Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang tác động đến Việt Nam, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do khả năng đề kháng không cao.
Miễn, giảm thuế: DN cần tận dụng
Theo tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNVVN, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia, những chính sách về thuế đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế. Giảm nhẹ gánh nặng về thuế cho DN và những chính sách ưu đãi về thuế trong thời điểm khó khăn này sẽ ngăn chặn suy giảm của nền kinh tế.
Ngay cả thuế giá trị gia tăng (GTGT) là thuế gián thu, thông qua DN để thu của người tiêu dùng nhưng xét cho cùng, số thuế đó cũng tác động tới khả năng tăng trưởng của DN vì nếu thuế GTGT giảm sẽ khuyến khích được khách hàng tiêu dùng nhiều hơn, đem lại nhiều doanh thu cho DN, kích thích kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Huyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thì rất nhiều DN, đặc biệt là DNVVN lại không nắm rõ các chính sách thuế, nên không những tự gây khó khăn, thiệt thòi cho DN mình, mà còn gây khó khăn cho cả ngành thuế.
Đơn cử, một DN về xăng dầu, được miễn nộp thuế VAT cho một lần nhập khẩu xăng dầu gần 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, do kế toán quên kê khai chứng từ nhập khẩu để được khấu trừ thuế.
Hết thời hạn kê khai theo quy định, DN này mới phát hiện ra và đề nghị cơ quan thuế khấu trừ tiền thuế đã nộp thì quá muộn. Một DN khác về hàng hải, phải nộp thuế VAT lên đến 20 tỉ đồng khi mua tàu cũng quên không kê khai để được khấu trừ thuế...
"DN cần phải nắm rõ về thuế, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, tra cứu cụ thể các danh mục để tránh mất quyền lợi của bản thân. Chính các DN phải có sự kiểm soát chặt chẽ về thuế", ông Huyến nói.
Những chính sách tập trung cho kích cầu đang được triển khai như hỗ trợ 4% lãi suất, giảm, dãn thuế thu nhập DN được kỳ vọng sẽ làm giảm gánh nặng cho DN nói chung và DNVVN nói riêng. Tuy nhiên, cũng có những phản hồi chính sách cho rằng việc giảm, dãn thuế thu nhập DN không nhiều tác dụng trong trường hợp DN đang thua lỗ. Đây là nhóm DN đang gặp khó khăn nhất nhưng lại thiếu các chính sách hỗ trợ cần thiết.
Khơi thông dòng tín dụng
Một điều tra của Hiệp hội DNVVN Hà Nội cho thấy huy động vốn là vấn đề khó khăn nhất của DN, sau đó mới tới vấn đề nhân sự. Đặc điểm của các DNVVN là khả năng tài chính yếu trong khi cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng NH chưa cao. Nguyên nhân chính vẫn là do năng lực quản lý kém, chưa chuẩn bị được các dự án khả thi, không được tín chấp.
Đa số các DN vay được vốn chủ yếu là dựa vào tài sản thế chấp. DN thường coi NH chỉ là chỗ vay tiền và chỉ tiếp cận khi cần vốn. Do đó mối quan hệ giữa DN và NH thiếu chặt chẽ. Ngược lại, các NH hiện vẫn thiếu hệ thống đánh giá đầy đủ, chính xác về đối tượng DN này.
Cái vòng luẩn quẩn này càng khiến khó khăn về vốn của DNVVN khó tháo gỡ? Mặc dù vẫn đánh giá nhóm DNVVN là khách hàng tiềm năng, sẵn sàng cung cấp vốn cho các DNVVN nhưng các NH vẫn phải đảm bảo tính an toàn trong hoạt động tín dụng.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, TGĐ LienVietBank cho biết, NH muốn nhắm tới đối tượng DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên đầu tư như kinh doanh xăng dầu, vật liệu xây dựng, thu mua chế biến xuất khẩu hàng nông thủy sản, dịch vụ vật tư nông nghiệp, bảo vệ thực vật, thủy điện, kinh doanh phương tiện vận tải. Lãi suất cho vay đối với các DNVVN thuộc các ngành nghề này sẽ là thấp nhất.
Đối với DN khi tiếp cận NH, nỗi lo về thủ tục nhiêu khê, phức tạp là rào cản lớn nhất. Ngược lại, đối với NH, DNVVN thiếu các kỹ năng trong việc thuyết phục NH cho vay vốn. Ông Hưởng cho biết, thời gian qua, điều mà các khách hàng (trong đó có DNVVN) vay vốn thấy khó khăn nhất là lập phương án kinh doanh đảm bảo có hiệu quả đối với các dự án tiền khả thi vì thủ tục này tuy là bắt buộc nhưng còn hình thức và có những yêu cầu DN cảm thấy khó khăn... Đây là điều các NH cần chung tay tháo gỡ cho DN.