Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê rơi giá: Nông dân cần hỗ trợ
15 | 12 | 2008
Tính từ đầu năm 2008 đến nay, cà phê ở Tây Nguyên liên tục rớt giá. Vào tháng 2-2008, cà phê xô tại Đắc Lắc, Lâm Đồng giá là 40.000 - 42.000 đồng/kg, đến tháng 9 là 34.000 - 35.000 đồng/kg; tháng 10 còn 26.000 - 27.000 đồng/kg; hiện tại chỉ còn 24.000 - 25.000 đồng/kg.

"Cơn bão" khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động trực tiếp đến nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có cà phê. Tại Tây Nguyên, nơi được coi là "đại bản doanh" của cây cà phê, dù năm nay được mùa nhưng nông dân vẫn không vui, nhiều người rơi vào cảnh nợ nần…

Trồng cà phê theo phong trào

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), niên vụ 2007-2008 là vụ thứ ba liên tiếp ngành cà phê lập kỷ lục về giá trị xuất khẩu với kim ngạch đạt 2,08 tỷ USD. Nếu tính theo niên vụ cà phê bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 9 năm sau thì đây là niên vụ xuất khẩu thành công nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Tại thời điểm đó, khi giá cà phê ở mức 42.000 đồng/kg, hầu hết nông dân trồng cà phê đều vay vốn để mở rộng diện tích tập trung cho niên vụ cà phê năm 2008-2009. Trong đó, Đắc Lắc có khoảng 180 nghìn ha, Đắc Nông 60.000 héc ta, Gia Lai hơn 70.000 héc ta, nhưng chỉ sau vài tháng giá cà phê giảm còn 24.000 đồng/kg thì hàng vạn hộ nông dân trồng cà phê rất lo lắng.

Hộ anh Nguyễn Văn Biên, ở Phúc Thọ (Hà Nội) vào Đắc Lắc thuê 3 ha đất trồng cà phê vài năm nay. Vụ này, cây cà phê được mùa, bình quân mỗi héc ta thu 6-7 tấn. Anh Biên cho hay, tiền thuê đất mỗi năm phải trả 18 triệu đồng (6 triệu đồng/héc ta), chưa kể chủ đất bắt trả tiền trước hai năm. Do không thuê được đất tốt, gia đình phải bón phân tới sáu đợt, tổng cộng hơn 60 triệu đồng, không kể trên 30 triệu đồng mua phân hữu cơ... "Tưới nước, chăm bón và nay là thu hoạch, cũng phải thuê người làm, giá 60.000 đồng/ngày công. Đó là chưa tính nhiều khoản chi khác". Tuy nhiên, với mức giá cà phê hiện nay, số tiền bán cà phê, gia đình anh Biên đã thu hoạch và còn tại vườn chỉ cho thu vào khoảng 200 triệu đồng, nhưng số tiền chi ra (gồm cả lãi suất vay vốn) thì lên gần 300 triệu đồng. Một số hộ trồng cà phê ở Đắc Lắc còn nợ ngân hàng nay đến hạn hoặc đầu vụ đã mua chịu vật tư phân bón, nên phải bán một phần cà phê vừa thu hoạch với giá rẻ.

Khuyến cáo của cơ quan chức năng

Theo ông Nguyễn Phước Hiếu, Phó phòng Kế hoạch Sở NN&PTNT Đắc Lắc: Sở đã khuyến cáo nông dân không nên hái xanh và bán tháo sẽ thiệt hại.

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trước mắt giá cà phê có lên, xuống thất thường. Để tránh bị thua thiệt, nông dân không nên vội vã bán ra, tránh bán vào thời điểm giá thấp hoặc giá vừa lên, bán ra ồ ạt lại đẩy giá giảm xuống sâu hơn. Hiện một số nước đã quyết định cắt giảm sản lượng cà phê, In-đô-nê-xi-a quyết định sẽ dự trữ một số lượng lớn, trong khi dự báo năm nay Bra-xin sẽ bị mất mùa. Nguồn cung trên thị trường thế giới không nhiều, mặc dù sức tiêu thụ giảm nhưng lượng cầu trên thị trường vẫn có. Vì thế, về dài hạn giá cà phê sẽ vẫn có khả năng tăng lên.

UBND tỉnh Đắc Lắc và các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê khuyến cáo bà con nông dân "không hái cà phê xanh và hạn chế bán ồ ạt". Hiện, nhiều chủ vườn xuất bán cà phê ồ ạt cho thương lái vì sợ cà phê tiếp tục rớt giá. Mặt khác, thu hái cà phê không theo đúng quy trình (chọn quả chín đỏ) mà tuốt toàn bộ quả đỏ và quả xanh trên cành để tiết kiệm công thu hái khiến chất lượng cà phê bị sụt giảm.

Nhà nước và doanh nghiệp vào cuộc

Để gỡ khó khăn cho nông dân trồng cà phê, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ nông dân về vốn. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Thế giới vừa ký hiệp định tín dụng trị giá 59,8 triệu USD nhằm hỗ trợ nông nghiệp Việt Nam tăng tính cạnh tranh theo định hướng thị trường; hy vọng trong đó có nguồn hỗ trợ cho ngành cà phê ổn định. Trao đổi với ông Phạm Quang Vũ, Phó Giám đốc Công ty CP Vinacafe Biên Hòa cho biết: Hiện DN vẫn thu mua cà phê bình thường theo kế hoạch sản xuất và xuất khẩu, cà phê xô loại 1, giá 28 nghìn - 29 nghìn đồng/kg, bảo đảm đủ lượng hàng dự trữ và sản xuất khi giao vụ. Đồng thời khuyến cáo hộ trồng cà phê cần bình tĩnh không nên chặt bỏ cây cà phê khi rơi giá hoặc hái quả non ảnh hưởng đến chất lượng. Một số DN xuất khẩu nông sản cũng cho rằng, về lâu dài Nhà nước cần tiếp tục bơm vốn cho người đã trồng cà phê theo quy hoạch, chỉ nên hạn chế đối với những trường hợp trồng mới, để bảo đảm không xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt khi cà phê tăng giá và những diện tích cà phê cũ không bị vạ lây. Chính phủ khuyến khích những nông dân trồng cà phê thành lập các nhóm nhà sản xuất liên kết với doanh nghiệp bảo đảm sản xuất theo quy hoạch và kế hoạch, như vậy sẽ tránh được tình trạng rơi giá.




Nguồn: viet linh
Báo cáo phân tích thị trường