Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
An ninh lương thực: Vấn đề nóng
14 | 04 | 2008
Chính phủ các nước châu Á, nơi vốn được mệnh danh là “vựa lúa của thế giới”, cũng đang phải nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực. Năm nay, Việt Nam cũng cắt giảm 22% lượng gạo xuất khẩu để kiềm chế lạm phát và bảo đảm nguồn cung


Vấn đề an ninh lương thực lại trở nên nóng hơn ở châu Á và châu Phi, chủ yếu do giá gạo tăng và nguồn cung cấp ngày càng hạn chế. Những diễn biến của tình trạng cung không đủ cầu lương thực đang chứa đựng những tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh, chính trị và xã hội ở một số quốc gia.

Chỉ trong vòng 1 năm qua, giá lương thực, thực phẩm thiết yếu đã tăng lên đến 40%, trong khi đó, thu nhập lại không tăng theo kịp những cơn bão giá cả đang làm hàng tỉ người lo lắng. Các nhà quan sát ước tính có đến khoảng 30 quốc gia ở châu Phi và châu Á đang phải đương đầu với những biến động chính trị xã hội do giá cả leo thang.

“Vựa lúa” cũng thiếu gạo

Chính phủ các nước châu Á, nơi vốn được mệnh danh là “vựa lúa của thế giới”, cũng đang phải nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực. Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, các doanh nghiệp đầu mối đang tiếp tục gom hàng và huỷ hợp đồng với đối tác xuất khẩu.

Ông Vichai Sriprasert, chủ tịch công ty xuất khẩu gạo Riceland International của Thái Lan, cho biết những công ty có gạo để xuất đang kiếm được lợi lớn vì tình trạng hiện nay là thiếu hàng xuất khẩu. Các công ty đầu mối không chịu giao hàng.

Tình trạng khan hiếm hàng và tăng giá càng trở nên trầm trọng sau khi Ai Cập và Campuchia ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực. Giá gạo trên thị trường thế giới đã tăng lên mức kỷ lục vào ngày 27/3 vừa qua. Dự trữ gạo của thế giới ở mức thấp nhất kể từ năm 1976.

Giá lương thực tăng mạnh thậm chí đã đẩy Haiti vào tình trạng bất ổn. Làn sóng biểu tình phản đối giá lương thực đắt đỏ tại thủ đô Port-au-Prince tiếp tục dâng cao khiến đường phố rơi vào cảnh hỗn độn. Nhiều ô tô bị đốt, các cửa sổ kính bị đập vỡ. Cho tới nay đã có 5 người chết vì biểu tình…

Giám đốc chương trình lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc Josette Sheeran cảnh báo, cơn bão giá lương thực toàn cầu có thể gây ra tình trạng bất ổn sâu rộng.

Trước nguy cơ thiếu lương thực, cộng đồng quốc tế và nhiều nước đã và đang có nỗ lực để bình ổn. Mỗi nước thực hiện các biện pháp theo cách của mình. Thái Lan đã phải huy động cả lực lượng quân sự ra canh gác các cánh đồng để đề phòng hiện tượng gặt trộm lúa. Hạn chế xuất khẩu gạo được coi là giải pháp nóng ở các nước xuất khẩu gạo hiện nay để đối phó với tình trạng giá gạo tăng cao đe dọa nhu cầu trong nước. Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đã tạm ngừng ký các thỏa thuận xuất khẩu gạo mới trong tháng ba và tháng tư. Năm nay, Việt Nam sẽ cắt giảm 22% lượng gạo xuất khẩu để kiềm chế lạm phát và bảo đảm nguồn cung lương thực.

Campuchia, mới đây cũng thông báo cấm xuất khẩu gạo trong hai tháng. Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu bốn triệu tấn gạo mỗi năm, đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trừ loại gạo basmati (hạt dài, hương lài) để bảo đảm có đủ gạo cung cấp cho hơn một tỉ người và giảm sức ép tăng giá trong nước. Tổng thống Philippines Gloria Macapagal-Arroyo đã ra lệnh bãi bỏ các hạn chế đối với nhập khẩu gạo và ngô để đảm bảo nguồn cung lương thực, nhưng vẫn giữ nguyên mức thuế quan đối với các mặt hàng này...

“An ninh lương thực là số 1”

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khi đề cập vấn đề sửa đổi quy hoạch trong Luật đất đai 2003.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định, vấn đề quy hoạch sử dụng đất đảm bảo an ninh lương thực phải được nghiên cứu kỹ và có bổ sung ngay vào luật. Trên thực tế, tại nhiều văn bản Luật cũng đã đề cập các thông số như: 3,7 triệu ha đất dành trồng lúa nước; 4,1 triệu ha đất dành cho an toàn lương thực. Tuy nhiên, ranh giới của các vùng đất này là không rõ ràng. “Tại tất cả các địa phương, không ai có thể trả lời được đâu là ranh giới đỏ” - Bộ trưởng Nguyên nhận xét.

Khi vấn đề biến đổi khí hậu được nhắc tới, Việt Nam là 1 trong 5 nước trên thế giới chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tác động của biến đổi khí hậu sẽ tác động đầu tiên và nặng nề nhất tới nông nghiệp. Với kịch bản nước biển dâng 1m, đồng bằng sông Hồng sẽ bị mất 5.000 km2 đất; đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập 15.000 đến 20.000 km2; ước tính tổng sản lượng lương thực cả nước sẽ giảm khoảng 5 triệu tấn. Bên cạnh đó, dự báo, từ nay đến năm 2025, có thể phải lấy 10-15% diện tích đất nông nghiệp và các loại đất khác để phục vụ phát triển công nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng thừa nhận đây là một bài toán khó. Bởi 2 vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long phần lớn là đất nông nghiệp cho năng suất cao, nếu không tính toán và không dành ra một tỷ lệ đất cụ thể để phát triển công nghiệp thì các địa phương này sẽ gặp nhiều khó khăn (do suất đầu tư sẽ eo hẹp, trong khi lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp lại không lớn)./.



Nguồn: ThongtinThuongmaiVietNam.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường