Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những “căn bệnh” trầm kha của cà phê Việt
22 | 09 | 2011
Bên cạnh sự bất lợi về đồng vốn, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê của VN còn yếu kém về trình độ quản lý, nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, thậm chí còn triệt tiêu lẫn nhau bằng mọi giá...

Đây là những “căn bệnh” trầm kha khiến lĩnh vực xuất khẩu cà phê của VN tụt dốc thảm hại trong vài năm gần đây.

Thu hẹp hoạt động

Trong 153 DN tham gia xuất khẩu cà phê của VN hiện nay, chỉ có 20 DN kinh doanh ổn định, xuất khẩu được lượng hàng tương đối lớn, còn phần lớn chỉ hoạt động cầm chừng với quy mô nhỏ lẻ. Từ năm 2008 đến nay, thị trường cà phê VN lại chứng kiến sự thua lỗ, đổ vỡ của hàng loạt DN trong nước.

Nếu như 10 năm trước, thủ phủ cà phê Đăk Lăk có hàng chục DN xuất khẩu cà phê danh nổi như cồn, nay chỉ còn lại hai “ông lớn” là Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu cà phê 2.9 Đăk Lăk (Simexco Đăk Lăk), Công ty CP Đầu tư xuất khập khẩu cà phê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột) và một vài DN nhỏ mua đứt bán đoạn.

Ngay cả Simexco Đăk Lăk - “đại gia” xuất khẩu 10% tổng sản lượng cà phê của VN cũng đang có dấu hiệu thu hẹp quy mô hoạt động. Từ 33 trạm thu mua rải khắp Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, nay mạng lưới thu mua của Simexco Đăk Lăk chỉ còn 6 trạm tại những vùng nguyên liệu trọng điểm.

Nếu như trước đây, DN này sẵn sàng ứng trước hàng trăm tỷ đồng cho các đại lý, nay Simexco Đăk Lăk chỉ giao tiền khi hàng đã vào kho. Một lãnh đạo Simexco Đăk Lăk cho hay, DN thường xuất khẩu 90.000 - 100.000 tấn/năm, nhưng niên vụ này chỉ làm khoảng 50.000 - 60.000 tấn. Tại Đăk Nông, các DN xuất khẩu cà phê hàng đầu đang làm thủ tục phá sản như Công ty Thương mại - Du lịch tỉnh, hoặc tồn tại ngắc ngoải như Công ty Cà phê Đức Lập.

Thiếu vốn, non kém nghiệp vụ

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN (Vicofa), có nhiều “căn bệnh” đã và đang làm yếu DN xuất khẩu cà phê VN, nhưng trước hết phải kể đến tình trạng “đói” vốn. Cũng vì thiếu vốn, các DN thường phải bán sản phẩm ồ ạt ngay từ đầu vụ để kịp trả nợ hoặc quay vòng vốn cho nhanh.

Trong khi nhu cầu của thị trường thế giới chỉ khoảng 80.000 - 100.000 tấn cà phê robusta/tháng thì DN Việt lại bán đến 200.000 tấn mỗi tháng. Đây là cơ hội lý tưởng để 12 nhà nhập khẩu và 8 nhà rang xay lớn trên thế giới tha hồ ép giá.

Điều này dẫn đến nghịch lý: VN đứng đầu thế giới về sản lượng, đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu cà phê robusta nhưng khả năng điều tiết, chi phối thị trường lại nằm trong tay các nhà đầu cơ nước ngoài.

Ông Đỗ Quyết - Phó Giám đốc Simexco Đăk Lăk - cho biết: “Giải pháp tốt nhất để chống ép giá là tạm trữ, VN cũng làm rồi nhưng không hiệu quả. Bởi vì mình tạm trữ thì DN nước ngoài cũng tạm trữ. Muốn có hiệu quả phải trữ cà phê cả vụ, hoặc ít nhất cũng 9 - 10 tháng chứ tạm trữ 3 - 6 tháng thì ăn thua gì. Nhưng tạm trữ cũng rủi ro lắm, cơ chế hiện nay chưa đủ khuyến khích các DN trong nước mạnh dạn tham gia”.

Theo ông Quyết, ngoài cấp bù lãi suất, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho DN một phần thiệt hại trong trường hợp tạm trữ bị thua lỗ, vì đây là chiến lược quốc gia chứ không phải vì quyền lợi của một vài DN”.

Ngoài chính sách tạm trữ chưa hiệu quả, lâu nay DN xuất khẩu cà phê trong nước vẫn thường kêu ca lãi suất tín dụng quá cao, không dễ tiếp cận nguồn vốn. Trước thềm mỗi niên vụ, UBND các tỉnh Tây Nguyên đều có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đề nghị hỗ trợ vốn cho DN xuất khẩu cà phê, song khả năng đáp ứng vẫn hạn chế. Vốn ít, phải quay vòng nhanh, DN xuất khẩu cà phê càng thêm bị động.

Về phương thức mua bán, DN Việt thường chấp nhận nguyên tắc trừ lùi, ký hợp đồng tương lai để có thời gian huy động vốn gom hàng. Khi giá cà phê tại các thị trường kỳ hạn giảm liên tục hoặc lên xuống thất thường là lỗ ngay, không được cấp tín dụng để gỡ lại.

Theo Vicofa, hàng loạt DN VN đổ vỡ trong năm 2009 chủ yếu do mù thông tin, non kém nghiệp vụ kinh doanh khi tham gia vào thị trường kỳ hạn, để mặc cho các cơ quan đại diện hoặc công ty môi giới dẫn dắt, từ đó bị chi phối hoàn toàn về giá cả.

Triệt tiêu lẫn nhau

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Toàn Thắng - Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại, Sở KHĐT Đăk Lăk cho biết: “Các DN trong nước kêu ca nhiều lắm, nhưng tôi nghĩ trước hết họ phải tự nhìn lại mình. Chính bộ máy quá cồng kềnh, nhân sự thiếu năng động, thu nhập cào bằng, nhiều chi phí không cần thiết... là những lực cản ngay trong bản thân họ”.

Còn ông Phan Trọng Hiền - Giám đốc Nhà máy Chế biến cà phê, chi nhánh Olam Đăk Lăk - nói: “Tỷ suất lợi nhuận trong kinh doanh cà phê thường rất thấp, chỉ khoảng 0,04 - 0,05% trên tiền vốn nên nếu không tiết giảm chi phí, không quản lý chặt chẽ là thua lỗ ngay. Chúng tôi có nhân viên ngay tại Sàn giao dịch Nyse Liffe London để nắm bắt thị trường một cách nhanh nhất, trong khi đó VN chủ yếu bán hàng qua trung gian nên dễ bị thao túng”.

Trong 153 DN tham gia xuất khẩu cà phê của VN hiện nay, chỉ có 20 DN kinh doanh ổn định, xuất khẩu được lượng hàng tương đối lớn, còn phần lớn chỉ hoạt động cầm chừng với quy mô nhỏ lẻ.

Số lượng bạn hàng quốc tế có hạn, trong khi có quá nhiều DN xuất khẩu cà phê nên khó tránh nạn tranh mua, tranh bán. Thạc sĩ Đào Trung Kiên (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) nói: “VN có Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Hiệp hội Cà phê - Ca cao nhưng tính đồng thuận khi đàm phán giá cả của các thành viên hiệp hội với đối tác nước ngoài chưa cao. Câu chuyện hai nhà xuất khẩu của VN đồng thuận chốt cùng mức giá khi đàm phán với nhà buôn quốc tế trên bàn họp, nhưng về đến công ty họ sẵn sàng chào giá thấp hơn để bán hàng cho nhanh là rất phổ biến”.

Một tình trạng phổ biến là khi người nông dân cần bán thì DN trong nước chưa có hợp đồng xuất khẩu hoặc thiếu vốn, đến lúc cần mua thì không ai bán cho. Từ đó mối quan hệ giữa các DN xuất khẩu và người trồng cà phê ngày một lỏng lẻo, thị trường nguyên liệu trong nước hỗn loạn, tạo cơ hội cho DN nước ngoài đục nước.

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường