Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường nông thôn: Tiềm năng bị bỏ ngỏ
02 | 04 | 2009
Trên 70% dân số (tương đương gần 64 triệu người) đang sinh sống ở các vùng nông thôn, có thể nói đây là một thị trường không chỉ có nhiều tiềm năng, mà còn rất rộng lớn. Tuy nhiên, lâu nay, thị trường này dường như còn bị bỏ ngỏ.

Nhu cầu tiêu dùng lớn

Hiện nay, đời sống tại các vùng nông thôn đã được nâng lên đáng kể, nhất là ở những khu vực có tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa. Một nghiên cứu mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường TNS về thị trường nông thôn Việt Nam cho thấy, có tới 95% gia đình nông thôn được hỏi cho biết sẵn sàng mua tivi, 92% có thể mua bếp điện hoặc gas, 33% có thể mua máy cassette/radio, 30% muốn mua tủ lạnh, máy giặt và 9% muốn mua máy vi tính… Theo ông Matthaes (Công ty TNS), vùng nông thôn đang giữ 62,5% tổng GDP và có số lượng khách hàng sẵn sàng tiêu dùng nhiều gấp 3 lần khu vực thành thị.

Các con số thống kê riêng lẻ cũng cho thấy, hiện số người có thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng ở nông thôn ngày càng tăng, do đó nhu cầu mua sắm thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng tăng theo. Chính vì lý do trên, nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta nên bỏ đi quan niệm thị trường nông thôn chỉ dành cho các sản phẩm rẻ tiền và mãi lực yếu kém, mà người dân ở đây cũng đang có nhu cầu tiêu dùng hàng chất lượng cao.

Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường nông thôn Việt Nam đang chiếm 70% lượng tiêu thụ hàng hóa nói chung, số hộ gia đình và số lượng các cửa hàng bán lẻ cũng phân bổ tập trung ở vùng nông thôn với 70%.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, hệ thống bán hàng của doanh nghiệp Việt Nam chưa bao kín và hiệu quả ở thị trường này. Bên cạnh đó, hàng giả, hàng kém chất lượng đang hoành hành tràn lan ở thị trường này. Ông Trần Du Lịch - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, hàng Việt Nam hiện đang mất dần ưu thế trên kênh phân phối truyền thống bởi các chiêu thức phân phối, tiếp thị chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài.

Ngành bán lẻ của Việt Nam tuy không còn non trẻ nhưng lại chưa trưởng thành, chưa xuất hiện những nhà phân phối bán buôn và tập đoàn bán lẻ nội chuyên nghiệp, hùng mạnh, đẳng cấp quốc tế. Trong khi đó, thị trường tiềm năng là nông thôn lại chưa được khai thác một cách đúng mức, thậm chí có những thời gian bị lãng quên, khoán trắng cho các loại hàng ngoại nhập lậu kém chất lượng tràn vào.

Ông Trần Quốc Việt - Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Kinh Đô miền Bắc nhận định: “Đây là thời điểm tốt nhất để tập trung khai thác thị trường nông thôn. Trước đây, các doanh nghiệp nghĩ rằng, phải lấy hàng chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn để có lợi nhuận lớn. Nhưng thời điểm này nền kinh tế gặp khó khăn thì cần thiết phải thay đổi cách thức, bây giờ phải đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, lấy số lượng làm trọng”. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tìm lại thị trường nội địa rộng lớn vốn bị quên lãng bấy lâu do các doanh nghiệp chỉ tập trung vào xuất khẩu.

Chưa được quan tâm khai thác

Mặc dù tiềm năng phát triển thị trường nông thôn đã được khẳng định, song cho đến nay thị trường ở khu vực này vẫn nhận được quá ít sự đầu tư của các doanh nghiệp, nếu không muốn nói dường như bị lãng quên trong một thời gian dài. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đây là thời điểm cần phải khơi dậy thị trường nông thôn.

Song, khơi dậy bằng cách nào lại là một thách thức lớn. Trong khi, việc phân phối hàng hóa về nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn do hệ thống chợ, trung tâm thương mại ở nông thôn, theo số lượng thống kê, bình quân 2 xã mới có 1 chợ, thậm chí khu vực miền núi còn lên tới 5-7 xã mới có một chợ.

Theo ông Trần Quốc Việt, với thị trường nông thôn, còn rất nhiều lĩnh vực mà các tập đoàn đa quốc gia chưa với tới. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, trong đó có yếu tố giá còn khá cao so với khả năng tiêu dùng của người dân. Đây là yếu tố cần được các doanh nghiệp trong nước tận dụng để đẩy mạnh mở rộng thị phần và cũng là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm và đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tại nông thôn.

Kinh nghiệm của nhiều doanh nghiệp đã thâm nhập tốt thị trường nông thôn cho thấy, doanh nghiệp cần tăng lượng hàng dự trữ để đảm bảo cung ứng đủ và kịp thời cho người tiêu dùng, đồng thời rèn luyện kỷ luật bán hàng cho nhân viên. Các phương pháp hữu hiệu khi thâm nhập thị trường này là cử các đoàn xe xuống từng làng xã đứng bán hàng, treo băng rôn, khuyến mãi... Những hình thức này cần được duy trì đều đặn để tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng.



Nguồn: www.anninhthudo.vn
Báo cáo phân tích thị trường