Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lúa gạo đang bị làm giá!
28 | 04 | 2008
Giá gạo trong nước tăng vọt trong hai ngày qua. Giá tăng nhưng người bán hàng thậm chí than thở không có gạo để bán! Đã có dấu hiệu gom và ghim lúa gạo để chờ giá tăng tiếp. Người dân lại hoang mang về khả năng gạo tăng giá, đổ xô đi mua khiến giá vài loại gạo tăng gấp đôi chỉ trong ngày một, ngày hai.
Ngay tại khu vực ĐBSCL, vựa lúa của VN, giá lúa gạo cũng khiến người tiêu dùng choáng váng. Ông Trần Văn Hùng ở chợ xã Trung Bình, huyện Long Phú (Sóc Trăng) cho biết chiều 25-4 ra chợ Kinh Ba gần cảng cá Trần Đề để mua gạo nhưng từ đại lý cho đến điểm bán gạo nhỏ lẻ đều đóng cửa, treo thông báo hết gạo. Tuy nhiên, sau một đêm... hết gạo, sáng 26-4 tiểu thương ở chợ Kinh Ba, chợ Gòi, chợ Đại Ngãi (Long Phú, Sóc Trăng) đã bán gạo trở lại nhưng giá cao ngất ngưởng.

Giá tăng từng giờ

Tại siêu thị Co-op Mart Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), mỗi khách hàng chỉ được mua 10kg gạo (ảnh chụp tối 26-4)

Nếu như hai ngày trước gạo dài thường ở các chợ này chỉ 10.000 đồng/kg thì sáng 26-4 đã tăng lên 13.000 đồng/kg và gạo thơm tăng từ 12.000 đồng/kg lên 15.000-16.000 đồng/kg.

Không riêng gì các huyện, tại TP Sóc Trăng giá gạo cũng "nhảy dựng" và nhiều vựa gạo lớn đã đóng cửa. Chủ đại lý gạo khá lớn ở khu vực ngã tư đường Lê Hồng Phong - Phú Lợi, TP Sóc Trăng cho biết tất cả loại gạo đều đã hết, phải chờ đến ngày 27-4 mới có nhưng chưa biết giá sẽ tăng bao nhiêu!

Tại Cần Thơ, chủ sạp gạo Thảo (chợ Xuân Khánh) cho biết những ngày gần đây hầu như ngày nào chị cũng phải thay đổi bảng giá bán hai lần, mỗi lần tăng khoảng 500 đồng/kg. Riêng những loại gạo thơm nay đã tăng đến 3.000 đồng/kg so với hôm qua! Trong khi đó, chủ một đại lý gạo tại Trung tâm thương mại Cái Khế cho biết hôm qua nhà máy đã ngừng cung cấp gạo dù giá tăng thêm 2.000 đồng/kg so với ngày trước đó.

Chủ đại lý than thở: "Mới trưa 26-4 doanh nghiệp báo giá tăng thêm 2.000 đồng/kg, tui cũng chấp nhận mua. Tuy nhiên đến chiều họ vẫn chưa giao hàng. Tui điện vô hỏi thì họ bảo không thể giao gạo với giá đó được. Ngay cả gạo thơm Chợ Đào họ ra giá 18.000 đồng/kg, tui đồng ý dù đã cao hơn giá thị trường hiện nay nhưng rồi họ cũng không giao hàng". Anh cho biết hiện không còn đủ gạo để giao cho khách hàng nên có thể phải tạm đóng cửa vì nếu tiếp tục bán ra, cửa hàng sẽ bị lỗ!

Khẩn cấp bình ổn giá gạo

Người dân thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc chen nhau đi mua gạo (ảnh chụp chiều 26-4)

Ngày 26-4, chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã ra công điện khẩn đề nghị Sở Công thương, quản lý thị trường và các ngành liên quan khẩn cấp phối hợp trong việc kiểm soát, bình ổn giá gạo đang tăng đột biến và xử phạt nghiêm các cơ sở đầu cơ tích trữ trục lợi, nâng giá gạo làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, lũng đoạn thị trường gạo trong mấy ngày qua.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các ngành chức năng cần theo dõi, kiểm tra thường xuyên các cơ sở mua bán gạo, đề nghị các cơ sở mua bán gạo thực hiện nghiêm túc việc trưng bảng giá gạo công khai tại nơi bán, ai vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

TTXVN

Tại Bạc Liêu và Cà Mau giá gạo cũng tăng liên tục trong hai ngày qua, nhiều đại lý gạo không chịu giao hàng cho tiểu thương ở các chợ bán gạo lẻ với lý do các nhà máy kêu hết gạo. Sáng 26-4, hầu hết đại lý gạo ở chợ phường 4, 5, 8 (TP Cà Mau) đều từ chối bán ra với số lượng nhiều, chỉ chấp nhận... "chia vài lon về nấu cơm" do hết hàng.

Chiều 26-4, hàng chục người dân đã kéo đến UBND thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) đòi chủ tịch thị trấn phải trả lời, giải quyết chuyện giá gạo tăng cao và tư thương không bán gạo. Theo các đại lý, ngày 27-4 tàu chở gạo từ Cần Thơ mới về Cà Mau.

Tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) từ chiều 26-4, dù giá gạo tăng gần gấp đôi so với một ngày trước nhưng nhiều người dân vẫn đổ xô đi mua. Chị Hoa, một người dân ở ấp 3, xã Cửa Cạn, cho hay: "Tối qua xem truyền hình thấy đưa tin giá gạo thế giới lên, nhiều nước thiếu gạo ăn nên mọi người rủ nhau đi mua gạo phòng khi giá lên".

Ngay ở TP Đà Lạt, sáng 26-4 giá gạo bất ngờ tăng bình quân 4.000 đồng/kg so với ngày trước khiến nhiều người bàn tán xôn xao. Chị Nguyễn Thị Thành, bán gạo ở chợ Đà Lạt gần 15 năm qua, khẳng định đây là lần đầu tiên giá gạo ở chợ Đà Lạt tăng bất ngờ nên cả buổi sáng chị chẳng bán được bao nhiêu vì phần lớn người đi chợ chỉ đến để hỏi giá.

Mua không được lúa

Nếu đem câu hỏi ai đang làm giá lúa gạo đặt ra vào lúc này sẽ khó tìm được câu trả lời đích xác. Các cửa hàng nhỏ chỉ chủ sạp gạo không cấp hàng, các chủ sạp đổ thừa hàng không về hoặc giá bị đẩy cao. Tại chợ Trần Chánh Chiếu (Q.5), do lượng gạo về chợ giảm, nhiều chủ vựa không rót hàng nhiều cho các mối như trước để tránh trường hợp tích trữ làm giá của các cửa hàng bán lẻ.

Ở ĐBSCL, không ít nhà máy xay xát đóng cửa im ỉm. Ông Nguyễn Hoàng Chương, chủ doanh nghiệp sản xuất gạo Anh Tuấn ở huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), cho biết giá lúa dài thường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tăng lên 6.000 đồng/kg và lúa thơm 7.000 đồng/kg nhưng tung hết các ghe đi gom mà vẫn về tay không.

Ông Chương khẳng định: "Nhiều nhà máy xay lúa đã không theo kịp giá và không mua được lúa nên ngưng chà gạo bán. Theo tôi được biết, có đến 90% nhà máy xay lúa ở Sóc Trăng đang tạm ngưng hoạt động cho đến khi nào có lúa hè thu mới chạy lại". Ông Châu Thanh Liêm - giám đốc Công ty cổ phần gạo chất lượng cao Ngã Năm (Sóc Trăng) - cho biết khoảng hai tuần qua không mua được lúa nên lượng gạo công ty bán ra ngoài rất hạn chế.

Một doanh nghiệp xay xát tại TP Cần Thơ cho biết dường như có tình trạng nông dân găm hàng khiến giá lúa bị đẩy lên cao. Anh cho biết mấy ngày gần đây việc mua lúa đầu vào bị chậm lại do không có hàng. Mặc dù đã có nhiều "chốt" trực tiếp mua hàng với nông dân nhưng đại diện doanh nghiệp này cho biết chiều 26-4 "chốt" tại tứ giác Long Xuyên phải về tay không.

Ông Hồ Quang Cua - phó giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng - cho biết ĐBSCL không bao giờ có tình trạng thiếu lúa gạo. Tuy nhiên, hiện giá lúa gạo đang dao động nên không chỉ doanh nghiệp mà người dân cũng "thủ”. Ông kể: "Theo tôi biết, ở huyện Ngã Năm có một số doanh nghiệp và người dân thuê kho trữ lúa để đầu cơ. Trong thời điểm này, doanh nghiệp bán ra sẽ bị rủi ro cao bởi có thể không có hàng để mua vào".

Nhiều thương lái ở Cái Bè (Tiền Giang) cho biết giá gạo tăng là do các hợp đồng xuất khẩu gạo mới đây tăng giá. Gạo khan hiếm nên doanh nghiệp liên tục chào giá cao để mua được gạo, vì thế giá thị trường tăng theo. Hầu hết lượng gạo tại đây được các thương lái thu mua để giao cho thị trường Hà Nội và các tỉnh miền Trung.

Theo TTXVN, Bạc Liêu đang vào vụ thu hoạch rộ diện tích lúa đông xuân với hơn 33.000ha, năng suất trung bình 5,3-5,8 tấn/ha, có nơi đạt 8 tấn/ha. Đây được đánh giá là một trong vụ mùa trúng nhất từ trước đến nay, sản lượng lớn, nhưng nhiều thương lái chớp thời cơ giá cả leo thang dự trữ lại lúa, làm cho thị trường gạo khan hàng, sốt giá.

Siêu thị bán gạo theo định mức

Khoảng 19g tối 26-4, quầy hàng bán gạo của Co.op Mart (đường Hai Bà Trưng, TP Long Xuyên, An Giang) đã "cấp tốc" treo thêm tấm biển: "Mỗi khách hàng chỉ mua gạo tối đa 10kg"
Chiều 26-4, ông Ngô Văn Hải - phó giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đông Hưng, chủ đầu tư chuỗi hệ thống siêu thị Citimart - xác nhận trong số hai nhà cung cấp gạo cho chuỗi hệ thống siêu thị Citimart, nhà cung cấp gạo mang thương hiệu Rồng Vàng đã từ chối cung cấp gạo với lý do "không có hàng". Với nhà cung cấp mang thương hiệu gạo Công Nhân, dù có hàng để giao nhưng số lượng chỉ khoảng vài trăm ký, thay vì 1-2 tấn như đơn đặt hàng lâu nay từ phía siêu thị.

Bà Lê Thị Quỳnh Chi, phó giám đốc marketing của Saigon Co-op, xác nhận đã có một số nhà cung cấp gạo gửi thông báo tăng giá, "nhưng chúng tôi vẫn đang xem xét". Theo bà Chi, do có lượng gạo dự trữ khá tốt nên siêu thị vẫn đang bán với mức giá bình thường. Tuy nhiên, để đảm bảo được lượng gạo bán ra đến tận tay người tiêu dùng, siêu thị sẽ áp dụng hình thức bán 10kg/người/lần mua, bắt đầu từ tối 26-4.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, giám đốc siêu thị Hà Nội, cũng cho biết đã nhận được thông báo điều chỉnh giá tăng của một số nhà cung cấp, nhưng thời gian áp dụng từ 1-5, với mức tăng khoảng 15% so với trước. "Chúng tôi vẫn chưa đồng ý và đề nghị thương thảo lại vì trước đó họ đã tăng hai lần trong tháng tư” - bà Hải nói.

Giá gạo tăng là do đầu cơ!

Ông Trương Thanh Phong (chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN): Tôi khẳng định hiện tượng này không phải do chúng ta thiếu hụt lương thực mà chủ yếu xuất phát từ tình trạng đầu cơ
Ông Trương Thanh Phong - chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA) - trả lời Tuổi Trẻ về hiện tượng lúa gạo tăng giá.

* Giá gạo đang tăng chóng mặt. Đâu là nguyên nhân của hiện tượng này, thưa ông?

- Quả thật giá lúa gạo đã tăng rất mạnh trong thời gian gần đây, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người tiêu dùng nội địa, nhất là những người nghèo. Tuy nhiên, tôi khẳng định hiện tượng này không phải do chúng ta thiếu hụt lương thực mà chủ yếu xuất phát từ tình trạng đầu cơ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều đối tượng đã và đang tham gia đầu cơ gạo, đẩy giá mặt hàng này tăng lên. Trong đó, hầu hết các cơ sở xay xát, các doanh nghiệp cung ứng gạo đều tham gia. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp trước nay chủ yếu kinh doanh các mặt hàng nông sản khác như hạt tiêu hay cà phê, chưa từng tham gia kinh doanh gạo, nay cũng chuyển hướng đầu tư vốn thu gom gạo để đầu cơ.

Và theo như một số địa phương phản ảnh, một số "đại gia" chứng khoán cũng bắt đầu chuyển hướng đổ vốn vào đầu cơ gạo. Tại một số địa phương có hoạt động đánh bắt xa bờ, nhiều chủ tàu cá tranh thủ thu gom gạo, mỗi chuyến biển đem theo 5-10 tấn gạo, đưa ra bán cho các tàu cá của một số nước khác trong khu vực với giá cao để hưởng chênh lệch...

* Nhưng liệu các doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu cũng sẽ tham gia gom hàng để giao hàng và để đầu cơ chờ giá lên?

- Trong tuần tới, VFA sẽ họp với các doanh nghiệp thành viên để bàn biện pháp ổn định thị trường gạo nội địa. Tuy nhiên, tôi cho rằng các doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu không có nhu cầu mua gạo bằng mọi giá vào thời điểm này.

Như chúng ta đều biết chỉ tiêu xuất khẩu gạo của VN năm nay chỉ khoảng 3,5-4 triệu tấn, trong đó đến hết tháng 9-2008 cũng chỉ được ký hợp đồng không quá 3,2 triệu tấn. Cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu với khối lượng hơn 2,2 triệu tấn và đã giao được khoảng 1,2 triệu tấn. Theo số liệu kiểm tra của VFA, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp hiện còn hơn 1,1 triệu tấn, hoàn toàn đảm bảo đủ số lượng giao hàng theo hợp đồng từ nay đến hết tháng 6-2008.

Như vậy, so với cùng thời điểm này mọi năm, sản lượng gạo ký hợp đồng cũng như giao hàng đều ít hơn, do đó có thể khẳng định hoạt động xuất khẩu không phải là yếu tố gây ảnh hưởng nhiều đến cung cầu ở thị trường nội địa. Cũng cần nói thêm là so với mọi năm, vụ đông xuân năm nay tại ĐBSCL trúng mùa hơn, nhiều nơi lúa đạt năng suất cao hơn năm trước khoảng 2 tạ/ha. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng thông tin về giá gạo trúng thầu xuất khẩu khá cao mới đây tác động ít nhiều đến giá tại thị trường nội địa, dù sản lượng tham dự thầu đợt này (17-4) rất ít, chỉ khoảng 80.000 tấn.

* Vậy VN hoàn toàn không có nguy cơ thiếu gạo trong thời gian tới, nhưng phải làm gì trước cơn sốt ảo hiện nay?

- Sản lượng gạo được phép ký hợp đồng xuất khẩu năm nay thấp hơn nhiều so với mọi năm, trong khi ĐBSCL lại trúng mùa nên nguy cơ thiếu gạo hoàn toàn không thể xảy ra. Ngoài ra, theo thông tin kiểm tra ban đầu của chúng tôi, nhiều khả năng lúa hè thu năm nay tại khu vực này cũng được mùa. Trong đó lúa hè thu sớm, bắt đầu thu hoạch vào đầu tháng sáu tới, được dự báo sẽ đạt năng suất khá cao. Do đó người dân không có gì phải lo lắng.

Để ổn định giá gạo tại thị trường nội địa, tôi cho rằng ngoài việc hạn chế xuất khẩu, các cơ quan chức năng phải phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hiện tượng đầu cơ làm giá và xuất gạo lậu. Về phía VFA, trong buổi làm việc với các doanh nghiệp tới đây, chúng tôi sẽ bàn bạc để đưa ra một số giải pháp bình ổn giá gạo tại thị trường nội địa.

ĐÌNH PHÚC thực hiện

Nhiều sạp gạo ngưng bán

Một cửa hàng gạo ở Trung tâm thương mại Cái Khế, TP Cần Thơ xếp bảng giá lại không bán nữa (ảnh chụp chiều 26-4)
Tại TP.HCM, tình hình giá cả cũng diễn biến tương tự. Giá gạo tẻ, loại gạo bình dân nhất, đã lên 10.000 đồng/kg, một số cửa hàng bán giá 11.000 đồng/kg loại gạo tẻ, các loại gạo đặc sản còn tăng kinh khủng hơn đến 17.000-20.000 đồng/kg. Chị Lê Thị Hồng - một công nhân làm việc ở Q.11 ghé chợ Trần Chánh Chiếu mua gạo - cho biết: "Hôm nay ghé đại lý gạo tôi giật mình vì gạo trắng tép và gạo ngang (hai loại rẻ nhất - NV) đã tăng từ 10.500 đồng lên 12.000 đồng/kg... Số tiền dùng mua thức ăn phải nhín lại hơn chục ngàn để bù vào tiền gạo".

Có thể nói giá gạo đang bị đẩy lên vô tội vạ và dường như đang bị ảnh hưởng thêm từ tâm lý ghim hàng chờ giá của các chủ sạp. Chủ sạp gạo Hương Loan, chợ Bà Chiểu (TP.HCM), cho biết giá gạo tăng từng giờ chứ không phải từng ngày. "Người ta không chịu bán gạo buổi sáng vì biết chiều sẽ tăng cao hơn" - anh giải thích. Rất nhiều tiểu thương không chịu bán gạo với số lượng nhiều trừ những mối quen vì sợ hiện tượng gom hàng trong dân. Chủ sạp gạo Hương Loan cho hay chỉ bán 10-20kg cho người dân mua về ăn chứ không bán nhiều hơn. Giá gạo tăng nhưng người bán than không có hàng để bán. Một tiểu thương tại chợ Tân Định cho biết sáng gọi điện lấy hàng, chủ vựa chỉ đồng ý chuyển 2/3 số lượng hàng so với thường ngày.

Tại chợ Võ Ngọc Tú (Q.Tân Bình) nhiều sạp gạo đóng cửa từ lúc 10g sáng, chỉ sau mấy giờ mở cửa. Lý do lúc nhập hàng, người chủ nhập với giá cao hơn giá đang niêm yết bán đến 1.500-3.000 đồng/kg. Nhiều người đi mua gạo ngơ ngác không hiểu vì sao ngày cuối tuần cửa hàng gạo lại đóng cửa! Chị Lâm Thị Mỹ, một công nhân ngụ gần chợ, cho biết: "Tôi có nghe gạo tăng giá nhưng không hiểu tăng đến mức nào mà người bán phải đóng cửa. Tôi rất hoang mang".

Nhóm PV - CTV TUỔI TRẺ

Các nước chung tay giải quyết "khủng hoảng lương thực"

Phụ nữ Bangladesh kiên nhẫn chịu đựng nắng nóng để mua gạo giá rẻ do chính phủ phân phối tại Dhaka ngày 26-4

Chủ đề an ninh lương thực đã trở thành chủ đề chính của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển lần thứ 12 vừa kết thúc tại Ghana. Các thành viên tham gia hội nghị đều thống nhất kêu gọi các biện pháp cấp bách để hạ nhiệt cơn sốt giá lương thực hiện nay.

TTXVN trích lời Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon kêu gọi thế giới phối hợp hành động ngay lập tức để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra trên toàn cầu. Ông cho rằng về ngắn hạn, cần giải quyết tất cả các cuộc khủng hoảng nhân đạo đang tác động đến những người nghèo nhất trong tầng lớp người nghèo trên thế giới. Về dài hạn, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, cần sớm ngồi lại với nhau để tìm ra phương thức cải thiện hệ thống kinh tế thế giới, các chế độ phân phối và thúc đẩy việc sản xuất các loại nông sản mới.

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo của các cơ quan lớn trên thế giới, cũng có quan điểm khác trước thực tế "toàn cầu đang lo lắng vì thiếu cái ăn". Ông Kazuyuki Tsurumi - đại diện của Tổ chức Lương nông LHQ (FAO) ở Philippines - khẳng định: "Cá nhân tôi cho rằng không có sự sợ hãi về việc thiếu lương thực". Còn Liza Balarit, một người bán buôn gạo ở Manila, dí dỏm: "Không phải thế giới thiếu gạo, mà chỉ thiếu tiền mua gạo thôi".

Mới đây, các nhà kinh tế Mỹ cũng đã lên tiếng cảnh báo động thái hạn chế bán gạo của hai chuỗi siêu thị lớn Sams Club và Costo có thể gieo rắc sự hoang mang trong người dân, gây tác dụng ngược. ABC News dẫn lời giáo sư Colin Bradford thuộc Học viện Brookings nhận định: "Người dân sợ hãi và họ sẽ cố tích trữ lương thực càng nhiều càng tốt".

Ông Lester Brown, chủ tịch Viện Chính sách Trái đất, cho rằng giá cả lương thực tăng cao không phải là vấn đề sống còn đối với phần lớn người Mỹ, và sẽ không gây bạo loạn hoặc bất ổn chính trị. Các nhà kinh tế hiện đang kêu gọi người dân Mỹ tiết kiệm, tách bạch giữa "cần" và "muốn". Hiện nay, các nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng đang gây sức ép yêu cầu Nhà Trắng cung cấp thêm 350-550 triệu USD hỗ trợ lương thực khẩn cấp cho các nước nghèo.

KHỔNG LOAN



Nguồn: Tuổi Trẻ

Liên hệ với người đăng tin này:

An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn


Báo cáo phân tích thị trường