Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ký gởi cà phê: Coi chừng rủi ro
30 | 03 | 2010
Chỉ trong vòng hai tháng trước và sau tết, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra nhiều vụ vỡ nợ cà phê, quy ra tiền mặt hàng chục tỉ đồng. Người dân ký gởi cà phê trị giá hàng trăm triệu đồng cho các đại lý mà chỉ có giấy tay, thậm chí “nói miệng”.

Người dân kéo đến đại lý Tám Loan (thị xã Buôn Hồ) đòi lại tiền và cà phê sau khi đại lý này tuyên bố vỡ nợ - Ảnh: Thái Bá Dũng

Những ngày cận tết, nhiều người dân phải lâm vào cảnh dở khóc dở cười, dắt díu nhau đến đại lý cà phê Tám Loan (thôn 7, xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ) để đòi lại tiền và hàng chục tấn cà phê đã trót ký gởi.

Ông Nguyễn Văn Xế - trưởng Công an xã Bình Thuận - cho biết chủ đại lý cà phê Tám Loan đã nhận khoảng 12 tỉ đồng tiền mặt và 160 tấn cà phê nhân (tương đương gần 5 tỉ đồng) của hơn 100 hộ dân. Theo ông Dương Tám - chủ đại lý cà phê Tám Loan, trước đó đã thỏa thuận là các hộ nông dân được hưởng lãi suất hằng tháng 2,5% và có thể chốt giá, rút tiền bất cứ lúc nào.

Vỡ nợ

Về nguyên nhân vỡ nợ, ông Dương Tám giải thích do nhận tiền và cà phê của người dân rồi ký gởi cho chị vợ của ông là bà L. để kiếm lời. Bà L. lại cho một người khác tên N. vay lại, nhưng mấy tuần nay người này không thanh toán được cho bà L. nên tiền của nông dân cũng bị “kẹt” lại.

Một vụ khác xảy ra tại xã Ea Kênh (huyện Krông Pắk). Ông Tưởng Minh Ái, phó trưởng công an xã, cho biết đã thống kê được 72 hộ gởi hơn 230 tấn cà phê và 170 triệu đồng tiền mặt cho bà Kim Hoa. Ngày 9-3, chủ đại lý Kim Hoa tuyên bố vỡ nợ mà không nói lý do.

Theo ông Ái, vỡ nợ thường xảy ra khi nông dân ồ ạt đến chốt cà phê ở thời điểm giá lên cao, trong khi các đại lý cà phê nhận cà phê vào lúc giá thấp rồi trót bán ra từ trước nên lỗ nặng. Nhưng những tháng qua giá cà phê đang xuống ở mức thấp kỷ lục mà vẫn vỡ nợ là điều quá phi lý!

Theo một số người dân đã ký gởi cà phê cho đại lý Nga Sơn (thôn 2, xã Cư Đ’Lei M’Nông, huyện Cư M’Gar), hơn một tháng nay họ đã không thể đến chốt cà phê và lấy lại tiền ở đại lý này. Theo lời chị Nguyễn Thị Hà - người đã gởi gần 500 triệu đồng bao gồm cả tiền mặt và cà phê, bà chủ đại lý Nga Sơn nói không có khả năng trả nợ!

Nguy cơ mất tiền

Theo nhiều người dân, sở dĩ sau khi thu hoạch họ thường ký gởi cà phê cho các đại lý vì họ không có sân bãi phơi sấy, không có kho bảo quản... Mặt khác, thông thường khi gởi cà phê, người gởi không phải trả bất kỳ khoản chi phí nào mà ngược lại còn được tính lãi (chủ đại lý thường không giữ cà phê mà bán để huy động vốn kinh doanh hoặc cho người khác vay để lấy lãi). Ngoài cà phê, nông dân còn đem tiền đến “gởi” ở đại lý để lấy lãi hằng tháng.

Nhiều nông dân tại huyện Cư M’Gar cho biết vì làm ăn lâu dài, họ đã đầu tư sân phơi sấy và kho bảo quản nhưng vẫn thường đi gởi cà phê theo thói quen. Thậm chí nông dân chấp nhận ký gởi cà phê không có lãi để “rảnh rang nhà cửa”, vả lại các đại lý ký gởi thường là những chỗ thân thuộc và có uy tín làm ăn lâu năm.

Do quá tin tưởng nên hầu hết những hộ nông dân khi bị đại lý tuyên bố vỡ nợ đều ngỡ ngàng. Chị Nguyễn Thị Hà cho biết chủ đại lý cà phê và người gởi thường chỉ giao dịch với nhau bằng... miệng hoặc giấy viết tay, dù có khi giá trị giao dịch lên tới hàng tỉ đồng.

Chủ một đại lý cà phê ở TP Buôn Ma Thuột cho biết thông thường cà phê và tiền của nông dân gởi vào được đại lý ký gởi cho đại lý lớn hơn để lấy lãi, đại lý này lại tiếp tục ký gởi cho người khác nên nguy cơ vỡ nợ dây chuyền rất cao. Cũng có người dùng tiền và cà phê ký gởi để kinh doanh vào việc khác, khi thất bại thì tuyên bố vỡ nợ...

Cứ như vậy, thực chất đại lý cà phê chỉ là một “mắt xích” trong vòng quay huy động vốn. Kinh doanh theo hình thức này chỉ có những đại lý có vốn lớn mới đủ sức vượt qua rủi ro khi một “mắt xích” nào đó vỡ nợ...

Ông Nguyễn Anh Dũng (phó giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk): Chưa thể tháo gỡ

Tập quán ký gởi cà phê của nông dân đã có nhiều năm nay, dù có nhiều rủi ro nhưng chưa có cách để giải quyết. Việc người dân gởi cà phê mà không có một chứng từ gì để đảm bảo, chứa đựng nguy cơ sẽ bị thiệt hại tài sản nếu đại lý đó làm ăn thua lỗ. Việc thành lập trung tâm giao dịch cà phê có thể hạn chế tình trạng trên.

Tuy nhiên, hình thức này quá mới và còn chưa hấp dẫn nên chưa thu hút được người trồng cà phê tham gia. Ngoài ra còn có khó khăn khác như người dân thu hoạch chỉ 1-2 tấn cà phê nhân/năm, ở cách xa cả trăm cây số sẽ khó chọn cách đưa cà phê về trung tâm giao dịch.

Đó là chưa nói đến những vướng mắc về thủ tục mà hầu hết nông dân và các đại lý nhỏ rất ngại. Sắp tới sẽ thực hiện việc giao dịch kỳ hạn, liên kết với các đại lý trong tỉnh để thu mua cà phê về trung tâm giao dịch nhưng nhìn chung còn nhiều khó khăn.



Theo Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường