Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngưỡng 1.000 USD/tấn gạo không còn xa?
01 | 04 | 2008
Tổ chức Nông lương (FAO) của Liên hiệp quốc vừa cho biết, chỉ số giá lương thực trong năm 2007 đã tăng lên mức kỷ lục, và sẽ tiếp tục tăng.
Trong khi đó, nhiều nước đã hạn chế xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực, còn các nước nhập khẩu gạo đang gặp khó khăn do thiếu nguồn cung.

Theo báo cáo của FAO, ở châu Á, nơi gạo là nguồn lương thực chính, giá gạo đã gần như "leo thang" từng ngày.

Gạo thơm Thái Lan hiện đã lên tới 900 USD/tấn, tăng gần 30% so với một tháng trước đây. Gạo trắng cũng đã đội giá gần 50% kể từ tháng 1 tới nay, lên 600 USD/tấn và dự báo có thể tăng thêm 40%, lên 800 USD/tấn ngay trong tháng 4 này.

FAO cho biết tính đến tháng 12/2007, trên thế giới có 37 quốc gia đã phải đối mặt với khủng hoảng lương thực và 20 quốc gia đã phải áp đặt một số biện pháp kiểm soát giá lương thực.

Trong bản báo cáo công bố hôm 27/7, Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (ESCAP) cũng chỉ rõ, việc lương thực tăng giá tiếp tục là thách thức lớn trong thời gian tới.

Để bảo đảm an ninh lương thực, các nước xuất khẩu gạo đang phải cố giữ giá lương thực trong nước ở mức thấp để ổn định đời sống của dân nghèo, tránh bất ổn xã hội. Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan đã cấm hoặc hạn chế xuất khẩu gạo. Chính phủ Campuchia vừa ra lệnh tạm ngưng xuất khẩu gạo trong hai tháng để ổn định giá lương thực trong nước. Nga, Trung Quốc và nhiều nước chú trọng điều tiết giá lương thực.

Ngày 27/3, Bộ Phát triển kinh tế và Thương mại Nga (MERT) đã công bố danh mục các loại lương thực - thực phẩm có tác động mạnh đến xã hội sẽ được Nhà nước điều tiết giá. Ông Pavel Volkov, Cục trưởng Cục Điều tiết giá nội thương thuộc MERT cho biết, Nhà nước điều tiết giá áp dụng đối với các doanh nghiệp chiếm từ 15% thị phần trở lên tại địa phương. Trong trường hợp cần thiết Chính phủ cũng có thể ra lệnh cấm bán một số sản phẩm nhất định, nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Ngày 28/3, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết, Chính phủ Trung Quốc lần thứ 2 trong năm nay đã tăng mức giá thu mua tối thiểu đối với gạo và lúa mỳ nhằm khuyến khích nông dân sản xuất lương thực và khống chế tình trạng lạm phát.

Trong khi đó, các nước nhập khẩu gạo, như Indonesia, Hàn Quốc và Mông Cổ thì đã cắt giảm thuế nhập khẩu.

Tại Philippines, Chính phủ đang cố gắng triển khai kế hoạch nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo; tăng lượng gạo dự trữ và thực hiện nghiêm việc trợ cấp gạo cho người nghèo. Nhiều người lo ngại tình trạng khan hiếm gạo sẽ dẫn đến những bất ổn xã hội ở Philippines.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng thiếu lương thực và giá gạo tăng vọt là do đồng USD trượt giá, nhu cầu lương thực ở các nước đang phát triển tăng mạnh và chính sách dùng lương thực sản xuất năng lượng sinh học ở một số nước.

Ngoài ra, theo ESCAP, việc các nước châu Á - Thái Bình Dương “bỏ quên” lĩnh vực nông nghiệp trong nhiều năm khiến khu vực này có hơn 200 triệu người nghèo đói, còn giá lương thực thì tăng rất cao.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường