Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột: Hướng tới phát triển ổn định và bền vững.
Thưa ông, đây là lần thứ 2 Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức tại Đăk Lăk, vậy qui mô, tầm vóc lần này có gì khác so với lễ hội lần thứ nhất?
Có thể nói, cái khác biệt đầu tiên giữa hai lễ hội chính là điểm nhấn. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ nhất năm 2005 lấy việc công bố Chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đăng bạ làm điểm nhấn, còn lễ hội lần thứ 2, điểm nhấn là khai trương và đưa Sàn Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột đi vào hoạt động.
Điểm khác thứ hai là, trong lễ hội lần này, phần “hội” sẽ được coi trọng hơn, nhiều sự kiện văn hoá nghệ thuật về chủ đề cà phê được triển khai như: Thi ảnh thời sự nghệ thuật về cà phê; thi thả diều với chủ đề “Bay lên thương hiệu cà phê”; diễu hành voi, xe hoa trên đường phố hòa nhịp với hoạt động biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên và các lễ hội truyền thống, đặc trưng của người Tây Nguyên nhằm thu hút khách du lịch, quảng bá cho mặt hàng cà phê và tôn vinh người sản xuất cà phê…
Điểm khác thứ 3, trước đây Ban tổ chức phát phiếu mời du khách uống cà phê miễn phí tại bất kỳ quán cà phê nào trên thành phố Buôn Ma Thuột thì nay lại tổ chức một khu phố ẩm thực với nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng, có bán cả đặc sản, những món quà lưu niệm mang đặc trưng của vùng Tây Nguyên để phục vụ du khách...
Với việc tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, hy vọng Lễ hội Cà phê buôn Ma Thuột lần này sẽ thu hút một lượng lớn khách du lịch đến với lễ hội, đến với Đăk Lăk. Tuy nhiên, đối tượng chính mà lễ hội hướng tới là những khách hàng tiêu thụ cà phê chính của Việt Nam, rộng hơn nữa là các nhà kinh doanh, chế biến cà phê trong và ngoài nước, để từ đó thiết lập được những mối quan hệ buôn bán, những hợp đồng trong tương lai.
Không phải “tay xách nách mang” các phương tiện từ Tây Nguyên ra Hà Nội và vào TP.HCM để tổ chức “Tuần lễ Văn hóa Cà phê” như năm 2007, Lễ hội Cà phê lần này diễn ra ngay tại “sân nhà”. Theo ông, với một lợi thế rất lớn như vậy, liệu Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 2 có đem lại cho người dân Tây Nguyên và du khách thập phương những nét đặc sắc và mới mẻ?
Việc tổ chức lễ hội tại Đăk Lăk quả đúng là một lợi thế, nhất là giảm được chi phí trong bối cảnh lạm phát và khủng hoảng tài chính như hiện nay. Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê đều đóng trên địa bàn Đăk Lăk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, vì thế, chắc chắn lễ hội sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia hơn và các mặt hàng phục vụ ngành cà phê, liên quan đến cà phê cũng phong phú hơn.
Đến với Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần này, ngoài việc được thưởng thức những đặc sản của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ngay tại khu phố ẩm thực, được thả hồn, hòa quyện vào những chương trình văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên... du khách còn được thưởng thức nhiều loại cà phê với những hương vị khác nhau, khám phá những bí quyết chế biến khác nhau, và nếu muốn, du khách có thể tham dự các hội thi như: nhà nông đua tài; thi thả diều… Riêng đối với những du khách quan tâm đến kỹ năng trồng trọt cà phê thì lễ hội cũng có một khu để du khách có thể tiếp cận với các loại giống mới có năng suất và chất lượng cao, các loại vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu… phục vụ cho ngành cà phê.
Được biết, quy mô và số lượng doanh nghiệp tham gia lễ hội lần này gấp nhiều lần so với Tuần lễ Văn hóa Cà phê năm 2007, điều đó có đem lại một bức tranh đa màu từ sản xuất đến chế biến và kinh doanh XNK không?
Tất nhiên rồi. Với số lượng dự kiến doanh nghiệp tham gia khoảng 120 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực như sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu, vật tư, thiết bị phục vụ cho ngành cà phê, các mặt hàng sử dụng hương liệu liên quan đến cà phê… chắc chắn sẽ đem đến cho lễ hội một bức tranh toàn cảnh về ngành cà phê Đăk Lăk nói riêng và Việt Nam nói chung.
Hơn nữa, cũng trong dịp lễ hội này, UBND tỉnh Đăk Lăk sẽ mời các vị khách quốc tế đang tham dự Hội nghị Tầm nhìn cà phê châu Á tại TP. HCM lên tham dự lễ hội. Với sự kiện này, hy vọng sẽ có nhiều sự chuyển biến trong hoạt động xuất khẩu cà phê trong thời gian tới vì những vị khách này là lãnh đạo, đại diện của nhiều hãng rang xay và nhiều nhà nhập khẩu cà phê lớn trên thế giới.
Nếu như Tuần lễ Văn hóa Cà phê năm 2007 phản ánh sự gắn kết giữa kinh tế và văn hóa cà phê thì Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần 2 mang thông điệp gì, thưa ông?
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần 2 cũng trên cơ sở khai thác giá trị kinh tế trong chuỗi hoạt động văn hóa cà phê. Phát triển văn hóa phải gắn liền với giá trị kinh tế và ngược lại phát triển kinh tế phải dựa trên nền tảng của văn hóa. Vì thế, văn hóa cà phê thực chất là mong muốn có sự biến đổi để hoàn thiện trên tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, xuất nhập khẩu và kể cả thưởng thức cà phê. Do đó, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần 2 sẽ tiếp tục chú trọng đẩy mạnh và phổ biến văn hóa cà phê, đồng thời đây cũng là dịp để gửi tới người sản xuất, chế biến, kinh doanh XNK những thông điệp về những qui trình từ khâu thu hoạch, chế biến đúng kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 nhằm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.
Xin cảm ơn ông !
Được sự bảo trợ của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Đăk Lăk chủ trì, phối hợp với Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột 2008 lần thứ 2 từ ngày 10 đến 14/12/2008. Hai năm một lần, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lại được tổ chức tại TP. Tây Nguyên. Tuy nội dung tư tưởng và thông điệp về cơ bản là giống nhau, nhưng mỗi một năm, lễ hội lại có những cách thể hiện khác nhau; qui mô, tầm cỡ cũng ngày được phát triển và hoàn thiện hơn. Nhân sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có thư chào mừng và tin tưởng “Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 2 sẽ là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, thương hiệu cà phê tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm cà phê, tạo sự phát triển bền vững cho ngành cà phê Việt Nam”..