Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vụ mất chỉ dẫn cà phê BMT: Cơ quan chức năng Trung Quốc đã cấp sai
23 | 09 | 2011
UBND tỉnh Đắk Lắk đứng ra yêu cầu hủy nhãn hiệu. Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cũng có thể yêu cầu hủy.

Trong vụ doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký nhãn hiệu Buôn Ma Thuột, luật sư Lê Quang Vinh (Công ty Luật Bross & Partner) là người đầu tiên cung cấp thông tin về việc này. Ông Vinh cho biết nếu đàm phán mua lại để doanh nghiệp bên Trung Quốc “chuyển nhượng” nhãn hiệu cho phía Việt Nam thì sẽ gây cảm giác mất vị thế. Còn luật sư Nguyễn Thanh Long, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh, cho rằng chi phí để yêu cầu cơ quan chức năng Trung Quốc hủy nhãn hiệu này nhiều khi còn cao hơn chi phí thương lượng mua lại nhãn hiệu.

Địa danh Buôn Ma Thuột có danh tiếng tại VN

Theo luật sư Vinh, chúng ta có các căn cứ pháp lý vững chắc để yêu cầu hủy nhãn hiệu này, vì vậy nên làm thủ tục yêu cầu hủy. Sau khi hủy nhãn hiệu của doanh nghiệp Trung Quốc thì chúng ta có quyền đăng ký nhãn hiệu này.

Luật sư Vinh cho biết có hai căn cứ pháp lý chính. Theo Điều 10 Luật Sở hữu trí tuệ Trung Quốc, không được đăng ký nhãn hiệu trùng với tên địa danh đã được biết đến rộng rãi. Buôn Ma Thuột là địa danh. Địa danh này được công nhận là chỉ dẫn địa lý của Việt Nam, tức là đã có danh tiếng tại Việt Nam rồi. Buôn Ma Thuột lại chiếm đến 50% sản lượng cà phê xuất khẩu. Do đó, doanh nghiệp mua cà phê nhân Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc, có biết đến địa danh này.

Ngoài ra, theo Điều 16 Luật Sở hữu trí tuệ Trung Quốc, nhãn hiệu không được chứa chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về xuất xứ của sản phẩm. Nếu ghi “Buôn Ma Thuột” mà thực tế sản phẩm không có nguồn gốc từ Buôn Ma Thuột là gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, có tính gian lận thương mại.

Luật sư Nguyễn Thanh Long, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh, cũng cho biết các nước và quốc tế đều có hai nguyên tắc trên. Nhãn hiệu không được trùng với địa danh. Tuy nhiên, cơ quan cấp giấy, người xét nghiệm đơn có thể không biết hết các địa danh trên thế giới nên cứ cấp cho người đăng ký. Giấy có thể bị hủy nếu có người yêu cầu hủy.

Ai đi đòi?

Theo ông Vinh, quy định của Trung Quốc cũng như quy định chung của quốc tế, bất cứ ai thấy quyền và lợi ích bị xâm phạm thì đều có thể yêu cầu hủy nhãn hiệu. Trong trường hợp cà phê “Buôn Ma Thuột”, tốt nhất là UBND tỉnh Đắk Lắk đứng ra yêu cầu hủy. Bởi lẽ, đây là đơn vị được giao quản lý chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột (thường là sở Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh hoặc UBND cấp tỉnh quản lý, còn Nhà nước là chủ sở hữu). Ngoài ra, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cũng có thể yêu cầu hủy, vì đây là đơn vị được giao quyền khai thác chỉ dẫn địa lý này, có lợi ích kinh tế thiết thực.

Về thủ tục đòi, ông Vinh cho biết Trung Quốc chia làm ba dạng hủy nhãn hiệu. Nếu hủy do không sử dụng hay do khai báo gian dối thì cơ quan cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu sẽ giải quyết. Tuy nhiên, trong trường hợp cà phê Buôn Ma Thuột lại có yếu tố tranh chấp nên sẽ đưa ra cơ quan khác là Ban Giải quyết các tranh chấp về nhãn hiệu (thuộc Bộ Thương mại của Trung Quốc) để giải quyết.

Thông thường, sau khi cơ quan giải quyết ra quyết định, nếu bên nào không đồng ý với quyết định này thì có thể khiếu nại tiếp lên cơ quan cấp trên. Nếu không thì có thể kiện ra tòa hành chính nơi cơ quan này đặt trụ sở.

Ông Vinh cho rằng chi phí làm thủ tục yêu cầu hủy chỉ khoảng 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng). Chi phí này không phải là lớn đối với Hiệp hội Cà phê.

Mua lại nhanh hơn đi đòi

 

1,1 triệu tấn cà phê xuất khẩu trong năm 2010. Trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc là 10.000 tấn, chiếm 9% lượng xuất khẩu toàn thế giới. Dự kiến năm 2011 VN sẽ xuất khẩu 1,2 triệu tấn, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm 10.000 tấn, chiếm 8% thị trường thế giới.

Luật sư Nguyễn Thanh Long cho biết thủ tục yêu cầu hủy nhãn hiệu ở các nước gần giống nhau, đều phải qua luật sư ở nước sở tại chứ không chấp nhận luật sư nước ngoài. Yêu cầu hủy nhãn hiệu đăng ký ở Trung Quốc thì phải thuê luật sư ở Trung Quốc. Luật sư các nước đều tính phí theo giờ, tùy vụ việc phức tạp hay đơn giản, cần nghiên cứu, trao đổi nhiều thời gian thì mức phí càng cao. Từ đó mà chi phí khiếu nại, kiện tụng, yêu cầu hủy nhãn hiệu ở nước ngoài khá tốn kém. Theo thủ tục thông thường thì mất hai năm.

Vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến việc hủy nhãn hiệu là cơ hội kinh doanh có thể bị đình trệ. Doanh nghiệp muốn đưa hàng vào thị trường nhưng nhãn hiệu thì đã bị bên kia độc quyền, sinh ra rắc rối. Do đó, vì nhu cầu kinh doanh, doanh nghiệp thường chịu phương án thương lượng mua lại nhãn hiệu mà bên kia “chiếm” trước.

Ông Long cho biết gần đây một số doanh nghiệp bị chiếm nhãn hiệu ở thị trường nước ngoài như Úc, Czech, Mỹ… hầu hết là rơi vào tay đối tác kinh doanh. Ví dụ một nhãn hiệu bia bị đăng ký ở Mỹ, bên đăng ký thương lượng sẽ “nhượng” lại với giá 50.000 USD, tính ra là “rẻ, khỏe” hơn đi yêu cầu hủy, khiếu nại, kiện tụng. Trường hợp nhãn hiệu Vif… bị đăng ký trước ở Úc, người đăng ký là đại lý của Vif… Từ khi bắt đầu hợp tác kinh doanh thì đại lý này đi đăng ký nhãn hiệu. Về sau, Vif… muốn chuyển sang hợp tác với một doanh nghiệp khác để làm đại lý thì đại lý này phản ứng.

Vì vậy, doanh nghiệp phải tính toán thị trường của mình, nếu nhắm đến thị trường nào thì nên đăng ký trước nhãn hiệu ở thị trường đó, tránh trường hợp bị người khác, doanh nghiệp khác, đối tác đăng ký rồi phải thương lượng mua lại.

Theo Pháp luật TP.HCM



Báo cáo phân tích thị trường