Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, những diễn biến về giá gạo thế giới trong ba tháng đầu năm làm cho cả thế giới sửng sốt.
Bởi lẽ, nếu như cách đây gần 2 năm, FAO và OECD cùng đưa ra dự báo rằng, giá gạo thế giới ở thời điểm hiện tại tăng rất mạnh 6,76% so với niên vụ trước để đạt 318,8 USD/tấn và sẽ còn nhích lên để đạt mức “đỉnh” 319,8 USD/tấn trong niên vụ tới, còn theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa mới cho “ra lò” đầu năm nay, tốc độ tăng giá gạo thế giới sẽ gần gấp đôi, với 12,94%.
Đặc biệt, theo FAO và OECD, giá gạo thế giới đến năm 2016 tuy sẽ giảm nhẹ, nhưng không xuống dưới ngưỡng 310 USD/tấn, còn theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong vòng 10 năm tới.
Xuất “hạt vàng” giá... bèo
Tuy nhiên, thực tế thị trường thế giới hiện nay cho thấy một bức tranh khác một trời một vực. Đó là, sau khi tăng đại nhảy vọt 14,30% để đạt 378 USD/tấn vào tháng cuối so với bình quân cả năm 2007 chỉ ở mức 330,72 USD/tấn, giá gạo thế giới tháng 1 vừa qua đã tăng lên 393,5 USD/tấn (tăng 4,10%), còn tháng 2 đã tăng đại nhảy vọt lên 481,1 USD/tấn (tăng 11,26%) và tháng 3 vừa qua thêm một lần nữa lại tăng đại nhảy vọt lên 561,8 USD/tấn (tăng 16,73%), vượt xa kỷ lục “mọi thời đại” với 535 USD/tấn ghi nhận được vào tháng 6/1981. Chính vì liên tục tăng như vậy, bình quân giá gạo thế giới 3 tháng đầu năm nay đã đạt 478,81 USD/tấn, tăng 44,78% so với năm 2007. Tuy vậy, trong bối cảnh giá gạo thế giới tăng đại nhảy vọt, chúng ta đã XK những “hạt vàng” với giá “rẻ bất ngờ”.
Các số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, với 459 nghìn tấn gạo XK trong 2 tháng đầu năm, chúng ta đã thu được 190 triệu USD, tức là giá XK bình quân đã đạt 413,94 USD/tấn, bằng 94,66% giá thế giới, nhưng trong tháng 3 vừa qua, trong khi giá gạo thế giới tăng đại nhảy vọt như nói trên, với việc đẩy mạnh XK tới 400 nghìn tấn ra thị trường thế giới, ước kim ngạch XK thu được chỉ khoảng 170 triệu USD, tức là giá XK bình quân chỉ đạt khoảng 425 USD/tấn, chỉ bằng 75,65% giá thế giới.
Như vậy, nếu cho rằng chúng ta buộc phải chấp nhận giá gạo XK của nước ta “thấp hơn một bậc” so với giá thế giới ở mức như trong 2 tháng đầu năm nay và cũng là “thông lệ” từ nhiều năm nay, thì chỉ riêng khối lượng gạo XK trong tháng 3 vừa qua, các nhà XK của nước ta đã bị “hớ” gần 43 triệu USD, hay hơn 1/4 kim ngạch đã thu được.
Rõ ràng, việc giá gạo thế giới tăng đột biến như vậy đã khiến cho các nhà XK gạo nước ta lần thứ hai vấp phải tình trạng giống hệt như khi “El Nino thế kỷ” 1997-1998 diễn ra.
Điều cần thiết nhất trong lúc này là chúng ta cần phải khắc phục tình trạng “bán hớ” này bởi giá gạo thế giới tựu trung chính là giá gạo XK của Thái Lan đã đạt được trên thị trường thế giới và được chọn làm giá gạo thế giới hiện nay.
Vì vậy, ý kiến giá gạo thế giới sẽ ở mức cao không chỉ trong năm nay mà còn kéo dài, cho nên cả DN lẫn nông dân không phải lo, vì càng chậm XK gạo, càng có lợi về giá xét ở góc độ nào đó mang tính ngụy biện.
Tạm dừng ký hợp đồng mới: Quyết định bắt buộc
Tuy vậy, ý kiến cho rằng “Chính phủ xử ép nông dân” cũng không ổn bởi căn cứ vào thực tế sau:
Thứ nhất, thị trường lương thực trong nước không chỉ đã có những dấu hiệu bất ổn, mà còn đứng trước nguy cơ biến động dữ dội.
Trước hết, các số liệu thống kê cho thấy, chỉ tính riêng trong tháng 3 vừa qua, giá lương thực đã tăng đột biến 10,50%, cao gấp 3,51 lần so với tốc độ tăng 2,99% của giá tiêu dùng nói chung là điều không thể coi là bình thường. Việc giá tăng đột biến như vậy diễn ra trên tất cả 8 vùng của đất nước, trong đó nghiêm trọng nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng với kỷ lục tăng 14,32% và tiếp theo là vùng Bắc Trung Bộ với 13,11%, còn thấp nhất là vùng Tây Bắc cũng tăng 7,41%...
Nói cách khác, chính sự “đồng khởi” của giá lương thực trên khắp nước chính là “thủ phạm” quan trọng gây ra “cơn sốt trái mùa” của giá tiêu dùng trong tháng 3 vừa qua, mà nguyên nhân chủ yếu chính là “giặc rét” hoành hành dữ dội chưa từng có không chỉ trên phạm vi một nửa nước, mà còn bao trùm cả “khúc ruột miền Trung” nước ta. Việc nông dân tại vựa lúa lớn nhất miền Bắc hiện mới chỉ gieo cấy được 96,4% diện tích so với cùng kỳ, còn nông dân miền Bắc nói chung chỉ mới gieo cấy được 94,7% diện tích, hay nông dân một số vùng của tỉnh Quảng Ngãi đang bước vào thu hoạch vụ lúa đông - xuân hầu như “không hạt” cũng đủ cho thấy điều đó.
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, bên cạnh những thiệt hại lớn chưa từng có về gia súc, việc hầu như phải “làm lại” diện tích lúa đông - xuân trên phạm vi nửa nước đã gây ra “cơn hoảng loạn” trên thị trường lương thực cả nước, mà hậu quả khó lường của “giặc rét” vẫn còn đón đợi chúng ta trong những tháng sắp tới.
Trong bối cảnh như vậy, việc “dốc bồ” vựa lúa lớn nhất nước để XK có lẽ không khác gì nước cờ “thí xe” để cầm chắc chuốc lấy thất bại.
Thứ hai, việc giá gạo thế giới tăng đại nhảy vọt như nói trên suy cho cùng cũng bắt nguồn từ sự bất ổn đồng loạt về nguồn cung ở nhiều nước sản xuất, tiêu dùng và XK gạo chủ yếu.
Để bảo đảm an ninh lương thực trong nước, giống như chúng ta, cả hai “người khổng lồ” Trung Quốc và Ấn độ đều thắt chặt XK gạo trong khi nhu cầu tiêu dùng gạo của thế giới tiếp tục tăng. Đặc biệt, việc sản xuất gạo ở hàng loạt nước gặp nhiều khó khăn. Phần thì do không được quan tâm đúng mức phần vì dự trữ gạo nói riêng và lương thực nói chung của thế giới liên tục “tụt dốc” và hiện đang thấp kỷ lục trong vòng gần ba thập kỷ trở lại đây. Bên cạnh đó, sản phẩm nông nghiệp toàn cầu đang phải chuyển sang đáp ứng một phần nhu cầu nhiên liệu thế giới do giá dầu mỏ liên tục tăng phi mã, cũng như tình trạng gia tăng đầu cơ trên thị trường này trong bối cảnh USD liên tục “tụt dốc” thảm hại...
Trong bối cảnh như vậy, việc “dốc bồ” để XK của chúng ta chắc hẳn đồng nghĩa với sự dại dột.
Thứ ba, không phải ở đâu xa, bài học thả lỏng XK gạo của nước ta trong bối cảnh giá gạo thế giới sốt nóng do “El Nino thế kỷ” 1997-1998 cũng cho thấy rất rõ điều đó.
Cụ thể là, trong điều kiện giá gạo thế giới bắt đầu lên cơn sốt nóng đầu năm 1998, trong khi chúng ta hoan hỷ vì sớm ký được hợp đồng XK rất lớn với giá cao hơn so với năm 1997 và đã đẩy mạnh XK ngay trong 5 tháng đầu năm, cho nên đã hứng trọn hậu quả “kép”: XK với giá “bèo” và mất đứt hàng chục triệu USD, còn giá lương thực trong nước liên tục lên “cơn co giật” liền trong hai tháng 4 và 5 (tăng 5,2% và 5,5%) và chỉ hạ nhiệt khi lệnh tạm ngưng XK gạo được ban bố trong hai tháng giữa năm, còn khi XK được nối lại, cho dù khối lượng vẫn bị hạn chế, giá gạo vẫn tiếp tục sốt nóng trong hai tháng 8 và 9 (tăng 4,4% và 2,6%).
Rõ ràng, trong khối lượng gạo XK trong năm 1998 chỉ tăng vỏn vẹn 160 nghìn tấn, chỉ chiếm 16,5% trong tổng mức tăng của sản lượng gạo trong năm này, tức là đã có thêm chí ít một nửa triệu tấn gạo tồn kho chờ XK, nhưng giá lương thực trong nước cả năm này vẫn tăng kỷ lục 23,1% đủ cho thấy mức độ lan truyền của sốt nóng giá gạo thế giới vào thị trường trong nước của nước ta mạnh tới mức nào.
Từ thực tế này, có thể khẳng định rằng, trong điều kiện vụ đông - xuân trên phạm vi hơn nửa nước không có gì sáng sủa như hiện nay, còn giá gạo thế giới thì có thể đạt kỷ lục mọi thời đại 1.000 USD/tấn như một số thông tin dự báo, việc chúng ta “dốc bồ” XK gạo sẽ không khác gì “đổ thêm dầu vào lửa” để chống lạm phát.
Chọn hướng đi nào?
Nếu những dự báo dài hạn về thị trường gạo thế giới là đúng, thì có lẽ việc sản xuất và XK gạo của chúng ta hiện nay đang không khác gì “đứng trước ngã ba đường”.
Trước hết, việc giá thế giới liên tục đứng ở mức rất cao trong suốt cả một chặng đường dài cả thập kỷ sắp tới đồng nghĩa với việc nguồn cung gạo thế giới liên tục khan hiếm và cũng có nghĩa là các chủng loại gạo phẩm cấp vừa phải sẽ rất được giá trên thị trường thế giới.
Trong khi đó, Việt Nam lại đang từ bỏ lợi thế của mình là phát triển lúa ngắn ngày, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, cho năng suất cao, nhưng chất lượng chỉ vừa phải để chuyển sang các giống lúa có những đặc điểm ngược lại để “đua” với cường quốc XK gạo số 1 thế giới là Thái Lan rõ ràng là không phù hợp. Đây là điều mà các nhà quản lý không thể không cân nhắc trong những năm tới.
Hiển nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta cũng sẽ từ bỏ, mà ngược lại, vẫn phải phát triển tối đa năng lực sản xuất gạo đặc sản mà thiên nhiên ban tặng vừa để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước, vừa để XK với giá rất có lợi.
Thứ hai, không chỉ có vậy, điều đáng lo nhất ở tầm trung và dài hạn chính là các khu công nghiệp đang “gặm” đất lúa với tốc độ chóng mặt, khiến triển vọng XK của chúng ta trở nên “mịt mù” hơn.
Bởi lẽ, theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN - MT), chỉ trong vòng 7 năm gần đây, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để chuyển sang đất phi nông nghiệp đã lên tới trên nửa triệu ha. Điều còn đáng lo hơn nữa là tốc độ này đang ngày càng gấp gáp hơn, bởi diện tích lúa gieo trồng giảm chỉ riêng năm 2007 cũng đã chiếm 1/4 trong con số khổng lồ đó.
Không những vậy, vấn đề còn nghiêm trọng hơn nữa là đã có chí ít là một nửa trong số đó là những “bờ xôi, ruộng mật” mà phải mất hàng trăm năm nông dân nước ta mới tạo ra được đã bị mang ra “tế thần” công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Bởi lẽ, nếu theo số liệu của Bộ TN - MT, một nửa trong số diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi nói trên là thuộc các vùng kinh tế trọng điểm, con theo điều tra của Bộ NN - PTNT, thì có tới 89% diện tích này thuộc 16 tỉnh trọng điểm, mà hầu hết đều là đất lúa, thuộc diện phì nhiêu màu mỡ, có năng suất cao.
Rõ ràng, nếu như tình trạng “Trăm nhà đua tiếng” trong việc phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất như hiện nay vẫn còn tiếp tục, thì những hệ quả nói trên sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn nữa.
Do vậy, việc phải có một chiến lược sử dụng đất của quốc gia nhằm bảo vệ đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa phải là một trọng tâm đã và đang trở thành vấn đề bức xúc, thậm chí cực kỳ bức xúc.
Thứ ba, xét về lâu dài, chúng ta là một trong những quốc gia bị tổn thất nặng nề nhất do tình trạng ấm lên của trái đất, mà hai vựa lúa lớn nhất nước là vùng ĐBSCL và vùng ĐBSH là những “nạn nhân” chủ yếu. Do vậy, triển vọng duy trì vị trí cường quốc XK gạo thứ hai thế giới đã đạt được trong 10 năm nay càng trở nên mong manh hơn.
Nói tóm lại, trong bối cảnh mới của thị trường gạo thế giới mà hơn hai năm trở lại đây mới chỉ là “khúc dạo đầu”, có lẽ chúng ta cần có một chiến lược nông nghiệp mới, góp phần tạo dựng và củng cố nền móng vững chắc cho đất nước tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Cuộc “cách mạng xanh lần thứ hai” mà dư luận quốc tế càng lên tiếng mạnh mẽ trong thời gian gần đây có lẽ cũng không nằm ngoài mục tiêu đó.