Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đưa điều lên sàn: Còn nhiều lo ngại
23 | 03 | 2010
Khó khăn chính là tạo kỹ năng cho nông dân giao dịch, mua bán điều trên mạng thông qua việc sử dụng máy tính.

Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom -STE) cho biết từ tháng 7 sẽ chính thức khai trương sàn giao dịch điều - mặt hàng nông sản mà Việt Nam đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng liệu sàn giao dịch điều có thu được kết quả mong muốn không khi trước đó đã có sàn giao dịch cà phê, rồi ý tưởng thành lập sàn gạo đã hình thành nhưng không thành công.

Lợi thì có lợi

Năm 2009, xuất khẩu điều đạt giá trị 850 triệu USD và là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nhận thấy tiềm năng to lớn đó nên Sacom-STE đã quyết định đầu tư, phối hợp thành lập sàn giao dịch điều. Hy vọng của nhà tổ chức là sẽ cố gắng đưa giá điều Việt Nam đạt ở mức cao nhất và trở thành giá tham chiếu của giao dịch điều thế giới. Hiện nay, xuất khẩu điều của doanh nghiệp trong nước chưa theo giá tham chiếu nào mà mạnh ai nấy làm.

Ông Phan Vũ Hùng, Giám đốc Sacom-STE, cho biết sàn giao dịch điều sẽ tạo ra cơ chế công khai, minh bạch, giảm được các tầng nấc môi giới cho điều Việt Nam xuất khẩu. Doanh nghiệp sẽ bán được với giá tận ngọn và từ đó sẽ thu mua nguyên liệu điều với giá cao cho người trồng điều.

Khi bán qua sàn thì các nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ tranh nhau mua một lô hàng, có sự cạnh tranh về giá mua. Ngoài ra, việc có sàn giao dịch sẽ tạo ra tính thanh khoản cao cho các doanh nghiệp tham gia và đảm bảo được tính thanh toán thông qua các ngân hàng. Khi mua bán qua sàn đã được khớp lệnh thì khả năng hủy giao dịch khó xảy ra.

Nhà tổ chức hy vọng sàn giao dịch sẽ tăng giá trị cho xuất khẩu điều.

Theo ông Hùng, sàn sẽ tập hợp được các nhà nhập khẩu trực tiếp đến mua điều tại Việt Nam. Lý do, sàn tập trung được hệ thống kho bãi và có đơn vị kiểm định có tầm cỡ quốc tế sẽ chịu trách nhiệm về sản phẩm điều của Việt Nam trên thế giới. Hiện nay, các nhà nhập khẩu điều của nước ngoài đã liên tục tìm hiểu thông tin về sàn giao dịch điều.

Tránh vết xe đổ

Trên thực tế, ý tưởng thành lập sàn giao dịch điều không phải mới lạ trong ngành sản xuất nông sản. Năm 2002, sàn giao dịch thủy sản Cần Giờ (TP.HCM) được ra mắt. Năm 2008, sàn giao dịch cà phê ra đời tại Buôn Ma Thuột. Cuối năm 2009, nhân Festival lúa gạo diễn ra tại Hậu Giang, những nhà tổ chức cũng đã có ý tưởng thành lập sàn giao dịch lúa gạo.

Sự ra đời của các sàn giao dịch trên được dân trong nghề hy vọng tạo ra bước tiến mới nhưng hiệu quả đem lại không như mong đợi. Sàn giao dịch thủy sản Cần Giờ sau một thời gian hoạt động đã phải đóng cửa. Sàn giao dịch cà phê với số vốn đầu tư hàng chục tỉ đồng sau một thời gian hoạt động thống kê khối lượng hàng giao dịch trên sàn còn thua cả một đại lý cà phê cấp ba ở vùng sâu vùng xa.

Riêng về sàn giao dịch gạo, đến nay sau gần nửa năm trôi qua, ngoài thông tin lập sàn được công bố, hiện các nhà tổ chức vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin gì liên quan đến sàn giao dịch này. Thậm chí, những vấn đề cơ bản và quan trọng nhất như khung pháp lý, quy chế giao dịch, hạ tầng kỹ thuật, cơ cấu tổ chức, hình thức sở hữu... cũng chưa có.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho biết việc thu mua của đại lý cà phê hiệu quả hơn sàn giao dịch là vì đại lý có khả năng thu mua tốt hơn sàn. Theo đó, từ đầu vụ, đại lý đã ứng trước tiền mua vật tư, phân bón, thậm chí trang trải một phần cuộc sống cho người trồng cà phê. Điều này sàn giao dịch không thể làm được.

Lý do khó thành lập sàn giao dịch lúa gạo là hiện nước ta có quá nhiều giống gạo dẫn tới chất lượng gạo xuất khẩu không ổn định. Hiện có lô hàng gạo xuất khẩu nhưng có hàng chục giống gạo khác nhau. Gạo chất lượng không ổn định chính là trở ngại cho việc thành lập sàn giao dịch gạo.

Ông Phan Vũ Hùng cũng cho biết khó khăn đối với giao dịch điều là tạo thói quen và kỹ năng cho nông dân giao dịch, mua bán điều trên mạng thông qua việc sử dụng máy tính. Công ty sẽ có những khóa đào tạo hướng dẫn nông dân tham gia mua bán trực tuyến để có thể tham gia sàn giao dịch. Ngoài ra, muốn sàn giao dịch tốt, nhà nước, doanh nghiệp, nông dân cần phải chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, tránh vụ tốt, vụ xấu.

Khó lập sàn gạo theo đúng nghĩa

Sáng kiến lập sàn giao dịch gạo được coi là mới trong kinh doanh lúa gạo. Đến nay trên thế giới vẫn chưa có sàn giao dịch đúng nghĩa của ngành này. Tuy nhiên, rất khó để sàn giao dịch lúa gạo đem lại hiệu quả như nhà tổ chức mong muốn. Mua bán trên sàn đòi hỏi người giao dịch phải rành máy tính, về công nghệ thông tin... nhưng đến nay có bao nhiêu nông dân thông thạo lĩnh vực này để giao dịch?

Ông Nguyễn Thọ Trí, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam



Theo Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường