Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Truyền thông đưa tin về Hội thảo “Nông dân Việt Nam trong quá trình hội nhập”
20 | 12 | 2007
Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân là nhiệm vụ mang tính chiến lược đặc biệt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, lâu nay hầu hết các hội thảo đều tập trung vào nông nghiệp và nông thôn, chưa chú ý đến “nông dân”, chưa xem xét khía cạnh liên quan đến xã hội, văn hoá nông thôn. Vì vậy, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã phối hợp với báo Nông thôn ngày nay tổ chức Hội thảo “Nông dân Việt Nam trong quá trình hội nhập”.

Tham dự hội thảo có Đại diện từ Văn phòng kinh tế Trung ương Đảng, Bộ Chính trị - Ban tuyên giáo Trung ương Đảng, đại diện Bộ nông nghiệp và PTNT, các Bộ ngành liên quan, các tổ chức quốc tế, các Viện nghiên cứu, các cơ quan truyền thông và thông tin.

Báo điện tử Thông tấn xã Việt Nam đưa tin về hội thảo với tiêu đề “Giải quyết các vấn đề nan giải với nông dân”. Thông tấn xã Việt Nam đưa tin : Khác với các cuộc hội thảo trước đây thiên về những vấn đề nông nghiệp, nông thôn, hội thảo này tập trung chủ đề về nông dân, nhằm nêu rõ thực trạng thu nhập, nhu cầu chính sách nhằm cải thiện đời sống nông dân, khắc phục tình trạng phân hóa giàu nghèo đang diễn ra ngày càng sâu sắc trong nông dân cũng như giữa nông dân và các thành phần lao động khác trong xã hội. Hội thảo cũng bàn về vấn đề di dân từ nông thôn ra thành thị đang ngày càng nóng lên theo nhịp đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay.

Các chuyên gia của Viện Khoa học xã hội Việt Nam nhận định rằng, tuy Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng việc làm giàu từ nông nghiệp lại là một bài toán khó cho người nông dân. Bởi vậy, thoát ly khỏi ruộng đồng đi tìm kế sinh nhai ở nhiều đô thị, vùng miền khác là hiện tượng không mới mẻ đối với nông thôn Việt Nam. Dưới tác động của toàn cầu hóa, những khác biệt mức sống, chênh lệch trong thu nhập, cơ hội việc làm, sức ép sinh kế, tiếp cận dịch vụ xã hội giữa các khu vực, vùng miền là các nguyên nhân cơ bản tạo nên các dòng di cư trong và ngoài nước hiện nay.

Tiến sĩ Đặng Nguyên Anh chỉ ra rằng, không thể phủ nhận vai trò tích cực của di dân trong việc tăng thu nhập cho cá nhân và góp phần điều chỉnh lại sự chênh lệch về thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Bên cạnh đó, lao động ngoại tỉnh không thể coi là mối đe dọa thất nghiệp của người dân thành phố, trái lại họ đã trở thành nguồn nhân lực không thể thiếu trong thị trường dịch vụ đa dạng ở đô thị, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của các trung tâm đô thị và công nghiệp.

Khẳng định đây là xu hướng tất yếu trong xã hội thời kỳ hội nhập, các nhà khoa học cũng đã khuyến nghị nhiều chính sách để phát triển bền vững nông nghiệp, nâng cao cuộc sống người dân ở nông thôn để hạn chế dòng người di cư; đồng thời, giảm thiểu rủi ro thiệt thòi cho những người di cư ra thành phố.
TS Đặng Nguyên Anh - Viện Khoa học xã hội Việt Nam
TTXVN: http://www.vnanet.vn/TrangChu/VN/tabid/58/itemid/228251/Default.aspx
!!

“Chính quyền đô thị không nên "đóng cửa" với dân nhập cư” là tiêu đề bài viết về Hội thảo của Báo Vietnamnet. Số phận nông dân và bức tranh nông thôn Việt Nam sẽ ra sao trong vòng 10-20 năm tới, nhất là khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng? Nhiều nhà khoa học cho rằng, sự bất bình đẳng, phân hoá giàu nghèo gia tăng và làn sóng di cư khỏi nông thôn... là thực tế đang diễn ra mà Việt Nam vẫn loay hoay tìm hướng giải quyết.

Bất bình đẳng dịch chuyển bất lợi

Tại Hội thảo "Nông dân Việt Nam trong quá trình hội nhập", TS. Đỗ Thiên Kính, Trưởng phòng Nông thôn, Viện Xã hội học (Viện KH-XH Việt Nam), đưa ra hai nhận xét đáng lưu ý về bất bình đẳng đang diễn ra ở Việt Nam. Sự bất bình đẳng này lớn hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nếu căn cứ vào các chỉ số về bất bình đẳng cơ hội.

Chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn - thành thị lên tới trên 6,9 lần (2004) chứ không phải con số 3,5 lần như vẫn nhắc đến. "Bất bình đẳng tăng sẽ làm cho sự gắn kết xã hội yếu đi và chứa đựng những tiềm ẩn của xung đột xã hội", ông Kính cảnh báo.

Hơn nữa, ở Việt Nam đang diễn ra xu hướng dịch chuyển từ sự bất bình đẳng giữa nông thôn và đô thị (1993-1998) sang sự bất bình đẳng giữa người dân tộc thiểu số và người Kinh/Hoa (2004). Tức là, sự đói nghèo giờ chuyển sang vùng nông thôn miền núi và là nghèo đói của người dân tộc thiểu số.

Độ giãn giàu nghèo trên thực tế còn cao hơn nhiều nếu chúng ta tính đến tài sản của các bộ phận dân cư, mà nay mới chỉ dựa vào thu nhập. Ví như nông dân có mảnh đất 5-7ha nhưng không có quyền gì cả, trong khi người dân đô thị có quyền sở hữu nhà đất của mình - khối tài sản có giá trị.

Sự phân hoá còn thể hiện ở chỗ: người giàu rất dễ giàu thêm còn người nghèo lại nghèo càng nhanh. Thế của người nông dân rất bất lợi. Điều tra của Viện KH-XH Việt Nam cho thấy, 51% nông dân khi gặp khó khăn kêu cứu thì chỉ 1/3 trong số đó nhận được sự giúp đỡ. Trong quá trình hội nhập, nông dân sẽ ra sao khi thua thiệt đủ đường?

TS. Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (ISPARD), cho rằng, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng không hạn chế được khoảng cách này. Điển hình là thu nhập giữa nông thôn - thành thị ở ĐBSCL (vùng xuất khẩu gạo lớn nhất nước) không những chẳng tăng mà còn âm 9% (năm 2004 so với năm 2002). Quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá cũng chưa mang lại hiệu quả khi Bắc Ninh có nhiều KCN hơn, đô thị mạnh mẽ hơn nhưng số người nghèo vẫn đông hơn Nam Định - một tỉnh thuần nông.
TS. Vũ Trọng Bình - Viện IPSARD

Chính vì vậy, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng khuyến cáo, nông thôn Việt Nam tưởng như đang rất bình lặng, nhưng tiềm ẩn nguy cơ biến động lớn. Lao động nhàn rỗi ở nông thôn nhiều, bộ máy lãnh đạo cơ sở đánh mất niềm tin ở nhân dân. Dân chủ cơ sở ở nhiều nơi có biểu hiện rất đáng lo ngại. Gần một năm nay, Việt Nam cũng mới nghiên cứu tương đối dày công về nông thôn, còn nông dân với các vấn đề đang phải đối mặt thì chưa có nghiên cứu thấu đáo. Nếu trong quá trình CNH, HĐH đất nước, nông dân vẫn nghèo thì sự nghiệp này sẽ khó thành công.

Di dân là chiến lược sống?

Nguyên nhân chính dẫn tới việc di dân chính là sự khác biệt về mức sống giữa thành thị với nông thôn. Theo PGS.TS Đặng Nguyên Anh (Viện KH-XH Việt Nam), di dân đang đóng vai trò tích cực, được coi như là chiến lược sống của người dân nông thôn. Trên thực tế, 5 năm qua, cả nước có 486.500 người di cư, trong đó 57% di cư từ nông thôn ra thành thị. Riêng TP.HCM mỗi năm tiếp nhận thêm 240.000 người, còn Hà Nội tỷ lệ người nhập cư là 9-10% dân số.
Mất đất và sự gia tăng dân số buộc người nông dân phải kiếm kế sinh nhai ở đô thị. Di dân cũng đáp ứng nhu cầu lao động ở thành thị, đồng thời giúp “điều chỉnh” sự chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị thông qua khối lượng tiền, hàng chuyển về nông thôn.

Theo TS. Anh, tiền lao động của người đi làm ăn xa gửi về nhà ở nông thôn chiếm tới 60% thu nhập, rót thẳng vào nền kinh tế nông thôn. Đây cũng chính là nguồn để người dân thoát nghèo, không rơi vào ngưỡng nghèo. Nó như một nguồn an sinh xã hội với người ở lại nông thôn, kích cầu hàng hoá.

Tuy nhiên, TS. Đặng Nguyên Anh nhận xét, hệ thống pháp luật về cư trú vẫn là rào cản để người nông dân di cư hội nhập vào đô thị, chưa kể sự phân biệt đối xử về cung cấp dịch vụ giữa người đô thị và người nhập cư. Điều này dẫn tới tình trạng, người nghèo ở đô thị chính là nhóm người di cư từ nông thôn tới do chưa tiếp cận được hệ thống hiện nay và bị phân biệt đối xử. Toàn bộ sự quản lý của nhà nước đã gây khó khăn cho sự di cư, trong khi xu hướng này trong tương lai còn rất lớn.

TS. Nguyễn Quang A - Viện Nghiên cứu phát triển

TS. Nguyễn Quang A cho rằng, quá trình di cư 50 năm qua ở các nước phát triển cũng như vậy. Đối với Việt Nam, để trở thành một nước công nghiệp, dân số nông thôn làm nông nghiệp phải giảm xuống còn 10-15% (hiện vẫn là 70%). Do vậy, việc nông dân di cư ra thành phố là nhu cầu bức xúc nhưng... đương nhiên, không nên dùng chính sách ngăn cản. Di cư rất có lợi cho sự phát triển, xoá đói giảm nghèo.

Với nhiều người, ở thành thị có khổ, nhưng vẫn là “thiên đường” so với nông thôn. Nông dân có quyền tự chủ, quyết định cuộc sống của họ.

Ông Quang A kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách để di cư một cách suôn sẻ, êm thấm không tai biến động xã hội và bất công lớn. Thay vì nghĩ ra những chính sách ngăn cản di cư, các cơ quan chức năng nên có chính sách khuyến khích và cùng nông dân đô thị hóa nông thôn. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng di dân vào những đô thị cụ thể. Quan điểm này được nhiều đại biểu ủng hộ.

Nghiên cứu tại 8 tỉnh của ISPARD chỉ rõ, tỷ lệ dân di cư ra khỏi các địa phương lớn nhất là 40%. "Lao động nông thôn đi gần hết, nếu 10 năm nữa họ trở về đất không còn sẽ sống ra sao, trong khi chính quyền đô thị lại đóng cửa với họ?", TS. Vũ Trọng Bình đặt câu hỏi.

Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cũng đồng tình, không nên ngăn cản di dân, nhưng cần nhanh chóng đưa các KCN về nông thôn, dời đô thị về nông thôn, tạo việc làm tại chỗ. Việc xây dựng các thị tứ, thị xã ở nông thôn mới là rất cần thiết. Cơ cấu lao động lao động nông thôn theo tỷ lệ 30-40-30 là hợp lý, trong đó 30% làm nông nghiệp, 30% công nghiệp và 40% làm dịch vụ. Ngay trong ngành nông nghiệp cũng cần phải nghiên cứu xem xét, cơ cấu lại. Sản xuất nông nghiệp thì phải tích tụ ruộng đất, song chính sách hiện nay rõ ràng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ông Hùng tiết lộ, nếu không có gì thay đổi, Hội nghị TƯ 7 (khóa X) diễn ra vào 6/2008 sẽ bàn rất sâu và căn bản về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bộ NN-PTNT cũng sẽ tổ chức các hội thảo lớn cấp vùng, với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, quản lý vĩ mô, các nhà khoa học nước ngoài am hiểu về Việt Nam để bàn về vấn đề "tam nông" này.
Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng

http://vietnamnet.vn/kinhte/2007/12/760213/
!!

Báo điện tử Đảng Cộng Sản viết về Hội thảo với tiêu đề “Nông dân Việt Nam trong quá trình hội nhập: Một câu hỏi lớn đang đặt ra” . Việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách nhiều vấn đề ở khu vực nông nghiệp và nông thôn cần phải giải quyết. Vào WTO của chúng ta là để phát triển, hội nhập, hoàn thiện và tự khẳng định chính mình. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn 70% là nông dân sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, vấn đề cốt lõi nhất là làm sao khi gia nhập WTO, chúng ta phải giúp cho bằng được 70% nông dân Việt Nam khá lên. Trong quá trình xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, cơ sở hạ tầng, mỗi năm cả nước có gần 200.000 ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng, tương ứng mỗi hộ có khoảng 1,5 lao động mất việc làm. Làm thế nào để tạo việc làm cho nông dân là vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra bàn thảo. Giải pháp được đưa ra đó là tập trung đào tạo nghề cho lực lượng trẻ. và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó một giải pháp đang được nhiều nơi triển khai là xuất khẩu lao động. hỗ trợ học phí cho người học nghề, học giáo dục định hướng để đi lao động ở nước ngoài.

Đối với nguời nông dân, đất canh tác là tư liệu quan trọng nhất, do đó việc thu hồi đất nông nghiệp để phát triển đô thị, KCN, giao thông...đồng nghĩa với việc nguời nông dân bị mất tư liệu sản xuất và hậu quả là nạn thất nghiệp gia tăng, tệ nạn xã hội phát triển...đặc biệt bức xúc ở khu vực ven đô các thành phố lớn gây ra những bất ổn tiềm tàng nếu không có giải pháp kịp thời sẽ gây ra những hậu quả khôn luờng về an ninh và trật tự xã hội.

Việt Nam là một xã hội nông nghiệp sản xuất lúa gạo. Song làm giàu từ nông nghiệp, đi lên từ nông thôn từ lâu đã là một bài toán khó cho người nông dân, thậm chí quá khó đến gần như nan giải. Thoát ly khỏi ruộng đồng, đi tìm kế sinh nhai là không phải là hiện tượng mới mẻ đối với nông thôn Việt Nam. Số liệu điều tra mới nhất năm 2006 cho thấy trong tống số 486.500 người di cư giai đoạn 5 năm trước cuộc điều tra, số người đến khu vực thành thị chiếm 57%, tiếp đến là luồng di cư nông thôn 30%. Luồng di cư yếu nhất là di cư thành thị - nông thôn 13%. ở khu vực nông thôn, nữ giới chiếm tỷ trong cao hơn nam giới ở cả hai luồng di cư nông thôn-thành thị 21% so với 18% và nông thôn-nông thôn 16% so với 14%. Điều này chủ yếu do sự phát triển của thị trường lao động tại các thành phố/khu đô thị đã thu hút một lực lượng lớn lao động từ nông thôn ra thành thị.

Mức tăng trưởng nhanh và đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong những năm qua đã thu hút khá hiệu quả lực lượng lao động nhập cư. Hôm nay ở bất cứ địa phương nào cũng đều có người di cư, nhà nhà ra đi, ngưòi người ra đi với những lý do khác nhau, tất cả đều mong muốn có được cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình và bản thân.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế, cũng chỉ ra rằng nếu như nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản nhỏ lẻ, sản xuất manh nhúm chưa có động thái nào chuẩn bị để hội nhập thì yếu tố rủi ro xảy ra là rất cao, trong đó nhiều nông dân sẽ “chết” do không đủ sức cạnh tranh. Vì vậy, việc hỗ trợ, phổ biến thông tin cho nông dân Việt Nam cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng là cần thiết hơn bao giờ hết, nhất là nông dân ở vùng sâu, miền núi, hải đảo.

http://www.cpv.org.vn/tiengviet/thoisu/details.aspx?topic=1&subtopic=104&leader_topic=174&id=BT18120775517
!!

Báo điện tử Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng đưa tin về hội thảo với nội dung : Hội thảo tập trung vào phân tích những vấn đề liên quan đến đời sống, sinh kế, cơ hội phát triển của người nông dân và sự phát triển của nông thôn Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Hội thảo cũng nhằm mục tiêu lấy ý kiến của các nhà hoạch định chính sách, quản lý vĩ mô, các nhà khoa học về vấn đề "Tam nông", phục vụ cho việc xây dựng đề án liên quan đến vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tại hội thảo này, nhiều nhà khoa học cho rằng, vấn đề nổi cộm ở nông thôn nước ta hiện nay là sự bất bình đẳng, phân hoá giàu nghèo gia tăng và làn sóng di cư khỏi nông thôn. TS. Đỗ Thiên Kính - Trưởng phòng Nông thôn - Viện Xã hội học (Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam) cho biết, nếu căn cứ vào các chỉ số về bất bình đẳng cơ hội, sự bất bình đẳng ở khu vực nông thôn nước ta hiện nay lớn hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn - thành thị lên tới trên 6,9 lần (năm 2004). Sự phân hoá còn thể hiện ở chỗ, người giàu rất dễ giàu thêm còn người nghèo lại nghèo càng nhanh. Điều tra của Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam cho thấy, 51% nông dân khi gặp khó khăn cần trợ giúp thì chỉ 1/3 trong số đó nhận được sự giúp đỡ. TS. Đỗ Thiên Kính cho rằng, trong quá trình hội nhập nông dân thua thiệt đủ đường và đây là nguyên nhân làm cho sự gắn kết xã hội yếu đi và chứa đựng những tiềm ẩn của xung đột xã hội.


Cùng quan điểm này, TS. Vũ Trọng Bình - Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (ISPARD) cũng cho rằng, mặc dù xuất khẩu rất nhiều nông sản nhưng khoảng cách thu nhập giữa nông thôn - thành thị ở đồng bằng sông Cửu Long - vùng xuất khẩu gạo lớn nhất nước - không những không tăng mà còn âm 9% (năm 2004 so với năm 2002).

Theo PGS-TS. Đặng Nguyên Anh (Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam), trước thực tế đó, di dân đang đóng vai trò tích cực và được coi như là chiến lược sống của người dân nông thôn ở nhiều vùng hiện nay. 5 năm qua, cả nước có 486.500 người di cư, trong đó 57% di cư từ nông thôn ra thành thị. Tiền lao động của người đi làm ăn xa gửi về nhà ở nông thôn chiếm tới 60% thu nhập và rót thẳng vào nền kinh tế nông thôn. Đây cũng chính là nguồn để người dân thoát nghèo. Tuy nhiên, TS. Đặng Nguyên Anh cho rằng, hệ thống pháp luật về cư trú đang là rào cản để người nông dân di cư hội nhập vào đô thị.

TS. Đỗ Thiên Kính - Viện xã hội học

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng cho rằng, hiện nay, nông dân vẫn chiếm trên 70% dân số cả nước. Nếu trong quá trình CNH - HĐH đất nước, nông dân vẫn nghèo thì sự nghiệp này sẽ khó thành công. Nông thôn Việt Nam hiện tiềm ẩn nguy cơ biến động lớn, trong đó lao động nhàn rỗi ở nông thôn nhiều, bộ máy lãnh đạo cơ sở đánh mất niềm tin ở nhân dân, dân chủ cơ sở ở nhiều nơi có biểu hiện đáng lo ngại. Mặc dù, thời gian gần đây, chúng ta đã có nhiều nghiên cứu dày công về nông thôn. Tuy nhiên, các vấn đề về nông dân, đặc biệt là các vấn đề người nông dân Việt Nam phải đối mặt trong quá trình hội nhập thì chưa có những nghiên cứu thấu đáo./.

http://www.agroviet.gov.vn/portal/page?_pageid=35,280791&_dad=portal&_schema=PORTAL&pers_id=280681&item_id=798495&p_details=1

Liên hệ với người đăng tin: Trần Lan Phương, e-mail: tranlanphuong@agro.gov.vn



Lan Phương tổng hợp
Báo cáo phân tích thị trường