Suốt những ngày qua, các phương án và đề án đưa hàng hoá về thị trường nông thôn liên tiếp được các cơ quan chức năng đưa ra và được nhắc đến dồn dập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều ấy chứng tỏ rằng đã từ rất lâu thị trường nông thôn không hề được chú ý đúng mức.
Nông thôn “hứng” hàng kém chất lượng
Ở nông thôn nước ta lâu nay, đa phần người dân có thu nhập trung bình ở mức thấp hơn nhiều so với khu vực thành thị. Chính vì thế mà mặc dù nhu cầu và khả năng tiêu thụ rất lớn nhưng thực tế thì mức tiêu thụ lại rất thấp. Với đặc điểm này, hàng hoá về nông thôn buộc phải có mức giá rẻ hoặc rất hợp lý với người mua. Thế nhưng đây cũng chính là lý do khiến cho thị trường nông thôn trở thành nơi chứa đựng nhiều hàng hoá kém chất lượng và hàng giả, hàng nhái. Mỗi năm khu vực nông thôn có hàng trăm nghìn vụ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bị phát hiện và vô vàn vụ chưa hoặc không bị phát hiện.
Các loại vật tư nông nghiệp, phân bón giả, giống cây trồng vật nuôi kém chất lượng, có chứa bệnh dịch khiến sản xuất nông nghiệp điêu đứng, rồi các loại thuốc chữa bệnh giả, hàng công nghệ phẩm, hàng thực phẩm, rượu bia nước giải khát giả, hàng quá hạn sử dụng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tính mạng của người dân nông thôn vẫn đang xảy ra hàng ngày hàng giờ.
Trong khi đó đa số hàng hoá chất lượng cao mà các doanh nghiệp làm ra thì được dành cho xuất khẩu và bán về đô thị - nơi mà mức thu nhập trung bình luôn cao hơn rất nhiều so với khu vực nông thôn. Rất nhiều người tiêu dùng nông thôn phần vì thiếu thông tin và cũng thiếu hiểu biết về hàng hoá tiêu dùng, phần nữa là không đủ khả năng để mua hàng cao cấp nên đành chấp nhận hàng hoá cấp thấp.
Nông dân phải bán nông sản để có tiền mua hàng
Có nghịch lý là trong khi thu nhập rất thấp thì hàng hoá nông sản mà khu vực nông thôn làm ra lại được tiêu thụ rất bếp bênh và không hề ổn định – kể cả về lượng hàng và giá cả. Lúa, tôm, cá, muối, rau xanh, hoa trái của Đồng bằng Sông Cửu Long lúc được mùa thì sụt giá, ế đọng hàng, khi giá lên những tưởng mừng vui vì lời lãi thì trong nhà ngoài đồng không còn hàng để bán.
Ở nông thôn phía bắc, nếu không bán được hàng thì từ các loại đặc sản như mận Tam hoa, đào Bắc Hà, vải thiều Lục Ngạn, nhãn lồng Hưng Yên cho đến rau quả đời thường như cà chua, dưa chuột, cũng sẽ chẳng mang lại thu nhập và niềm vui cho người nông dân.
Ngay những ngày này, hàng loạt mặt hàng tươi sống không thể bảo quản lâu như thanh long, chuối xanh, sắn và tinh bột sắn và hàng loạt mặt hàng khác đang tồn đọng tại cửa khẩu biên giới không xuất đi được. Mỗi giờ, mỗi ngày trôi qua là công sức, tiền của của người nông dân trên từng xe hàng lại giảm nhanh ngay trước mắt. Đồng vốn và công sức lao động đã bỏ ra với hy vọng vụ mùa bội thu được giá giờ đây thu về còn chật vật, nói gì đến chuyện có tiền để mua sắm. Những xe hàng được đưa về quê theo chương trình hàng Việt về nông thôn cho dù có chủng loại phong phú, chất lượng cao cấp, giá cả hấp dẫn thì cũng vẫn còn nguyên xe hàng thế thôi.
Mấu chốt của vấn đề đưa hàng hoá về tiêu thụ ở thị trường nông thôn một cách bền vững là phải nâng cao được thu nhập của người nông dân một cách bền vững. Và một trong những yếu tố để nâng cao thu nhập bền vững ấy là hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ hàng hoá làm ra. Sự hỗ trợ ấy phải đến được người nông dân một cách trực tiếp, sòng phẳng, đầy đủ chứ không phải theo kiểu tiêu chuẩn được vay một triệu đồng để phát triển sản xuất xoá đói giảm nghèo thì phải nộp không cho trưởng thôn trưởng xã vài trăm nghìn đồng.
Khó đối với doanh nghiệp
Tuy nhiên khi người nông dân có thu nhập cao hơn một cách bền vững, thì để đưa được hàng hoá về nông thôn, hàng hoá và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lại phải đáp ứng được những yêu cầu khác. Đó chính là yêu cầu của người tiêu dùng nông thôn đối với hàng hoá mà họ sẽ bỏ tiền ra mua. Nói một cách dễ hiểu nhất là doanh nghiệp phải bán cho người ở nông thôn những món hàng mà họ cần, họ thích chứ không phải là những món hàng doanh nghiệp có sẵn hay những hàng hoá bị ế ở thị trường nước ngoài đem về.
Nhìn vào thị trường nông thôn hiện nay, thấy hàng nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường. Hầu như tất cả máy nổ hay phát điện nhỏ ở nông thôn đều là hàng Trung Quốc và Thái Lan. Hàng loạt máy móc thiết bị và công cụ sản xuất nông nghiệp khác cũng vậy, từ phân bón, máy gặt đập liên hợp cho đến máy sấy lúa, giống cây con cho sản xuất và ngay cả xe tải nhỏ. Hàng tiêu dùng công nghệ phẩm thì sản phẩm của Trung Quốc đang làm chủ thị trường. Hàng Trung Quốc phong phú từ vải vóc quần áo, giày dép, đơn giản nhất là chiếc nơ hay cặp tóc, khăn quàng của các cô gái, đồ chơi của trẻ con, giấy vở cặp sách học sinh cho đến chiếc áo ấm người già, hàng cao cấp hơn thì có tivi, điện thoại di động, các loại máy móc thiết bị kỹ thuật số...
Với tình thế này, hàng Việt sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đó có thể là thói quen mua hàng giá rẻ hoặc không đắt, với chất lượng chấp nhận được, hay chỉ là thói quen chạy sang mua chịu hàng bên đại lý. Các doanh nghiệp lâu nay không chú trọng đến thị trường trong nước nay sẽ phải tìm hiểu và xây dựng lại chiến lược sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp lâu nay chỉ quan tâm đến thị trường nước ngoài nay chắc chắn còn chật vật hơn với việc phải đầu tư lại máy móc dây chuyền sản xuất để có sản phẩm phù hợp với thị trường vừa mới đây còn ở vị trí sân sau.
Để hàng Việt chắc chắn về được thị trường nông thôn
Với cơ chế thị trường, muốn bán hàng vào bất kỳ thị trường nào, thì người sản xuất và kinh doanh dều phải biết thị trường đó cần hàng gì, hàng như thế nào, giá cả ra sao, văn hoá giao tiếp bán hàng sao cho hiệu quả. Ở thị trường nông thôn lâu nay đã hình thành một thói quen mua bán khác với đô thị. Ví dụ vật tư nông nghiệp thì mua trả chậm, sau khi thu hoạch và bán được nông sản hàng hoá mới thanh toán. Một số chủng loại hàng hoá quan trọng thì đã được định hình trong nhu cầu của người dân. Những loại hàng này đều có chất lượng vừa phải hoặc thấp, giá rẻ hay ít ra là cũng đã khá phù hợp.
Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan và doanh nghiệp đang triển khai chương trình đưa xe hàng về thị trường nông thôn. Với cách mỗi tháng đôi lần đưa xe hàng về bán ở một địa phương, xem ra chương trình này thiếu một sự ổn định. Hình thức xe hàng như thế chỉ có thể mang ý nghĩa như một sự quảng cáo khuếch trương nhất thời, không thể là một phương thức kinh doanh lâu dài trong điều kiện và xu thế hội nhập quốc tế.
Để hàng Việt Nam về được thị trường nông thôn, để người tiêu dùng nông thôn chấp nhận, quen và yêu thích, ngoài việc nâng cao thu nhập của người nông dân, cung cấp hàng đúng nhu cầu của mỗi khu vực địa phương với giá cả hợp lý, còn phải có một mạng lưới bán lẻ tin cậy luôn luôn sẵn có hàng hoá và luôn luôn sẵn sàng cung ứng và kèm đó là chế độ bảo hành, hậu mãi. Hàng về nông thôn không thể một tháng đôi lần, cũng không thể nay có mai không, cũng không thể về rồi lại đi. Muốn hàng Việt về được thị trường nông thôn thật sự, cần có sự đầu tư bài bản, lâu dài. Có thể trước mắt hỗ trợ các doanh nghiệp một cách hợp lý, như là giảm thuế, ưu đãi về lãi suất vốn vay, đơn giản các thủ tục hành chính, còn xa hơn là xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông, cầu cảng phù hợp, tránh ách tắc hàng ở thị trường nông thôn.