Giá nông sản trồi sụt thất thường đã khiến người ta nghĩ đến các sàn giao dịch. Nhưng, kỳ vọng vào một phương thức mua bán hàng minh bạch, hiện đại, tiện lợi đã không như ý muốn.
Những sàn nông sản mở ra vừa qua cái chết yểu, cái èo uột sống qua ngày. Ngoài sàn giao dịch tôm khai trương cuối 2002, đến nay, Việt Nam có thêm hai sàn giao dịch nông sản khác là càphê, đường; dự kiến lúa gạo, điều cũng sắp lên sàn.
Sàn không tiện lợi
Trung tâm giao dịch thuỷ sản Cần Giờ khai trương cuối 2002 đã phải vội đóng cửa ba năm sau đó với vỏn vẹn vài chục phiên giao dịch. Nguyên nhân là chưa chứng minh được tiện lợi giữa bán tôm trên sàn so với thói quen bán tôm cho thương lái tại ao và lấy tiền liền của nông dân.
Ông Ba Bảnh, nông dân nuôi tôm ở xã Bình Khánh, Cần Giờ kể lại, năm 2003 bán hai lô tôm cho doanh nghiệp ở Thủ Đức, lấy tiền trễ hẹn cả tháng mà vẫn không được đền bù lãi suất.
Vì vậy, theo ông Bảnh, mặc dù bán tôm qua sàn không bị ép giá, nhưng những rắc rối khi thực hiện hợp đồng đã khiến người nuôi tôm phải lựa chọn cách bán truyền thống qua thương lái.
Tương tự, sàn giao dịch càphê Buôn Ma Thuột (BCEC), ra đời cuối 2008, sau ba năm hoạt động, đến nay mỗi phiên cũng chỉ có khoảng vài chục tấn càphê khớp lệnh.
Theo tập quán mua bán càphê, nông dân thu hoạch càphê với bất kỳ khối lượng nào cũng được đại lý, thương lái ở buôn, xã thu gom, tiền có thể trao ngay hoặc ghi nợ; trường hợp không bán ngay thì họ gửi đại lý, được cho ứng tiền trước, khi nào bán mới chốt giá mà không phải mất bất kỳ khoản phí nào. Trong khi đó, nếu muốn lên sàn thì người có càphê phải chở theo tối thiểu 5 tấn càphê nhân để kiểm tra chất lượng và càphê sẽ tạm gửi ở kho chờ giao dịch.
Một đại lý kinh doanh càphê ở Dăk Lăk cho rằng, mặc dù BCEC có hệ thống kho chứa tới 30.000 tấn, có nhà máy chế biến nhưng nông dân ở các huyện, xã cách xa trung tâm hàng chục cây số, phải thuê xe chở về gửi, làm phát sinh chi phí nên họ thường chọn cách thuận tiện hơn là gửi càphê cho đại lý trong thôn, xã.
“Mối quan hệ mua bán giữa đại lý, doanh nghiệp xuất khẩu càphê khăng khít từ nhiều năm qua, không cần phải qua sàn giao dịch”, một đại lý giải lý do họ không lên sàn.
Để thu hút thêm nhà đầu tư, BCEC đang xúc tiến đưa vào thêm dịch vụ giao dịch càphê Robusta kỳ hạn. Tại buổi hội thảo giới thiệu sáng 15.4, ông Nguyễn Tuấn Hà, giám đốc BCEC nói việc đưa giao dịch kỳ hạn vào hoạt động nhằm phục vụ đa dạng hơn về giao dịch càphê, tạo thêm kênh tham chiếu giá cả, quy chuẩn chất lượng và tính thanh khoản nhằm góp phần hỗ trợ thị trường hàng giao ngay.
Giảm phí thu hút người tham gia
Ông Đỗ Hà Nam, tổng giám đốc công ty cổ phần xuất nhập khẩu nông sản Intimex HCM nói chưa từng giao dịch tại sàn BCEC. Theo ông Nam, nguồn hàng càphê của Intimex được mua từ các nhà cung ứng “ruột” ở trong nước, ổn định từ nhiều năm nay nên không có nhu cầu mua qua sàn BCEC. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu càphê hàng đầu Việt Nam, trong đó có tổng công ty càphê Việt Nam cũng không mặn mà với sàn BCEC.
Muốn sàn hấp dẫn, theo ông Trần Đức Tụng, nguyên là chuyên gia kinh tế bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sàn phải mang đến cho người chơi nhiều dịch vụ đi kèm tiện ích như tài chính, kho bãi, vận chuyển, bảo hiểm rủi ro…
Ông Vân Thành Huy, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Dăk Lăk (Inexim) cũng cho biết, ông đã từng nghe nông dân, đại lý than phiền nhiều về các khoản phí phải đóng góp khi gửi càphê vào sàn. “Tôi cho rằng tiền xây kho chúng ta nên không tính khấu hao trong vòng năm năm, để miễn phí nhằm thu hút nông dân gửi càphê vào”, ông Huy đề nghị.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Hà, giám đốc BCEC nói đang đề nghị UBND tỉnh miễn giảm phí lưu kho trong vòng ba năm cho người gửi càphê, đồng thời hỗ trợ nông dân, đại lý cước phí khi vận chuyển càphê đến sàn.
Ngoài ra, theo nhiều ý kiến, cơ sở bảo đảm thực hiện các hợp đồng khi giao dịch qua sàn vẫn còn để lại nhiều nghi ngại. Ông Đỗ Hà Nam tâm sự: BCEC uỷ thác cho một doanh nghiệp dự trữ càphê không đủ uy tín trong ngành nên Intimex và nhiều doanh nghiệp khác lo ngại khi gửi càphê vào đó.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Tuấn Hà, giám đốc BCEC nói: “Người gửi càphê sẽ được nhận hợp đồng bảo đảm từ phía đơn vị cho thuê kho, nếu có rủi ro thì đơn vị này phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp bên mua hoặc bên bán đơn phương huỷ giao dịch vì lý do nào đó thì hợp đồng sẽ được đảm bảo bằng các khoản ký quỹ của các bên tại sàn”.