Nhiều hộ nghèo đang ở trong những căn nhà tạm bợ, rách nát, không bảo đảm an toàn trước tác động của khí hậu, thời tiết, lạnh giá về mùa đông, nóng nực trong mùa hè, dễ đổ sập khi bão về, lũ tới.
Một số hộ còn chưa có nhà ở. Cuộc sống của các gia đình nghèo đã khó khăn, càng trở nên khó khăn, rất khó để có thể tự vươn lên thoát nghèo, vì vậy cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
Việc hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người nghèo phải bảo đảm tính khả thi, thống nhất, phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là phù hợp mục tiêu cần đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của Chính phủ.
Đồng thời, phải đáp ứng yêu cầu an toàn, ổn định về nhà ở, từng bước nâng cao mức sống của các hộ nghèo, góp phần thực hiện xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững.
Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo có khó khăn về nhà ở phải công khai, công bằng, đúng đối tượng và bảo đảm yêu cầu sau khi được hỗ trợ, các hộ dân phải có nhà ở.
Tất nhiên, không phải là Nhà nước đứng ra xây nhà cho người nghèo, mà thực hiện theo phương thức: Nhân dân tự làm, Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, trong đó người dân chủ động là chính, đáp ứng yêu cầu về kiểu dáng, kiến trúc nhà ở, phù hợp phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, vùng, miền, quy mô hộ gia đình.
Trước mắt, vì khả năng tài chính còn hạn chế nên việc hỗ trợ nhà ở chỉ áp dụng đối với các hộ nghèo cư trú tại khu vực ngoài đô thị
Đối với những hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trong khu vực đô thị, có thể hỗ trợ bằng chính sách xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, hoặc thuê mua theo quy định của Luật Nhà ở.
Cải thiện nhà ở ngày một tốt hơn cho các tầng lớp dân cư trong xã hội nói chung, người nghèo nói riêng, chính là góp phần nâng cao mức sống, tạo điều kiện phát triển nguồn lực con người thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".