Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cà phê trong nước còn bỏ ngỏ
21 | 11 | 2008
Là nước sản xuất cà phê nhiều, nhưng lâu nay vẫn trông chờ vào thị trường nước ngoài tiêu thụ, trong khi đó thị trường trong nước lại bỏ ngỏ. Đó là một trong những nghịch lý, bất cập trong sản xuất, tiêu thụ cà phê của Việt Nam nói chung và Đắc Lắc nói riêng.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam được xem là cường quốc về sản xuất cà phê, tuy diện tích chỉ đứng thứ 4 trên thế giới nhưng sản lượng cà phê lại đứng thứ hai sau Brazin và đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê vối. Năm 2008, cả nước có 520.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ (chiếm tới 501.100 ha). Và cây cà phê ngày càng chứng tỏ thế mạnh của mình trong sản xuất nông nghiệp. Niên vụ cà phê 2007-2008, cả nước xuất khẩu được 1.077.375 tấn cà phê nhân, đạt giá trị kim ngạch trên 2,087 tỷ USD. Đây cũng là năm đạt kim ngạch xuất khẩu cà phê cao nhất từ trước đến nay.

Cà phê của Việt Nam đã có mặt ở trên 80 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, thế nhưng, thị trường trong nước đầy tiềm năng còn bỏ ngỏ. Mới đây, tại cuộc họp báo về “Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 2”, ông Lữ Ngọc Cư, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc cho biết: Tiêu thụ cà phê trong nước chỉ mới chiếm 7% trong tổng sản lượng cà phê của cả nước. Tại một số quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ..., bình quân mỗi người dân tiêu dùng khoảng 12 đến 15 kg cà phê/năm, trong khi đó, Việt Nam chỉ mới ở mức chưa đầy 1 kg/người/năm. Cái đích cuối cùng, dù tiêu thụ nội địa hay xuất khẩu cũng là thu tiền, mang về lợi nhuận, nhưng cái khoảng trống “sân nhà” tiếp tục còn bỏ ngỏ thì quả thật đáng tiếc!

Những năm qua, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) với đa số thành viên là doanh nghiệp nhà nước vẫn loay hoay với việc kêu gọi nâng cao chất lượng, hạn chế thua lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà vẫn chưa có hoạch định chiến lược cụ thể nào về việc tiêu thụ cà phê trong nước.

Theo các nhà chuyên môn cho biết, cà phê chế biến khi đưa đến người tiêu dùng được xem là mặt hàng siêu lợi nhuận. Cách đây 6-7 năm, khi giá cà phê tụt dốc ở mức thảm hại, 1 kg cà phê nhân giá chỉ còn 4.000 đồng, nhiều người còn ví von, 1 kg cà phê không bằng 1 kg cà pháo thì cà phê bột vẫn cao ngất ngưỡng ở mức từ 50.000 đến 65.000 đồng/kg. Hiện nay, 1 kg cà phê nhân cũng tụt xuống chỉ còn 24.000 đồng đến 25.000 đồng/ kg, nhưng cà phê rang xay, cà phê “ba trong một” vẫn có giá từ 70.000 đồng đến 80.000 đồng/kg trở lên. Ngay tại Đắc Lắc, nơi được mệnh danh là “ Thủ phủ cà phê” của cả nước, mỗi năm sản xuất ra từ 400.000 tấn cà phê nhân trở lên, là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng lợi nhuận mang lại cũng chủ yếu là xuất khẩu thô (xuất khẩu cà phê nhân), còn cà phê rang xay, chế biến cũng chỉ có 10.000 tấn trở lại. Trong vài năm trở lại đây, tỉnh Đắc Lắc đã mạnh dạn tổ chức “Tuần lễ Văn hoá Cà phê” ở hai thành phố lớn: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ I. Tới đây vào đầu tháng 12 này tỉnh tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ II tại thành phố Buôn Ma Thuột. Thông qua các lễ hội, mức tiêu thụ cà phê trong nước nói chung và Đắc Lắc nói riêng đã bắt đầu có sự tăng tốc. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần sớm có giải pháp, chiến lược khai thác tốt thị trường đầy tiềm năng “sân nhà” này.





Nguồn: Thông tin thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường