Khó có thể kể hết những hình ảnh thoát nghèo, làm giàu từ cây cà-phê. Ði đâu, làm gì người dân Ðác Lắc cũng nhắc đến cây cà-phê. Nhiều người nói, dân Ðác Lắc "ăn cùng cà-phê, ngủ cùng cà-phê" không sai tý nào, nhất là vào mùa thu hái. Bề ngoài là vậy, song nỗi nhọc nhằn, lo âu mỗi mùa cà-phê đến luôn đè trên vai người nông dân ở vùng nhiều nắng, gió này và không chỉ là nỗi lo của người trồng...
Nỗi nhọc nhằn ai hay?
Cực nhọc với cây cà-phê lắm! Y Ðhơn M'lô, ở Buôn Trinh, xã Ea Blang, huyện Krông Búc (Ðác Lắc) nói như vậy. Cây trồng này sẽ giúp làm giàu đối với ai nắm vững kỹ thuật, biết cách chăm bón và gặp "thời giá".
Cũng từ cây cà-phê, không ít gia đình thất bát, thiếu ăn, vì họ chọn đất không phù hợp, không có vốn để đầu tư, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Như gia đình mình đây, Y Ðhơn cho biết, trồng 3 ha cà-phê, lúc đầu vất vả lắm, phải đi học kinh nghiệm, rồi vay vốn từ ngân hàng, từ chòm xóm để đầu tư cho đúng "độ". Vài năm trở lại đây, cà-phê được giá nên gia đình mới có "của ăn của để". Hằng năm, mình thuê bốn lao động cùng ba lao động trong nhà tập trung làm ba ha cà-phê, thu lãi hơn 100 triệu đồng.
Thật ấn tượng với những ai ghé thăm, tìm hiểu cách thoát nghèo, làm giàu của thanh niên xã Dliê Ya, huyện Krông Năng, vốn là một xã nghèo của tỉnh Ðác Lắc.
Già làng Y Vê nói: Bọn trẻ không ai làm cà-phê giỏi bằng Y Ðê Ksơr. Già mong muốn trong buôn làng có nhiều thanh niên như nó.
Ngồi trò chuyện cùng Y Ðê Ksơr mới thấy anh nắm rất vững về cách chăm sóc, tỉa cành, bón phân, thu hái... Có được kiến thức đó, theo Y Ðê, là quá trình tìm hiểu, học hỏi từ nhiều nguồn, nhưng điều quan trọng hơn cả là phải chịu khó, siêng năng. Ðạt năng suất 3 tấn cà-phê nhân/ ha ở vùng đất Dliê Ya là kết quả của sự đầu tư thỏa đáng cả về kỹ thuật cũng như quá trình chăm bón.
Y Ðê tâm sự: Mình làm đủ thứ, nào nuôi bò, nuôi dê, hiện có hơn 40 con, ngoài ra còn kinh doanh các mặt hàng khác để lấy vốn đầu tư cho cà-phê. Song quan trọng nhất là đầu tư đúng quy trình, trong đó việc sử dụng phân chuồng là rất hiệu quả. Vườn cà-phê 2,7 ha của nhà mình luôn đạt trên dưới 9 tấn/năm, trừ chi phí, mỗi năm thu lãi từ vườn cà-phê hơn 70 triệu đồng.
Trong những năm qua, Ðác Lắc xây dựng mô hình điểm về trồng, chăm sóc cà-phê. Một trong những điểm chúng tôi đến thăm, đó là buôn Giêr, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng. 141 hộ của buôn, có 29 hộ được chọn làm điểm để nâng cao hiệu quả sản xuất cà-phê. Cán bộ kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về tận nơi hướng dẫn bà con cách chiết cành, tạo tán, cách bón phân, cải tạo vườn cây...
Ông Y Căm Niê, hộ trồng nhiều cà-phê nhất trong buôn tâm sự: Mình trồng 4 ha cà-phê đã gần 10 năm nhưng có kỹ thuật đâu, cứ trồng, tưới nước, bón phân và chờ ra quả, những cây nào già, ra trái ít thì chặt bỏ, làm nhiều nhưng hiệu quả không là bao. Từ khi cán bộ chỉ cho mình hiểu về kỹ thuật chăm sóc, mình áp dụng bón phân đúng thời vụ, cắt cành, tạo cho cây phát triển đúng hướng, thế là năng suất tăng lên gần 1 tấn/ha.
Nỗi nhọc nhằn của những người trồng cà-phê ở Ðác Lắc là quá lớn, họ chăm bẵm cây cà-phê từ lúc vừa đặt nó vào hố cho đến khi hái quả, mà tất cả đều phải đúng kỹ thuật thì mới cho kết quả cao. Nỗi âu lo đó không chỉ ở nông dân, mà các cơ quan chức năng ở tỉnh Ðác Lắc đã và đang tiến hành các biện pháp để giúp nhân dân, doanh nghiệp phát triển cà-phê một cách bền vững, đạt năng suất cao hơn.
Chủ tịch UBND huyện Krông Búc Phan Hồng, cho biết: Huyện đang thực hiện dự án "hỗ trợ mở rộng các sáng kiến sản xuất cà-phê bền vững" do Sở NN và PTNT Ðác Lắc phối hợp với Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Ðức (GTZ), Công ty Tư vấn EDE (Tập đoàn Neumann Kaffee Gruppe), trợ giúp.
Dự án thực hiện trong 30 tháng, nhằm củng cố, nâng cao chất lượng cà-phê từ khâu sản xuất đến tiêu thụ tại địa phương, tạo ra một vùng cà-phê phát triển theo hướng bền vững. Dù mới triển khai, song dự án đã giúp cho người trồng cà-phê nắm vững kiến thức, tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, xử lý, bảo quản sau thu hoạch, đáng nói là người trồng nắm vững kỹ năng từ khâu thu hái, chế biến, bảo quản đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, dự án còn hướng tới việc liên kết giữa nhóm nông dân với đại lý thu mua hay các thương lái. Ðây là hướng đi mà người trồng cà-phê ở Ðác Lắc mong muốn, bảo đảm hạt cà-phê của họ là ra đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, nắm vững thông tin giá cả, tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nỗi lo âu của người trồng cà-phê
Ðược giá nhưng mất mùa, đó là câu nói cửa miệng của những người trồng cà-phê ở Ðác Lắc hiện nay. Ðến những vùng trồng cà-phê có tiếng của huyện Krông Búc, Krông Năng... chứng kiến cảnh hái cà-phê non, cà-phê xanh... mới xót xa cho thành quả sau một năm chăm bón. Ðáng nói là năng suất cà-phê ở những vùng mà chúng tôi tìm hiểu, như ở huyện Krông Năng, Krông Búc, Ea H'leo... giảm đi một nửa.
Có nhiều nguyên nhân, theo anh Phạm Thanh Hải, ở thôn Tây Hà 3, xã Cư Bao, huyện Krông Búc: Vừa rồi, vào thời điểm cây cà-phê ra hoa đại trà thì gặp mưa kéo dài đã khiến tỷ lệ đậu trái rất thấp, ước tính chỉ có khoảng 60%, thêm nữa cây cà-phê "mất sức" là do trước đó bị bệnh ve sầu gây hại làm cho trái bị vàng héo và khô non trên cây khá nhiều.
Anh Hải cho biết thêm: Bình thường vườn cà-phê gần 3 ha của gia đình cho năng suất hằng năm ít nhất cũng 10 tấn, song vụ này chỉ 6 tấn là cùng. Không riêng gì hộ anh Hải mà nhiều hộ trồng cà-phê đều có chung tâm trạng: mùa này giá cà-phê lên đến 26 nghìn đến 27 nghìn đồng/kg song không mấy ai vui vì khi hạch toán các chi phí cho vụ cà-phê, dường như lỗ cầm chắc.
Anh Nguyễn Hồng Lam, thôn Hợp Thành 2, xã Thống Nhất, huyện Krông Búc, nhẩm tính: Không kể tiền công thuê hai người nằm ở rẫy bảo vệ mỗi tháng hết 1,2 triệu đồng, cùng rất nhiều công sức của gia đình bỏ ra chăm bẵm, chỉ tính phân tro, nước tưới, thuốc trừ sâu cho việc diệt ve sầu gây hại hơn 2 ha vào hồi đầu vụ thì gia đình chi ngót nghét 48 triệu đồng, cộng với tiền công thu hái gần 8 triệu đồng nữa đã cho thấy chi phí sản xuất trong vụ này lên đến gần 60 triệu đồng.
Trong khi đó, với năng suất giảm đi một nửa (chưa đầy 5 tấn/2 ha), thì gia đình chỉ thu về cũng chỉ đủ trang trải cho cái ăn, cái mặc trong một năm vừa qua mà thôi; đó là chưa kể sắp tới phải đầu tư cho việc tưới, phân bón... trong điều kiện giá đang tăng vọt.
Không dám nói tất cả, song ở đâu cũng thấy nạn trộm cà-phê ngay tại vườn, tại rẫy, đây là tiếng chuông cảnh báo bấy lâu nay ở những vùng trồng cà-phê. Mà bọn trộm rất ác quái. Chúng hái trộm cà-phê non, bẻ luôn cành... và hậu quả dẫn đến là người trồng cà-phê muốn bảo vệ thành quả lao động của mình cũng hái vội cà-phê khi quả còn xanh.
Chị Nguyễn Thị Lan, ở thôn 6, xã Cư Bao, huyện Krông Búc, đại lý thu mua cà-phê từ mấy năm nay cho biết: Khác với mọi năm, năm nay có nhiều người hái cà-phê xanh. Khi họ bán cà-phê (quả cũng như nhân) chị đều phải mua thấp hơn từ hai đến ba giá so với giá thị trường, thí dụ giá thông báo 27 nghìn đồng/kg chị chỉ mua 25 hoặc 24 nghìn đồng. Lý do quá nhiều cà-phê xanh lẫn vào đó.
Anh Phạm Thanh Hải, người trồng cà-phê chua chát nói: Hái cà-phê xanh bán không được giá lại bị thiệt nữa nhưng nếu để chậm thì chẳng còn gì mà hái. Vụ này vừa bị thất bát lại gặp nạn trộm cà-phê nên "thiệt đơn, thiệt kép".
Anh Y Hiên, ông Ma Sa và rất nhiều gia đình trồng cà-phê ở vùng Chua Ðăng, Cư Bao... kể: Trong tháng 11 vừa rồi, chỉ trong một đêm, gia đình bị hái trộm gần 300 gốc cà-phê, chúng tuốt cả lá và quả, thiệt hại lắm. Vì quá lo lắng, gia đình nào cũng thuê người thu hái hết, kể cả những cây còn nhiều quả xanh. Nỗi nhọc nhằn của những người trồng cà-phê đến ngày hái quả vẫn chưa hết nỗi âu lo là thế.
Ðược biết cuối tháng 8-2007, UBND tỉnh Ðác Lắc có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quản lý, hướng dẫn nhân dân không được hái cà-phê khi tỷ lệ chín chưa đạt 90%.
Nhưng do chính quyền cơ sở chưa quan tâm tình hình trật tự, tệ nạn trộm cắp ở nông thôn, nhất là không xử lý triệt để, cương quyết nạn trộm cắp cà-phê nên để xảy ra tình trạng nói trên. Ðây là một trong những khâu đã, đang làm cho hạt cà-phê ở Ðác Lắc giảm giá và là nỗi lo âu chính đáng của người trồng cà-phê mà chính quyền phải quan tâm giải quyết một cách triệt để.
Ðặt vấn đề như vậy, cho thấy việc sản xuất cà-phê ở Ðác Lắc vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn, cần có biện pháp quyết liệt để ngành cà-phê đi vào quy chuẩn.
Ðánh giá một cách khách quan cho thấy không ít diện tích cà-phê trồng trong điều kiện đất đai không phù hợp, nguồn nước thiếu, phần lớn nông dân trồng theo kinh nghiệm, ít chú trọng đến kỹ thuật, nhất là chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch và thiếu thông tin về biến động giá cả thị trường, thời tiết ngày càng bất lợi cho việc trồng cà-phê không theo quy hoạch. Ðây là thực tế đang đặt ra cho ngành cà-phê cũng như lãnh đạo tỉnh Ðác Lắc phải xem xét, đề ra chiến lược phát triển cà-phê theo hướng chuẩn xuất khẩu.
Ðác Lắc cần có giải pháp chuyển đổi, giảm những diện tích cà-phê ở những vùng đất không phù hợp; ổn định diện tích ở khoảng 160 nghìn ha cà-phê là vừa đủ, qua đó cải tạo giống, trẻ hóa vườn cây, thực hiện thâm canh theo hướng phát triển bền vững.
Các vườn cây phải trồng cây chắn gió để giữ nước, chống xói mòn, trong đó chú trọng đến giống cà-phê có giá trị xuất khẩu cao và tăng cường đầu tư cho công tác chế biến cà-phê, hạn chế tối đa việc hái cà-phê quả xanh, phòng trừ nấm mốc cà-phê và độc tố Ochratoxin A (OTA), áp dụng các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp tốt (GAP), áp dụng công nghệ chế biến tốt (GMP) để tạo ra sản phẩm cà-phê có chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Trong quá trình chăm sóc phải có quy trình, có chính sách khuyến khích người trồng cà-phê thực hiện đúng quy trình đề ra, nhất là có chính sách, biện pháp để người trồng hạn chế hái cà-phê xanh.
Cần công bố tiêu chuẩn, định mức quy định nghiêm ngặt về sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm cà-phê trên thị trường và xây dựng hệ thống thông tin về thị trường, giá cả cho nông dân, các đại lý và địa phương. Có như vậy hạt cà-phê ở Ðác Lắc mới đạt chuẩn xuất khẩu, đây không chỉ là nỗi lo của người trồng mà của cả các nhà quản lý, chính quyền địa phương.