Hơn 200 đại biểu, cộng đồng các nhà tài trợ trong nước và quốc tế đã tham dự hội nghị này.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, Việt Nam đã và đang hướng đến phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
“Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” chỉ ra những thách thức mà loài người đang phải đối mặt, đó là sản xuất nông nghiệp chiếm 70% nước dùng và thải ra 30% khí thải Carbon toàn cầu; vẫn có 1 tỷ người thiếu đói, một nửa trong đó là nông dân. Đến năm 2050, nhu cầu lương thực sẽ tăng gấp đôi so với tiêu thụ hiện nay.
Trước thực tế này, Việt Nam cam kết sẽ thực hiện tốt các mục tiêu của “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” đề ra là nâng cao sản lượng nông nghiệp lên 20%, giảm lượng phát thải carbon 20% và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống 20% sau mỗi thập kỷ tương lai.
Ba lĩnh vực được các đại biểu tập trung thảo luận là: Tăng trưởng nông nghiệp hiệu quả và bền vững; Giảm nghèo và phát triển nông thôn; Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp. Nhiều ý kiến đã chia sẻ những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đương đầu như: nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững gắn liền với môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của một số nhóm ngành hàng nông sản; thúc đẩy tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia phát triển nông nghiệp.
Các đại biểu cũng thống nhất quan điểm về tầm nhìn mới trong nông nghiệp là nhấn mạnh đến vai trò đa dạng và tầm quan trọng của ngành nông nghiệp. Đây là ngành không chỉ sản xuất hàng hóa mà còn đóng góp phát triển xã hội và đảm bảo cân bằng sinh thái cho con người trong quá trình công nghiệp hóa và hội nhập toàn cầu.
Vai trò của các doanh nghiệp tư nhân cũng được nhấn mạnh bởi ngoài việc giúp thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn nâng cao chất lượng và trách nhiệm của doanh nghiệp. Bà Victoria Kwakwa cho rằng, vai trò và chỉ đạo của Chính phủ trong việc điều hành cũng như tạo điều kiện cho cộng đồng các nhà tài trợ cần linh hoạt hơn để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, định hướng phát triển cần bổ sung tái cơ cấu theo vùng sinh thái nông nghiệp, đất nông nghiệp đô thị ngày càng giảm và định hướng khoa học kỹ thuật cũng phải khác đi. Ông Thông cũng đề nghị xem lại việc đầu tư cho nông nghiệp, nhất là chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, và cần tăng cường vai trò Nhà nước trong quản lý rủi ro ngành nông nghiệp, mở rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 năm qua ngành nông nghiệp liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Cụ thể, bình quân giá trị sản xuất đạt 5,36%/năm, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong GDP cả nước từ 24,5% (năm 2000) xuống còn 20,58% vào năm 2010. Vấn đề an ninh lương thực quốc gia được đảm bảo, bình quân lương thực từ 445kg/người (năm 2000) lên 513kg/người vào năm 2010; kim ngạch xuất khẩu tăng 4,5 lần, từ 4,3 tỷ USD vào năm 2000 lên 19,5 tỷ USD năm 2010./.
Theo Vietnam+