Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải pháp trợ giúp người trồng cà-phê
30 | 09 | 2009
Chỉ còn hơn một tháng nữa, nông dân ở Tây Nguyên nói chung, Ðác Nông nói riêng chính thức thu hoạch cà-phê niên vụ 2009-2010. Thế nhưng, trong những ngày qua, giá cà-phê trên thị trường thế giới giảm mạnh, làm giá cà-phê trong nước cũng giảm theo khiến người trồng cà-phê ở các tỉnh Tây Nguyên lo lắng...

Thấp thỏm vì giá xuống

Theo Sở Công thương Ðác Nông, vào ngày 18-9, giá cà-phê trên thị trường Luân Ðôn đạt khoảng 1.524 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng ba tháng qua nhưng nay giảm xuống còn 1.400 USD/tấn, giảm 124 USD/tấn. Giá cà-phê trong nước giảm theo, từ khoảng 26.000 đồng/kg vào giữa tháng 9 xuống còn 23.300 đồng/kg. Tại Ðác Nông, giá cà-phê được các doanh nghiệp, đại lý thu mua trong ngày 25-9 chỉ ở mức 23.000 đồng/kg. Theo dự báo của các doanh nghiệp kinh doanh cà-phê ở Tây Nguyên, vào vụ thu hoạch, giá cà-phê sẽ còn giảm nữa.


Trước tình hình giá cà-phê liên tục giảm trong những ngày qua làm cho hàng nghìn hộ nông dân trồng cà-phê ở Ðác Nông luôn thấp thỏm, lo lắng theo dõi giá cà-phê hằng ngày trên mạng in-tơ-nét và các phương tiện thông tin đại chúng. Trong khi đó, giá xăng, dầu vừa tăng, tiền thuê nhân công lao động vẫn ở mức cao.


 Ðác Min là huyện có diện tích cà-phê lớn nhất tỉnh Ðác Nông, với 18.420 ha, sản lượng hằng năm khoảng 40 nghìn tấn. Những ngày này, thông tin về giá cà-phê trở thành chuyện "thời sự" của người dân ở đây. Tại xã Ðác Lao, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Hùng đang chở gỗ để dựng chòi canh giữ vườn cà-phê. Trong tâm trạng lo lắng, ông Hùng nói: "Mấy ngày qua, nghe tin trên đài về giá cà-phê giảm mạnh mà cả nhà lo lắng, ăn ngủ không yên. Với giá giảm mạnh như thế này, chúng tôi lỗ nặng. Bên cạnh đó, những năm gần đây thời tiết xấu, sâu, bệnh phát triển làm cho năng suất cà-phê giảm". Theo ông Hùng, hiện nay người trồng cà-phê không chỉ lo lắng vì giá giảm mạnh, mà còn phải làm chòi, thuê người canh giữ vườn cà-phê bởi tình trạng kẻ gian hái trộm cà-phê xảy ra thường xuyên.


 Ðến xã Ðức Mạnh, chúng tôi gặp anh Phan Quốc Bình, ở thôn 1 tại điểm truy cập in-tơ-nét ở UBND xã. Anh Bình cho biết: "Gia đình tôi có ba ha cà-phê, trong năm qua đã đầu tư gần 100 triệu đồng mua phân bón, thuốc trừ sâu, thuê nhân công lao động, mua máy móc, ống tưới nước... Với mức giá cà-phê vừa xem trên mạng, người trồng cà-phê sẽ gặp khó khăn lớn nếu như Nhà nước không có biện pháp bình ổn giá cà-phê". Còn Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ðác Min, Ðinh Viết Giá cho biết: Phần lớn nông dân ở Ðác Min hiện nay sản xuất độc canh cây cà-phê. Việc giá cà-phê giảm mạnh chắc chắn sẽ làm cho nhiều hộ thua lỗ.


Về huyện Ðác R'Lấp, thông tin giá cà-phê giảm mạnh cũng là chuyện thu hút sự quan tâm của nhiều người. Anh Trần Văn Sơn, ở xã Nhân Cơ cho biết: "Gia đình có hai ha cà-phê, trong năm qua đã vay ngân hàng hơn 40 triệu đồng mua vật tư, phân bón và thuê nhân công chăm sóc, dự kiến thu hoạch xong sẽ trả hết nợ ngân hàng, vẫn dư để sửa lại nhà. Nhưng với mức giá hiện nay, may lắm chỉ đủ trả ngân hàng, không còn lãi". Còn anh Nguyễn Thanh Quảng ở xã Quảng Tín thì cho biết sau vụ thu hoạch, gia đình anh sẽ chuyển 1,5 ha cà-phê sang trồng  khoai lang Nhật Bản.


Nhiều người trồng cà-phê đã tính toán, với mức giá vật tư, phân bón và công chăm sóc, giá cà-phê phải ở mức 25.000-27.000 đồng/kg, người trồng mới có lãi, dưới mức đó là thua lỗ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðác Nông, toàn tỉnh hiện có khoảng 71 nghìn ha cà-phê, tăng hơn mười nghìn ha so với quy hoạch. Vài năm trước, khi giá cà-phê tăng cao, nông dân ồ ạt mở rộng diện tích cà-phê, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Nay cà-phê rớt giá, hàng nghìn hộ gặp khó khăn.


Ðể nghề trồng cà-phê phát triển bền vững


Theo Hiệp hội Cà-phê - Ca-cao Việt Nam, sản lượng cà-phê niên vụ 2009-2010 sẽ đạt khoảng một triệu tấn, giảm từ 15 đến 20% so với niên vụ trước. Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cho các doanh nghiệp được vay với lãi suất 0% để thu mua 150 nghìn - 200 nghìn tấn cà-phê dự trữ, với hy vọng giá cà-phê sẽ tăng lên mức 28.000-30.000 đồng/kg,  bảo đảm cho người sản xuất có lãi.


Mới đây, UBND tỉnh Ðác Nông yêu cầu các ngành chức năng và các huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến cáo các hộ không thu hoạch cà-phê xanh, chỉ thu hoạch khi cà-phê đạt độ chín hơn 90%. Các huyện cần tăng cường bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực trồng cà-phê, không để xảy ra tình trạng trộm cắp để người trồng giảm bớt gánh nặng thuê người trông giữ cà-phê, giảm bớt chi phí đầu vào.  Các cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân đầu tư sân phơi và hệ thống chế biến, không phơi sân đất và ủ đống làm giảm chất lượng cà-phê. Về lâu dài, tỉnh sẽ tập trung làm tốt công tác quy hoạch, ổn định diện tích cà-phê khoảng 60 nghìn ha, trong đó có 5.000 ha cà-phê chè, từ đó có cơ cấu giống cà-phê phù hợp. Ngoài ra, khuyến khích chính quyền cơ sở và doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cà-phê của từng vùng, từng doanh nghiệp; thực hiện đa dạng hóa sản phẩm; chú trọng đổi mới hình thức bao bì, mẫu mã; xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới. Các cơ quan chức năng của tỉnh cần tích cực giúp nông dân giảm giá thành trong quá trình sản xuất như ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, tăng cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh, xây dựng mô hình trồng xen cây đậu đỗ các loại, cây xanh ở chung quanh bờ lô, giảm lượng phân bón hóa học... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cà-phê.



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường