Bị phỗng tay trên
Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thị trường Việt Nam ngày càng sôi động, các doanh nghiệp theo đó cũng bứt phá, phát triển. Nhiều thương hiệu mới ra đời, nổi tiếng với sản phẩm riêng biệt. Nhưng cũng không lâu sau đó, hàng loạt công ty nước ngoài đã xúc tiến quảng bá sản phẩm của họ và tấn công cả thương hiệu Việt bằng cách khai thác và lợi dụng các thương hiệu có tiếng tăm của Việt Nam.
Cà phê Buôn Ma Thuột là một minh chứng. Một công ty Trung Quốc với tên gọi “Công ty TNHH Cà phê Quảng Châu - Buôn Ma Thuột” đã đăng ký và được cấp bảo hộ trong thời hạn 10 năm cho 2 nhãn hiệu "Cà phê Buôn Ma Thuột" và "Buôn Ma Thuột cà phê 1896".
Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam mất thị trường Trung Quốc, bởi khó lòng mang cà phê có chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột (Việt Nam) vào đây.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phân tích: Về nguyên tắc chung, nhãn hiệu ai đăng đăng ký trước thì được, song có nước quy định chỉ được chấp thuận với điều kiện doanh nghiệp có sử dụng, ở một mức độ nào đó về nhãn hiệu đó hoặc dịch vụ của nhãn hiệu đó. Nếu mình chứng minh họ sử dụng nhãn hiệu này thì có thể kiện họ hủy đăng ký.
Trước nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột đã có không ít nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam đã bị mất theo cách như vậy. Như nhãn hiệu thuốc lá Vinataba bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ ở Campuchia và Lào, nhãn hiệu bia và nước giải khát Sabeco bị mất tại Pháp, nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc từng bị mất ở châu Âu… Rồi những câu chuyện tranh chấp nhãn hiệu của võng xếp Duy Lợi, kẹo dừa Bến Tre... vẫn chưa “nguội”.
Không chỉ đánh mất thương hiệu vì những lý do khách quan, nhiều sản phẩm nông sản Việt đang tự đánh mất chính mình mà dẫn chứng gần đây nhất là từ sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên. Thực trạng nhãn Thái Lan được "dung túng" ngay tại thủ phủ của nhãn Hưng Yên khiến những chuyên gia làm thương hiệu không khỏi lo lắng. TS Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam cho biết: Việc mất thương hiệu thì mấu chốt vẫn nằm ở ý thức tạo dựng và bảo vệ nhãn hiệu không cao của người dân và doanh nghiệp.
Đừng để nước đến chân...
TS Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam: “Coi chừng trâu chậm uống nước đục”!
Sau “bài học” thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị xâm hại, chúng ta cần thấy rằng việc đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu đối với các mặt hàng nông sản là điều hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, làm được điều này hay không cần phải có bàn tay nhạc trưởng là Nhà nước chứ nhà nông khó có thể tự làm. Nếu để cảnh “trâu chậm uống nước đục” xảy ra đối với những thương hiệu nông sản nổi tiếng của Việt Nam sẽ là điều hết sức đáng tiếc”.
Thương hiệu thể hiện qua nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và xuất xứ hàng hoá… Thương hiệu tạo ra giá trị, mở ra triển vọng lợi nhuận, lợi thế, tạo uy tín cho sản phẩm, thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hoá và là vũ khí trong cạnh tranh.
Ông Văn Hiển - Giám đốc Công ty Thủy sản Phước Đạt (Bạc Liêu), nhận định: Người tiêu dùng ấn tượng, trung thành và tin tưởng sản phẩm có thương hiệu. Còn doanh nghiệp thuận lợi hợn khi mở rộng thị trường, thu hút khách hàng và đứng vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Nhờ quan tâm thương hiệu, hàng loạt các thương hiệu Việt lên ngôi và bao trùm sản phẩm trong nội địa, khu vực và bán rộng rãi trên thế giới, như Kinh Đô, Vinamilk, Vissan...
Vì vậy, nếu chúng ta không chú ý xây dựng thương hiệu, thì mai này rất nhiều thương hiệu hàng nông sản, như vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi; nhãn lồng Hưng Yên... rất có thể sẽ bị xâm hại.
Chuyên gia Phạm Giang Nam (Trường Đại học Bạc Liêu), đề xuất: Nhà nước, nhất là ngành khoa học, công nghệ cần khẩn trương hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Việt cho sản phẩm của mình. Tổ chức huấn thị nâng cao nhận thức về xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, cộng đồng, sớm xây dựng và bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý dành cho sản phẩm.
Trao đổi với NTNN, một số chuyên gia trong lĩnh vực thương hiệu cho rằng: Việt Nam cần xác định được ưu thế của những nông sản mũi nhọn ở từng khu vực, theo từng nhóm hàng hóa để xây dựng thương hiệu nhằm phát huy thế mạnh và tạo sự độc quyền trên thị trường quốc tế.
Theo Dân Việt