Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bảo hiểm nông nghiệp: Cần chính sách hỗ trợ hợp lý của Nhà nước
25 | 07 | 2007
Theo Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính) tỷ trọng tham gia bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) ở Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 1% tổng diện tích cây trồng, 0,24% số trâu -bò, 0,1% đàn lợn và 0,04% số gia cầm được bảo hiểm. Một nền nông nghiệp bền vững rất cần có các hệ thống bảo hiểm nhưng để đạt được điều này, cần có những chính sách hợp lý giúp BHNN phát triển. Đây không còn là chuyện của tương lai.

Doanh nghiệp và nông dân đều mất

Sau 15 năm triển khai BHNN (từ năm 1983 - 1998), Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (nay là Tập đoàn Bảo Việt) đã mở rộng dịch vụ tới 26 tỉnh, nhận bảo hiểm cho 200.000ha lúa. Nhưng đến năm 1999, Bảo Việt phải bỏ cuộc vì không có lãi (thu phí được 13 tỷ đồng nhưng phải bồi thường 14, 4 tỷ đồng); các dịch vụ BHNN khác (vật nuôi, cây trồng...) cũng trong tình trạng chết yểu. Ngay cả Phòng Bảo hiểm nông nghiệp của Tập đoàn cũng phải sát nhập vào Phòng Bảo hiểm xe cơ giới.

Năm 2001, Groupama Việt Nam (G.VN) triển khai dịch vụ BHNN tại Việt Nam. Rút kinh nghiệm từ Bảo Việt, G.VN quy định chặt chẽ với sản phẩm được bảo hiểm: vật nuôi phải được tiêm phòng đầy đủ, quy mô đàn đối với lợn là 5 con, bò là 3 con trở lên và từ chối bảo hiểm những rủi ro mang tính thảm hoạ như thiên tai, dịch bệnh. Sau gần 5 năm triển khai tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, G.VN ký được 2.000 hợp đồng BHNN. Nhưng sau đó, nhiều hộ nuôi thuỷ sản khiếu nại G.VN không bồi thường cho nông dân theo đúng cam kết trong hợp đồng. Theo bà Nguyễn Thị Như Loan (quyền Tổng giám đốc G.VN), lý do doanh nghiệp từ chối bồi thường vì nhận thấy các chủ hộ khai báo không đúng sự thật về tính chất, nguyên nhân, hoàn cảnh, hậu quả của tổn thất. Nông dân mất lòng tin, G.VN cũng mất dần khách hàng. Hiện các sản phẩm BHNN của G.VN đang trong tình trạng dậm chân tại chỗ. Từ sau thất bại của Bảo Việt và G.VN, chưa một hãng bảo hiểm nào dám dấn thân vào thị trường này.

Theo thống kê của Hội Nông dân Việt Nam, tổng giá trị thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp hàng năm ở nước ta rất lớn: 8,2% GDP năm 1994, 10,5% GDP năm 1997, 4,8% GDP năm 1999, và 4,57% GDP năm 2000. Nông dân chiếm gần 80% dân số, sản lượng nông sản chiếm khoảng 30% GDP. Vậy tại sao thị trường BHNN đầy tiềm năng lại bị bỏ ngỏ?

ông Lê Song Lai, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm cho biết: “BHNN là lĩnh vực hoạt động phức tạp, tốn kém, khả năng sinh lợi thấp và rất dễ bị thua lỗ. Nếu tăng mức phí BHNN thì nông dân không tham gia, giảm mức phí thì doanh nghiệp bị lỗ nên tìm cách tránh né". Theo các chuyên gia về bảo hiểm thì BHNN thất thế, trước hết do nông dân không có thói quen tham gia bảo hiểm, nhiều người chưa nhận thức được vai trò, lợi ích của BHNN. Nông dân khi gặp rủi ro mới tìm đến bảo hiểm, những hộ làm ăn kiểu cò con, nhỏ lẻ không mua bảo hiểm mà tự tìm cách khắc phục hậu quả. Tuy vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, có một nghịch lý là nông dân ở các địa phương thường xuyên bị thiên tai, dịch bệnh luôn sẵn sàng tham gia BHNN nhưng lại không biết mua ở đâu. ông Phạm Văn Minh, Giám đốc Công ty Phú An Sinh (T.P Hồ Chí Minh) nói: “Chúng tôi sẵn sàng mua BHNN, nhiều trang trại chăn nuôi ở phía Nam bị thiệt hại do dịch bệnh cũng muốn mua BHNN nhưng không biết tìm ở đâu. Anh Phạm Công Cường, chủ 2 trang trại và vườn sinh thái ở Vân Canh (Hoài Đức - Hà Tây) cũng rất ủng hộ việc mua BHNN, anh cho rằng với BHNN, vấn đề đạo đức phải được coi trọng, cả nông dân và doanh nghiệp không nên tạo sức ép cho nhau. Theo chị Nguyễn Thị Len, chủ trại lợn ở thôn Liên Đàm (Yên Thường - Gia Lâm - Hà Nội), chị cũng đã nghe nói tới BHNN từ lâu nhưng cứ lần mò mãi mà vẫn không mua được.

Cần một chính sách hợp lý

Theo ông Hoàng Xuân Điều, Trưởng phòng Bảo hiểm xe cơ giới kiêm phụ trách lĩnh vực BHNN của Bảo Việt, để BHNN phát triển cần có một chính sách dài hơi từ phía Nhà nước; kết hợp BHNN với các chính sách nông thôn, miễn thuế doanh thu cho sản phẩm BHNN, hỗ trợ kịp thời khi có rủi ro xảy ra... Phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, Nhà nước và ngân hàng; tập trung vào khuyến nông, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm rủi ro trong sản xuất... Một quan chức của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết: "Agribank luôn đáo hạn vốn vay cho một số hộ nông dân gặp khó khăn về tài chính, tổn thất về thiên tai, dịch bệnh; cho phép vay vốn tới 50 triệu đồng không cần thế chấp. Hiện Agribank có thể là bà đỡ cho nông dân, nhưng không có nghĩa là tiếp tục bỏ ngỏ thị trường BHNN. Một mình doanh nghiệp bảo hiểm không đủ sức làm, phải có chủ trương hỗ trợ của Nhà nước như bao tiêu sản phẩm, khuyến nông, định hướng cho doanh nghiệp bảo hiểm... Tuy nhiên các công ty bảo hiểm không nên trông chờ bao cấp của Nhà nước. Nhà nước chỉ hỗ trợ vượt qua thời gian đầu, cuối cùng động lực vẫn phải là thị trường".

Được biết, Chính phủ vừa kết hợp với Ngân hàng Phát triển châu á (ADB) triển khai dự án Phát triển BHNN nhằm đưa ra phương pháp tiếp cận mới là bảo hiểm theo chỉ số, tức là lấy chỉ số khách quan của từng đối tượng bảo hiểm (ví dụ đối với cây trồng chỉ số bảo hiểm là thời tiết) làm căn cứ xét bồi thường. Bảo hiểm theo chỉ số khắc phục được các nhược điểm của bảo hiểm truyền thống, quy định mức bồi thường tương ứng với các chỉ số, mà không cần tiến hành giám định để xác định mức độ thiệt hại của từng cá nhân. Mức độ bồi thường được tính trên cơ sở năng suất bình quân chung nhiều năm của cả vùng hay tiểu vùng sinh thái. ưu điểm của phương pháp này là khả năng rủi ro về đạo đức khá thấp vì căn cứ để xét bồi thường là chỉ số khách quan không phụ thuộc vào ý muốn và hành vi chủ quan của con người; giảm được chi phí quản lý, tránh được tình trạng trục lợi bảo hiểm. Tuy nhiên, mặt hạn chế của phương pháp này là người tham gia bảo hiểm có thể được bồi thường cả khi không có thiệt hại xảy ra hoặc có thiệt hại mà không được bồi thường, điều này trái với nguyên tắc trong bảo hiểm: Chỉ bồi thường khi có rủi ro và theo giá trị hợp đồng. Mặt khác, bảo hiểm theo chỉ số cũng không phải là phương thuốc vạn năng giải quyết được mọi vấn đề của BHNN, vì phạm vi bảo hiểm bị hạn chế, chỉ bảo hiểm rủi ro thời tiết còn những thiệt hại do những rủi ro khác không được tính đến.

Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu các giải pháp để có thể hỗ trợ BHNN. Trước mắt, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần phí bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm, trong đó ưu tiên những đối tượng chính sách, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc chăn nuôi, sản xuất ở những vùng nhiều thiên tai, dịch bệnh...

Vấn đề đặt ra là, khi thị trường BHNN tại Việt Nam còn đang trong tình trạng cầu quá chênh lệch với cung thì doanh nghiệp cần bớt đi sự tính toán, xác định lấy thu bù chi, lập ra chiến lược đầu tư, kinh doanh BHNN lâu dài.



N.Hạnh - N.Thủy
Báo cáo phân tích thị trường