Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giao dịch cà phê kỳ hạn: cũ người nhưng khó ta
16 | 04 | 2010
Một nhà đầu tư lo ngại khi biên độ dao động giá của cà phê kỳ hạn chỉ có 4% trong khi bước nhảy giá lại quá cao, 50 đồng/kg tức 50.000 đồng/tấn.

Các sàn giao dịch hàng hóa, trong đó có cà phê trên thế giới đã tồn tại hàng chục, thậm chí hàng trăm năm như sàn giao dịch cà phê robusta ở London mà các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thường xuyên giao dịch. Thế nhưng, khi Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột dự kiến đưa sản phẩm giao dịch cà phê kỳ hạn vào hoạt động vào tháng 4 này thì hàng loạt vấn đề nảy sinh.

Có ít nhất 300 đại biểu tham gia hội thảo giới thiệu sàn giao dịch cà phê robusta kỳ hạn do Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) và Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tổ chức sáng ngày 15-4 tại TPHCM, trong đó ngoài giới kinh doanh cà phê, còn có nhiều nhà đầu tư chứng khoán, đầu tư vàng, các công ty chứng khoán, các ngân hàng tham gia.
Có lẽ các nhà đầu tư tài chính thuần túy lần đầu tiên nghe nói về cà phê kỳ hạn không khỏi băn khoăn, bởi ngay chính những nhà kinh doanh cà phê, đang có tham gia giao dịch với sàn Liffe của Anh hay Nybot của Mỹ còn tranh luận quyết liệt và xem ra, giao dịch hàng hóa kỳ hạn khá cũ với các nước nhưng ở Việt Nam việc ra đời không hề đơn giản chút nào.

Điều kiện chín muồi

Ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Techcombank, ngân hàng ủy thác thanh toán, lưu ký cà phê tại sàn, cho rằng hiện nay là thời gian chín muồi để phát triển thị trường cà phê kỳ hạn. Ngoài kinh nghiệm mà các doanh nghiệp kinh doanh cà phê đã tham gia giao dịch kỳ hạn với các sàn cà phê quốc tế từ năm 2004 tới nay, thì nay, theo ông, song hành là thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản, các quỹ đầu tư trong nước… đã phát triển mạnh.

“Đây là điều kiện cần và đủ cho sàn giao dịch hàng hóa hoạt động, giúp các nhà đầu tư trong nước đa dạng hơn danh mục đầu tư của mình”, ông Thắng nói nhưng cũng thừa nhận, trong thời gian đầu, sàn sẽ gặp khó khăn như từng xảy ra khi thị trường chứng khoán Việt Nam mới hình thành chục năm trước.

Không dùng nhiều từ hoa mỹ để nói về sàn như nhiều người khác, ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc BCEC, chỉ hy vọng sàn giao dịch cà phê kỳ hạn - hiện tại còn đang bàn thảo chưa biết cụ thể ngày hoạt động chính thức - mà giá cà phê giao dịch qua sàn trở thành giá tham chiếu trước mắt là cho doanh nghiệp kinh doanh và nông dân trồng cà phê trong nước.

“Khi nào người nông dân bán cà phê xem giá của chúng tôi, doanh nghiệp mua cà phê xem giá của chúng tôi, thậm chí các thị trường giao dịch cà phê lớn như Liffe hay Nybot cũng “nhìn” giá chúng tôi khi Việt Nam có sản lượng cà phê robusta lớn nhất thế giới là chúng tôi thành công chút đỉnh”, ông Hà ước vọng.

Nhưng không dễ

Ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tài chính vàng thế giới (VTG) không lạ gì các thuật ngữ trong giao dịch cà phê kỳ hạn mà BCEC giới thiệu, bởi nó chẳng khác giao dịch chứng khoán là mấy. Cái mà ông Chánh quan tâm là nếu sàn có nhiều nhà đầu tư tài chính tham gia thì rủi ro cho sàn càng bớt. Với các sàn vàng đã từng đóng cửa thì giao dịch gần như hoàn toàn bằng giấy (còn gọi là kinh doanh vàng tài khoản), còn với cà phê, ông Chánh hỏi BCEC, là giao dịch có vẻ có cả hai, vừa cà phê thật, vừa cà phê giấy. Câu trả lời là có cả hai.

Sau đó bên lề hội thảo, ông Chánh nói đang làm việc với BCEC để ký hợp đồng làm thành viên môi giới tổ chức cho các nhà đầu tư mua bán ngay tại TPHCM, tương tự như công ty chứng khoán là thành viên của Sở giao dịch chứng khoán TPHCM.

Thế nhưng một nhà đầu tư tài chính tên Bình lại lo ngại khi biên độ dao động giá của cà phê kỳ hạn chỉ có 4% trong khi bước nhảy giá lại quá cao, 50 đồng/kg tức 50.000 đồng/tấn. “Nếu thị trường cà phê thế giới có vấn đề như mất mùa, thiên tai thì giá thế giới trong 1 đêm có thể biến động mạnh trong khi chúng ta chỉ cho phép xê dịch ở 4% so với giá tham chiếu có vẻ không hợp, không theo sát giá thế giới”, ông nói.

Ngoài ra, bước nhảy giá, theo ông là quá cao, vì doanh nghiệp kinh doanh cà phê hay nhà đầu tư tài chính tham gia giao dịch trên sàn quốc tế chỉ cần nhảy giá 20.000 đồng/tấn (hơn 1 đô la Mỹ) là mua hay bán ngay. Ông Phạm Quang Thắng cũng đồng tình và đề xuất bước nhảy giá nên 20 đồng/kg (20.000 đồng/tấn), thậm chí là thấp hơn để tạo sân chơi cho nông dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong xã hội.

Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư tài chính e ngại sàn cà phê kỳ hạn trong tương lai lại trở thành sân chơi cho giới đầu cơ, làm giá thị trường và khi ấy, giá cà phê của sàn không còn phản ánh giá cho thị trường cà phê trong nước.

Ông Nguyễn Tuấn Hà cho rằng nhà đầu tư tham gia sàn và cả sàn, đều bị điều chỉnh bởi các định chế của Luật Thương mại, nghị định hướng dẫn về sàn giao dịch hàng hóa và thông tư quy định của Bộ Công Thương. “Do vậy trong tương lai, chúng tôi sẽ tiến dần tới xây dựng Sở giao dịch hàng hóa, bao gồm cả cà phê, cao su, bắp, những mặt hàng có thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên”, ông Hà giải thích.

Hiện tại, buổi sáng ở BCEC vẫn giao dịch cà phê giao ngay bình thường như từ khi nó ra đời cách nay gần 2 năm, còn sắp tới, khi có giao dịch kỳ hạn thì phần giao dịch kỳ hạn sẽ chuyển sang buổi chiều, dự kiến từ 15 tới 19 giờ.

Một số doanh nghiệp cho rằng một lô giao dịch (Lot) 5 tấn là quá cao. Trước đây, Liffe của Anh 1 lô có 5 tấn nay họ tăng lên 10 tấn nhưng ở Việt Nam, giao dịch kỳ hạn còn quá mới mẻ, nếu muốn hình thành thị trường cho số đông người tham gia như nông dân, đại lý, doanh nghiệp kinh doanh cà phê thì lô giao dịch nên thấp xuống, thậm chí có thể 1 tấn cà phê.

Ông Vân Thanh Huy, Tổng giám đốc Công ty xuất khẩu cà phê Inexim Dak Lak, người có thâm niên giao dịch cà phê qua các sàn quốc tế, cho rằng việc triển khai giao dịch cà phê kỳ hạn của BCEC quá chậm chạp. Theo thông tin mà ông cung cấp thì hiện tại, ngoài Nybot và Liffe mà doanh nghiệp Việt Nam thường tham gia, mới đây, sàn hàng hóa Sicom của Singapore cũng sang Việt Nam mời doanh nghiệp tham gia. “Nếu chúng ta chậm nữa giao dịch cà phê kỳ hạn sẽ trở thành thị trường cho các sàn nước ngoài vào chiếm chỗ”, ông Huy lo ngại.

Với những tranh luận, góp ý như thế, bên lề hội thảo nhiều doanh nghiệp, cho rằng điều kiện để sàn giao dịch hàng hóa kỳ hạn đầu tiên của Việt Nam là cà phê đã chín muồi nhưng có lẽ sàn phải mất thêm một thời gian nữa mới có thể hoạt động chứ không như dự kiến vào tháng Tư này của BCEC.



Theo TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường