Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thừa cà phê nhưng cơ hội không thiếu
19 | 09 | 2011
Trong thời gian qua, sản lượng cà phê chỉ là yếu tố thứ yếu trong việc “làm giá” (pricing) trên thị trường. Tồn kho đã trở thành vai trò quan trọng để điều khiển giá. Thế nhưng, tồn kho robusta đang được lực lượng đầu cơ, các nước tiêu thụ và bên phía nhập khẩu nắm giữ phần nhiều.

 

Tồn kho robusta, một bí ẩn

Ba khu vực tiêu thụ cà phê lớn của thế giới là Mỹ, EU và Nhật nắm hầu hết lượng tồn kho cà phê hiện nay, trong đó hàng của Brazil và Việt Nam chiếm 70% và Colombia chiếm 25%, số còn lại của các nước sản xuất cà phê nhỏ khác. Có thể nói rằng sản lượng cà phê thế giới lớn, sức bán ra vì thế sẽ mạnh, lượng tồn kho càng có điều kiện tăng nghiêng về phía các nước tiêu thụ trong điều kiện giá bị ép, rẻ.

Tồn kho cà phê tại Mỹ theo GCA (tác giả tổng hợp)

 

Tại Mỹ, báo cáo tồn kho của Hiệp hội Cà phê nhân (Green Coffee Association-GCA) ra hàng tháng là rất quan trọng, nó ảnh hưởng khá lớn đến TTKH arabica Ice New York. Một điều đáng ngạc nhiên, giá từ năm ngoái đến năm nay tăng rất mạnh, nhưng hình như không phải do dao động của lượng tồn kho.

Nếu từ đỉnh cao tháng 5/2003 với 6,5 triệu bao, đến báo cáo mới nhất tính đến hết tháng 7/2011 là 4,8 triệu bao, chênh lệch không lớn và mức 4,8 triệu bao được xem là khá quân bình (xin xem biểu đồ phía trên).

Thời gian gần đây, có một số nhà phân tích cho rằng tồn kho GCA chưa phải là quyết định giá cho arabica Ice mà là lượng tồn kho được xác chất lượng của Ice (Ice certs). Có phần đúng! Vì, nếu như tồn kho “Ice certs” có đỉnh vào tháng 10/2008 với 4,6 triệu bao, thì nay chỉ còn trên 1,4 triệu bao.

Hàng tồn kho Ice certs là hàng cà phê arabica chế biến ướt, rất khó đạt chất lượng, thường hàng arabica chế biến ướt Colombia mới mong có điều kiện được chấp nhận. Thế nhưng, cùng thời điểm đỉnh cao của hàng tồn kho ấy, tổng lượng tồn kho GCA của tháng 10/2008 cũng chỉ đạt 5,4 triệu bao. Lượng tồn kho này giảm, được hiểu rằng sau 3 năm liên tục mất mùa tại Colombia, hàng “Ice certs” giảm và đang ở mức đáy.

Theo dự báo, niên vụ 2011/12, Colombia sẽ trụ lên lại mức 10,5 triệu bao, tăng 1 triệu bao so với vụ này. Đến đây, ta cũng có nhận định rằng tuy lượng tồn kho đạt chất lượng Ice arabica giảm, tồn kho GCA nói chung vẫn ít suy suyễn so với đỉnh của nó tại tháng 5/2003 (6,4 so với 4,8 triệu bao). Nếu xét về cung-cầu, tồn kho xuống mức này chưa phải là mức đáng báo động.

Tồn kho robusta có chứng nhận chất lượng [Liffe certs](tác giả tổng hợp)

Trong khi nó, lượng tồn kho robusta đang là mối nguy cho giá theo từng giai đoạn. Có nghĩa là khi người nắm hàng thắt, thì giá tăng khi họ thả thì giá giảm. Theo báo cáo hai tuần mỗi kỳ, tính đến hết ngày 5/9/2011, lượng này còn 388.940 tấn ở tại các kho được TTKH Liffe ủy quyền (xin xem biểu đồ phía trên).

Những tưởng, nếu như tồn kho Liffe certs không giảm nhanh, thì chí ít tồn kho theo báo cáo Liên đoàn Cà phê Châu Âu (European Coffee Federation) giảm, ở đây cũng không. Theo báo cáo mới nhất của ECF, tính đến cuối tháng 7/2011, lượng tồn kho châu Âu ECS vẫn tăng, lên 13.659.296 bao, tăng 138.979 bao so với tháng 6/2011! (Xin xem biểu đồ phía dưới).

Tồn kho ECS vẫn chưa suy giảm 2 tháng trước mùa mới (tác giả tổng hợp)

Tồn kho robusta tại châu Âu chưa giảm có thể do lượng hàng xuất xuống tàu từ Việt Nam và Brazil vẫn tiếp tục ở mức cao nhờ giá xuất khẩu tốt. Dù các nhà xuất khẩu các nước sản xuất không bán và xuất ra khỏi lãnh thổ nhiều, các nhà nhập khẩu còn giữ hàng tại các kho ngoại quan và nội quan vẫn xuất đi đều đều. Như trong tháng 8/2011, thực chất Việt Nam chỉ bán và xuất chừng 35.000 tấn, nhưng thực tế xuất khẩu có thể đạt 75.000 tấn trong đó 40.000 tấn xuất đi từ các kho ngoại quan, tức hàng hóa tuy chưa xuất khỏi cảng nhưng thuộc quyền sở hữu của nhà nhập khẩu. Đó có thể là lý do tại sao tồn kho ESC và Liffe certs chưa chịu giảm nhanh.

Trong 13,7 triệu bao tồn kho ESC, ta tạm nhẩm tính tỉ lệ 9,7 triệu bao cho robusta và 4 triệu bao cho arabica, hàng robusta từ Việt Nam đi, đến những ngày báo cáo, cũng phải chiếm 5,5 đến 6 triệu bao là ít hay tương đương với 350.000 tấn. Và như vậy, ai dám nói rằng hàng robusta thiếu trên thị trường toàn cầu!

Cà phê robusta thừa nhưng cơ hội vẫn không thiếu

Hàng tồn kho có chứng nhận Ice arabica New York giảm, tức hàng loại tốt, chất lượng cao, chế biến ướt thiếu cho giao dịch hàng giấy trên TTKH này. Đấy là cơ hội cho các quỹ đầu cơ nhảy vào. Do thiếu hàng arabica có giấy chứng nhận trên Ice, giá tháng 9/2011 bị siết lên cao hơn kỳ hạn tháng 12/2011.

Tính đến hết ngày 13/9, giá trên TTKH Ice arabica, giá tháng 9 cao hơn tháng 12/2011 là 2,5 cts/lb tức chừng chừng 55 đô la/tấn. Yếu tố này giúp cách biệt giữa 2 loại cà phê trên 2 TTKH xa ra nhiều hơn.

Nếu như đầu tháng 8/2011, giá arabica trên Ice cách robusta Liffe chừng 3.100 đô la/tấn thì đầu tháng 9/2011 mức cách biệt dâng lên chung quanh 4.100 đô la và tại các ngày gần đây, giá cách biệt này vẫn quanh quẩn mức 3.800-3.900 đô la/tấn, giá robusta chỉ bằng 1/3 giá arabica.

Biểu đồ mức cách biệt giá arabica Ice và robusta Liffe (tác giả tổng hợp)

Đây chính là cơ hội thuận tiện để bán hàng robusta do arabica quá đắt. Chắc chắn với mức cao như thế này của arabica (gần 6.000 đô la/tấn), nhiều nhà rang xay phải tìm robusta giá rẻ hơn để thay thế.

Đối với hàng robusta chất lượng cao như hàng chế biến ướt, hàng đánh bóng, hàng loại 1 sạch,…sẽ được nhà rang xay ưu tiên mua và họ sẵn sàng trả thêm vài mươi đô la/tấn cho uy tín và chất lượng nghiêm chỉnh. Nếu có cơ hội bán hàng robusta “hấp”, chất lượng có thể ngang ngửa với arabica và rang xay sẵn sàng trả cao giá. Xin xem thêm bài: “Cà phê hấp, một cách làm tăng giá trị hạt cà phê”.

Mặt khác, ở những lúc giá trừ lùi rớt sâu, đó cũng là lúc các nhà xuất khẩu của ta nên nghĩ đến chuyện đưa hàng bán trực tiếp trên Liffe mà không cần qua trung gian của các nhà nhập khẩu.

Thiết nghĩ, đây chính là cách tạo nên đối trọng đối với lực lượng đang giữ hàng tồn kho lớn. Nhằm, một mặt cùng họ kiểm soát giá trên TTKH, mặt khác có sẵn hàng để tranh thủ bán được giá cao khi bên kia đẩy giá trừ lùi lên cao.

Hiện nay, uy tín của một bộ phận các nhà xuất khẩu sa sút gây ảnh hưởng lớn đến cơ hội chung của toàn ngành cà phê. Đối với hàng chất lượng cao, do thay thế cho arabica loại tốt, nên khách hàng rang xay rất khắc khe trong chất lượng. Ta không nên để họ phiền thêm vì lúc bình thường giá càng cao thì chất lượng cà phê hàng giao của ta càng yếu.

Theo TBKTSG

 

 



Báo cáo phân tích thị trường