Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hoàn thiện chính sách tín dụng xóa đói, giảm nghèo
09 | 09 | 2007
Sau 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cùng với sự phát triển về kinh tế, Đảng và Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách đồng bộ, huy động sức mạnh tổng hợp toàn xã hội để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và ổn định xã hội.
Thực hiện chủ trương trên, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện cơ chế tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách (Nghị định số 78/2002/NĐ-CP). Sau 4 năm triển khai, chính sách tín dụng của Chính phủ đã giúp cho hơn 900.000 hộ gia đình thoát nghèo; tạo công ăn việc làm cho hơn 1,2 triệu lao động trong xã hội; xây dựng hơn 230.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 80.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập… đây là những kết quả hết sức to lớn của chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách của Chính phủ trong thời gian qua.

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế xã hội khu vực nông nghiệp, nông thôn đặc biệt là các địa bàn vùng khó khăn, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tín dụng ưu đãi đối với vùng khó khăn như: giảm 15% lãi suất cho vay khu vực II miền núi, giảm 30% lãi suất cho vay khu vực III miền núi, hải đảo, vùng đồng bào khơ me tập trung và các xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135, giảm lãi suất cho vay 20% đối với thương nhân vay vốn để dự trữ, bán lẻ các mặt hàng thiết yếu, thu mua hàng nông, lâm sản ở khu vực II, III miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, chính sách tín dụng ưu đãi đối với vùng khó khăn còn nhược điểm lớn như: nguồn vốn cho vay còn phân tán, chưa phân định được đối tượng cho vay cụ thể của các tổ chức tín dụng và các ngân hàng chính sách; các ngân hàng thương mại chưa  thống nhất được việc triển khai chính sách; các cơ chế tín dụng chưa đồng bộ; bao cấp tín dụng còn tràn lan, gây tâm lý ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước...

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tại vùng khó khăn có khoảng 2,8 triệu hộ nghèo và hộ chính sách; 2,93 triệu hộ gia đình không phải hộ nghèo. Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2007 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 đã nêu: “Chú trọng đầu tư phát triển các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 16%...”. Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển vùng khó khăn và tách bạch tín dụng chính sách ra khỏi hoạt động tín dụng thông thường của các ngân hàng thương mại, thì ngoài cơ chế tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách được quy định tại Nghị định số 78/2002/NĐ-CP đang được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) triển khai, Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và đầu tư; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Uỷ ban dân tộc và miền núi; và một số Uỷ Ban nhân dân tỉnh có địa bàn vùng khó khăn xây dựng và trình Chính phủ chính sách tín dụng đối với hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và đề nghị giao NHCSXH thực hiện cho vay đối tượng này. Địa bàn vùng khó khăn bao gồm khu vực II, III, miền núi, vùng hải đảo; vùng đồng bào Khơ me sống tập trung; các xã đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Chính sách tín dụng đối với hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn là việc Nhà nước sử dụng các nguồn lực tài chính của mình để cho vay ưu đãi đối với các hộ gia đình nhằm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, giúp các hộ gia đình ở vùng khó khăn từng bước hòa nhập và phát triển đồng đều với các vùng trong cả nước thông qua đó thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo. Tính ưu đãi của chính sách tín dụng này được thể hiện thông qua các nội dung như: Nhà nước đảm bảo nguồn vốn cho dân vay; nâng mức vốn vay cho phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh; hỗ trợ về lãi suất, điều kiện vay, thủ tục và trình tự vay vốn.

Chính sách tín dụng đối với hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn  được thiết kế phù hợp với khả năng tài chính của Nhà nước, tránh việc sử dụng tín dụng ưu đãi như một kênh bao cấp của Ngân sách Nhà nước tạo tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời việc xây dựng cơ chế tín dụng cho vùng khó khăn phải đảm bảo không làm xáo trộn thị trường tín dụng tại khu vực này, vừa phải đảm bảo sự tồn tại phát triển hài hoà giữa hoạt động tín dụng thương mại với hoạt động tín dụng chính sách trên cùng địa bàn,

Sau khi trao đổi với các Bộ, các địa phương và Ủy ban dân tộc - miền núi, ngoài những hộ nghèo đang được NHCSXH cho vay vốn, Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ bổ sung đối tượng là những hộ gia đình có tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn cũng được vay vốn ưu đãi để mua sắm vật tư, thiết bị; giống cây trồng, vật nuôi; thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh; góp vốn thực hiện các dự án hợp tác sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay NHCSXH đang cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo phương thức uỷ thác bán phần qua các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên), do vậy phương thức cho vay đối với các hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn cũng tương tự như phương thức cho vay hộ nghèo. Lãi suất cho vay có thể thấp hơn lãi suất cho vay thương mại nhưng cao hơn lãi suất cho vay hộ nghèo trên địa bàn. Do đối tượng được vay vốn là các hộ gia đình (không phải hộ nghèo) thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, vì vậy NHCSXH sẽ có trách nhiệm xem xét, đánh giá tính khả thi, hiệu quả của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng được vay vốn; thẩm định các điều kiện vay vốn để quyết định cho vay.

Để tạo điều kiện cho các hộ gia đình (không phải hộ nghèo) phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, cần phải nâng mức vốn cho vay lên đến 30 triệu đồng/hộ gia đình; đối với những hộ làm kinh tế lớn như trang trại, nuôi trồng thuỷ hải sản thì mức cho vay sẽ cao hơn. Hiện nay nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn là rất đa dạng, vì vậy cần căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh; thời hạn thu hồi vốn của dự án đầu tư; khả năng trả nợ của đối tượng được vay vốn để xác định thời hạn cho vay nhưng tối đa không quá 7 năm.

Do việc cho vay đối với hộ gia đình khác với việc cho vay hộ nghèo nên khi vay vốn (trường hợp vay trên 30 triệu ) các hộ gia đình sẽ thực hiện các biện pháp đảm bảo tiền vay theo qui định của Hội đồng quản trị NHCSXH để đảm bảo tính linh hoạt trong thực hiện chính sách bảo đảm tiền vay phù hợp với từng địa bàn vay vốn, từng loại hình vay vốn. Những khoản vay dưới 30 triệu có thể  không cần phải thực hiện thế chấp tài sản đảm bảo tiền vay.

Sau khi Chính phủ ban hành chính sách tín dụng đối với hộ sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các địa phương, NHCSXH tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách này đồng thời xác định nhu cầu vốn của các địa phương. Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với các Bộ ngành liên quan và NHCSXH lo việc huy động vốn để đáp ứng đầy đủ kịp thời nhu cầu vốn cho các hộ dân, đáp ứng đầy đủ vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu về xóa đói, giảm nghèo./.



Phạm Phan Dũng - Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng
Báo cáo phân tích thị trường