Trong những năm qua, xoá đói giảm nghèo là lĩnh vực thành công nhất trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam. Cùng với phát triển kinh tế cao trên 7%/năm là hàng loạt các chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp với nguồn kinh phí huy động từ Chính phủ, cộng đồng và các tổ chức xã hội quốc tế đã cải thiện đáng kể diện mạo nghèo đói ở tất cả các vùng miền trong cả nước. Những thành tựu đó đã góp phần đưa tỷ lệ nghèo đói của cả nước giảm nhanh từ 30% năm 1992 xuống còn dưới 7% năm 2005.
Công cuộc giảm nghèo có ý nghĩa kinh tế - xã hội, chính trị và nhân văn sâu sắc. Chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Trong thời gian tới, công cuộc giảm nghèo đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn từ phía Chính phủ, xã hội, công đồng và bản thân người nghèo đồng thời với tác động của quá trình toàn cầu hoá và hội nhập, bên cạnh các thời cơ thuận lợi cũng xuất hiện những thách thức mới. Đó là sự thay đổi nhanh chóng và khó dự báo của môi trường kinh tế và xã hội, đòi hỏi chúng ta phải có những phương pháp tiếp cận mới, sáng tạo mới để tạo bước chuyển biến căn bản, nhằm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới xuống còn 10 đến 11% vào năm 2010.
Quyết tâm vươn lên thoát khỏi đói nghèo không chỉ là suy nghĩ của các hộ nghèo mà còn được tạo dựng bởi sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, của tinh thần đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc. Việc làm nhà mới và sửa chữa nhà cho hộ nghèo gặp không ít khó khăn, bởi phần lớn các hộ nghèo nằm ở các xã, các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, nhưng với quyết tâm hoàn thành 7112 nhà, trong đó làm mới gần 3000 nhà, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản xóa xong nhà dột nát cho người nghèo vào cuối năm 2004.
Đánh giá về chương trình xóa đói giảm nghèo của Việt Nam, UNDP cho rằng mặc dù Việt Nam đã đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững và kết quả rất ấn tượng trong việc giảm tỷ lệ nghèo, song vẫn còn tồn tại tình trạng nghèo cùng cực ở một số vùng. Để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG), Việt Nam cần phải giải quyết tình trạng nghèo cùng cực.
Báo cáo quốc gia đầu tiên của Việt Nam về tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, được công bố tháng 9 năm 2005 và phân phát tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới năm 2005, cho thấy tình trạng chênh lệch và bất bình đẳng xã hội giữa các vùng, giới tính và nhóm dân cư đang ngày càng gia tăng. Trong khi các vùng đô thị được hưởng lợi nhiều nhất từ các chính sách cải cách và tăng trưởng kinh tế, thì tình trạng nghèo vẫn tồn tại dai dẳng ở nhiều vùng nông thôn của Việt Nam và ở mức độ rất cao ở các vùng dân tộc thiểu số - theo Tổng cục Thống kê là 69,3% vào năm 2002.
Trong thập kỷ tới đây nỗ lực của Việt Nam trong việc hội nhập với nền kinh tế toàn cầu sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho sự tăng trưởng, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với sự nghiệp giảm nghèo.