bộ NN&PTNT với các bộ, ngành về kích cầu nông nghiệp, Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn cho biết: Ở nước ta, nông nghiệp, nông thôn đáng được ưu tiên kích cầu hàng đầu, bởi tất cả các tác động kinh tế tiêu cực trong năm 2008 như lạm phát, khủng hoảng kinh tế... đều đã ảnh hưởng đến khu vực này. Có điều gói kích cầu phải tạo ra điểm nhấn, đầu tư một cách tổng thể như cải tạo giống nông sản chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, cải tạo cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, ngoài ra còn đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại…

Nhưng để đạt hiệu quả nhanh nhất, trước tiên chúng ta phải kích thích sản xuất nông nghiệp. Nếu tăng sản xuất, sẽ lập tức tác động được vào thu nhập của người nông dân. Ông Sơn dẫn chứng: Khi kích cầu vào nông nghiệp sẽ làm tăng thu nhập cho hộ nông thôn 1,63%, hộ đô thị tăng 0,38%. Do dân số đông, nên khi thu nhập tăng, nông dân sẽ tăng sức tiêu thụ cho cả nông thôn và thành thị và sẽ tạo thêm được ít nhất 1 triệu việc làm, còn nếu kích cầu vào công nghiệp, cùng lắm cũng chỉ tạo thêm được 200 nghìn - 370 nghìn việc làm. Do đó kích cầu vào nông nghiệp, nông thôn không chỉ là phương án tốt nhất trong giai đoạn hiện nay, mà còn là cả một chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn lâu dài.

Cũng theo ông Sơn, nếu tăng 1% trong nông nghiệp, nông thôn sẽ làm tăng GDP cả nước lên 1,2%. Còn theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc kích cầu vào nông nghiệp, nông thôn không những tháo gỡ khó khăn trước mắt, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu mà còn thu hút một lượng vốn lớn đầu tư vào nông nghiệp. Gói kích cầu phải thực hiện đúng lúc với chủ trương đúng đắn, các bộ, ngành và bản thân ngành ngân hàng cũng cần linh hoạt hơn trong hoạt động cho doanh nghiệp vay vốn ưu tiên đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.



Nguồn: Báo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường