Như vậy, tổng sản lượng cà phê xuất khẩu năm 2009 có thể đạt 1,1 triệu tấn, nâng tổng kim ngạch lên 1,6 tỷ USD hoặc cao hơn.
Bộ Công Thương cũng dự báo, 4 tháng cuối năm, mặt hàng này có thể đóng góp thêm khoảng 494 triệu USD so với kế hoạch năm. Việt Nam đang có lợi thế về nguồn cung, các nước xuất khẩu cà phê lớn như Brazil, Ấn Độ được dự báo nguồn cung sẽ bị giảm tới 6% trong thời gian tới do thời tiết và lượng cây cà phê già cỗi lớn.
Bên cạnh đó, kinh tế thế giới đã bắt đầu khởi sắc, thu nhập khả dụng của người dân tăng lên kéo theo nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng mang tính thư giãn, trong đó có cà phê, tăng cao. Tại thị trường tiêu thụ cà phê Việt Nam lớn nhất là Bỉ, nhu cầu sử dụng cà phê trong những tháng đầu năm đã tăng khá so với năm 2008 nên lượng cà phê xuất khẩu vào thị trường này dự tính sẽ gia tăng. Và tại thị trường nhiều nước châu Âu, người dân có xu hướng sử dụng các loại cà phê xay, đóng gói với kích cỡ nhỏ gọn, phù hợp với khả năng cung ứng của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, đại diện của Hiệp hội nhấn mạnh, kết quả trên phụ thuộc rất lớn vào giá cả trên thị trường. Bởi, trên thị trường thế giới, giá cà phê đã lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 2007 và từ tháng 5/2008 bắt đầu đi xuống cho đến tận hiện nay khiến giá cà phê đang ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam phân tích, tính bình quân 8 tháng đầu năm, mỗi tấn cà phê xuất khẩu đã bị giảm tới 613 USD so với năm ngoái, dẫn tới sự sụt giảm về giá trị rất lớn. Với khoảng 1 triệu tấn cà phê xuất khẩu mỗi năm mà giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam bị đánh tụt khoảng 100 USD/tấn, thì chúng ta càng xuất khẩu nhiều càng bị thiệt lớn.
Trong khi đó, cùng với các mặt hàng là hạt tiêu, hạt điều, gạo, thì cà phê của Việt Nam luôn được xếp hạng số 1, số 2 trên thế giới. "Điểm yếu của chúng ta là không chi phối được giá trên thị trường thế giới", ông Lương Văn Tự chua chát thừa nhận thực tế.
Nhìn nhận và chia sẻ khó khăn này, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương bình luận, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn đang thấp hơn so với giá của Brazil, Ấn Độ mặc dù chất lượng cà phê của Việt Nam là tương đương.
Những lo lắng về sự sụt giảm của giá cà phê Việt Nam tiếp tục gia tăng khi mùa vụ tới sắp bắt đầu từ tháng 10/2009. Theo ông Lương Văn Tự, chắc chắn sản lượng vụ tới sẽ đạt khoảng 1 triệu tấn. Nhưng thông thường, đó là vụ mùa nông dân cần bán sản phẩm để mua phân bón và thanh toán những khoản chi phí khác nên ngay từ đầu vụ họ hay bán ồ ạt, tới hơn 200 ngàn tấn/tháng. Các thương nhân biết được điều đó và thường ép giá khi mua dồn vào thời điểm đầu vụ.
Để tránh tình trạng này tiếp diễn, Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam đã kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế cho một số doanh nghiệp được vay với lãi suất bằng 0% để thu mua khoảng 150 - 200 ngàn tấn và các doanh nghiệp này giữ cà phê hộ nông dân nhưng đồng thời được quyền chọn thời điểm bán ra khi giá lên để khắc phục tình trạng bán ồ ạt vào đầu vụ và cuối vụ giá tăng thì lại hết cà phê.
Mục đích cao hơn mà Hiệp hội Cà phê, ca cao và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê hướng tới là có thể tham gia kiểm soát thị trường thế giới về giá cả và số lượng hàng mua bán, để vẫn đẩy mạnh được xuất khẩu nhưng vẫn bảo vệ được quyền lợi. "Nếu chúng ta cứ thả tự do thì không thể nào kéo giá lên được, vì vậy, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Cà phê, ca cao và các Hiệp hội ngành hàng đang gặp phải vấn đề tương tự (như Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội lương thực Việt Nam) nên có nghiên cứu để xây dựng cơ chế hợp lý", ông Lương Văn Tự đề xuất.
Dẫn ra một ví dụ, vì sao thời gian qua Brazil luôn chi phối được giá thị trường, đại diện của Hiệp hội cà phê, ca cao cho biết, ngoài cơ chế phá giá đồng tiền, Brazil còn áp dụng quyền chọn giá. Tức là họ đã đưa ra đấu giá 3 triệu bao cà phê với mức giá 303,5 đồng tiền Brazil/bao (khoảng 156 USD/bao), mức giá đó cao hơn giá thị trường là 21,4%. Và người mua quyền này phải trả phí cho Chính phủ khoảng 9 đồng tiền Brazil/bao.
Nếu giá thị trường thế giới xuống thấp hơn thì người mua quyền được quyết toán với Chính phủ bằng giá đó, nếu thị trường thế giới bán với mức giá cao hơn 303, 5 đồng/bao thì người mua quyền đó được quyết định bán ra. Do đó, vừa giữ được giá nhưng cũng rất linh hoạt, không dự trữ một cách cố định mà dự trữ một cách tương đối. Cho nên, với 4 mặt hàng trên cần có nghiên cứu để đề xuất một cơ chế điều hành chung của Nhà nước với doanh nghiệp để có thể giữ được khả năng tham gia và chi phối thị trường.
Từ kinh nghiệm trên, Việt Nam cũng cần tạo ra một quỹ tương tự, doanh nghiệp được hỗ trợ bằng việc mua quyền chọn giá hoặc hỗ trợ lãi suất để mua hàng dự trữ và bán ra hợp lý. Ở Brazil khi thực hiện quỹ này, bước đầu Chính phủ cấp một khoản kinh phí lập quỹ và giao cho một ủy ban thực hiện cơ chế thực hiện quyền chọn giá, doanh nghiệp nào thắng quyền chọn giá thì được quyền sử dụng quỹ này theo nguyên tắc được xác định. Quỹ này của Brazil hiện đã lên tới 1,8 tỷ đồng tiền Brazil. Với thực tế của Việt Nam thì không cần một quỹ lớn như vậy, chỉ cần đủ để mua khoảng 15 - 20% lượng cà phê xuất khẩu...