Trong khi đó, một số hộ dân lại tìm đến với Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (còn gọi là sàn BCEC) để làm quen với cách kinh doanh mới.
Ông Hoàng Trọng Đạt, ở thôn 2, xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột, là một trong những người đầu tiên đưa cà phê từ rẫy lên sàn.
Năm 2008, khi sàn giao dịch cà phê bắt đầu hoạt động, ông đã đưa cà phê của mình lên đây để giao dịch. Ban đầu còn bỡ ngỡ, ông gửi 4 tấn cà phê để “thăm dò”, thấy an toàn và có lợi ông đã huy động con cái cùng gửi. Đến nay, gia đình ông đã có hơn 50 tấn.
Anh Hùng ở xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột mỗi vụ thu hoạch chỉ được khoảng 5 tấn cà phê nhưng vẫn theo ông Đạt gửi vào trung tâm cho an toàn. Ông nói: “Tưởng lên sàn khó khăn lắm, ai dè còn dễ hơn đi rẫy”.
Một số nông dân đang giao dịch cà phê với BCEC kể chỉ cần gọi điện tới sàn và cho biết nhu cầu ký gửi, cầm cố, hay vay vốn… thì cán bộ của sàn sẽ hướng dẫn cụ thể.
Mỗi lần giao dịch, dân có thể vay được 70% giá trị cà phê gửi trong kho, mức vay tối đa là 15 tỷ đồng. “Vay được vốn sẽ giúp những nông dân như chúng tôi không phải bán cà phê ở thời điểm giá thấp. Khi nào giá cà phê lên chúng tôi bán rồi thanh toán”- ông Đạt cho hay.
Theo ông Nguyễn Tú - Phó Giám đốc sàn BCEC, nông dân đưa cà phê lên sàn giao dịch sẽ được rất nhiều cái lợi.
Bình thường, ở ngoài tất cả cà phê đều được định giá chung, còn khi lên sàn có chất lượng tương tự, giá cũng cao hơn cà phê bán bên ngoài. Điều này giúp nông dân bù vào tiền phí gửi kho, tiền vận chuyển, bốc xếp. Hiện nay, có 40 hộ nông dân, đại lý mua bán cà phê đăng ký làm thành viên bán tại sàn.
Còn vì sao lượng cà phê giao dịch trên sàn còn ít, ông Tú cho rằng, đó là do tâm lý e dè, ngại thay đổi của nông dân. Ngoài ra, sàn cũng chưa làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá - Sắp tới Trung tâm sẽ xem xét xây dựng các đại lý vệ tinh ở các huyện trọng điểm về cà phê để nông dân dễ dàng tiếp cận với sàn hơn.