Thị trường tiêu thụ hạt điều nội địa: tạo dựng cầu!
22 | 03 | 2010
Theo thống kê của bộ Công thương, thị trường tiêu thụ nhân hạt điều đã qua chế biến trong nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ từ 1,81 – 2,2% so với sản lượng nhân hạt điều đã qua chế biến. Với vị thế là nhà cung cấp điều hàng đầu thế giới, những nhà sản xuất điều Việt Nam liệu có thể góp phần tạo dựng một thị trường tiêu thụ nội địa đủ mạnh trong bối cảnh tiêu thụ nội địa được nhận định là một động lực lớn góp phần tăng trưởng GDP trong năm 2009.
Tại sao người dân các nước phát triển tiêu thụ nhiều sản phẩm từ hạt điều?
Trong cơ cấu khách hàng của hạt điều Việt Nam có thể thấy rằng, các khách hàng lớn chủ yếu là các nước phát triển như Mỹ, Hà Lan, Đức, Anh,… Không chỉ là các khách hàng lớn của Việt Nam, đây cũng là các thị trường tiêu thụ điều lớn nhất thế giới.
Kim ngạch nhập khẩu điều của top 10 quốc gia có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất năm 2008, 2009 (triệu USD)
|
|
Nguồn: Báo cáo ngành Điều năm 2009 và triển vọng 2010
|
Hạt điều có giá trị dinh dưỡng cao và đặc biệt tốt cho những người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, người béo phì ăn kiêng. Lá và vỏ cây điều cũng như vỏ đỏ bao điều nhân chứa những thành phần thảo mộc tốt cho sức khỏe, giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn và mầm bệnh, giúp chữa tiêu chảy, tăng sinh lực và làm giảm sốt, giảm lượng đường trong máu, giảm huyết áp và nhiệt độ cơ thể. Hạt điều chứa 5 grams protein trong mỗi ounce (28,35g) và một lượng đáng kể các khoáng chất, magie, photpho, kẽm, đồng và mangan có lợi cho sức khỏe nói chung và chế độ ăn lành mạnh.
Hạt điều chứa hàm lượng chất béo khá cao (12 grams mỗi ounce, 2 grams chất béo bão hòa) nhưng các chất béo này được coi là chất béo có lợi. Nguyên nhân xuất phát từ tỷ lệ chất béo lý tưởng có trong loại hạt này: 1:2:1 cho chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa đơn và chất béo đa bão hòa hay acid béo không sinh ra cholesteron. Hạt điều cũng chứa những acid béo giúp giảm nguy cơ các bệnh tim mạch. Mặc dù có hàm lượng chất béo khá cao nhưng thực tế, hạt điều được coi là loại hạt ít béo so với các loại hạt khác như quả hạnh, quả óc chó, lạc và hồ đào.
Hạt điều còn được sử dụng phổ biến trong các liệu pháp ăn kiêng và giảm cân. Tuy vậy, các nhà khoa học cũng khuyến cáo về mức độ sử dụng hạt điều hợp lý để có lợi ích sức khỏe cao nhất và rằng hạt điều dễ gây các trường hợp dị ứng hơn các loại hạt khác.
Với những đặc điểm dinh dưỡng trên, không khó lý giải về nhu cầu tiêu thụ hạt điều tại Mỹ, nơi có khoảng 9 triệu người mắc bệnh béo phì trên tổng số khoảng 100 triệu dân, và tại châu Âu, nơi người dân đề cao tiêu chuẩn sống có lợi cho sức khỏe.
Thị trường nội địa cho hạt điều của Ấn Độ.
Khác với Việt Nam, thị trường tiêu thụ điều nội địa của Ấn Độ - nước xuất khẩu điều lớn thứ hai thế giới – lại rất rộng lớn. Thị trường điều nội địa của Ấn Độ rất phát triển và hiện mức tiêu thụ điều của nước này đã đứng đầu thế giới. Năm 2009, tiêu thụ sản phẩm điều nôi địa của Ấn Độ khoảng 130 ngàn tấn, xuất khẩu khoảng 107,5 ngàn tấn.
Thu nhập bình quân đầu người tăng lên, sự nổi lên của tầng lớp trung lưu, tốc độ tăng trưởng trong tiêu thụ sản phẩm bánh kẹo, đồ ngọt và sự phát triển của các kênh phân phối hiện đại là những động lực chính cho tiêu thụ điều nội địa của Ấn Độ.
Từ năm 2003 đến 2008, công suất chế biến của các doanh nghiệp sản xuất điều nhân tại Ấn Độ tăng từ 800 ngàn tấn/năm lên 1,3 triệu tấn/năm. Trong khi tổng lượng xuất khẩu không tăng trưởng nhiều, thị trường nội địa nổi lên trở thành thị trường tiêu thụ điều lớn cho sản lượng điều chế biến dự thừa.
Trước khủng hoảng, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng trên 9%/năm. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ giảm xuống còn 6,7% trong giai đoạn 2008 – 2009. Tuy vậy, những thành tựu kinh tế của Ấn Độ đã giúp mở rộng tầng lớp trung lưu tại nước này. Trong khi đó, giá nhân điều giữ ổn định trong một thập kỷ vừa qua đã giúp tầng lớp trung lưu – động lực tiêu dùng lớn của các nền kinh tế, có khả năng chi trả cho mặt hàng này.
Ngoài ra, sự phát triển của các chuỗi bán lẻ hiện đại cũng góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng tiêu thụ điều nội địa. Nhận ra tiềm năng tiêu thụ sản phẩm điều trên thị trường nội địa, các nhà bán lẻ nước này đã mở rộng không gian bán hàng cho mặt hàng này, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết, so sánh và lựa chọn. Đặc biệt, các gói hạt điều nhỏ 50g – 100g với giá trị nhỏ đánh vào tâm lý tiêu dùng đã giúp tăng doanh số.
45% điều tiêu thụ ở thị trường Ấn Độ được đưa vào các cơ sở sản xuất bánh kẹo và chế biến thực phẩm. Hạt điều cũng là một phần không thể thiếu trong nhiều loại thực phẩm tại Ấn, bao gồm kem, chocolate, bánh kẹo, cơm trộn,… Đây là một bộ phận quan trọng trong tiêu dùng nhân điều trực tiếp.
Tạo dựng thị trường tiêu thụ nội địa cho hạt điều: tiềm năng nhưng chông gai!
Việt Nam có rất nhiều nét tương đồng với Ấn Độ như tốc độ tăng trưởng kinh tế, sự lớn lên của tầng lớp trung lưu, sự phát triển của hệ thống bán lẻ hiện đại và tốc độ tăng công suất chế biến điều nhưng hiện nay, thị trường tiêu thụ điều nội địa của Việt Nam vẫn rất nhỏ bé so với phần xuất khẩu. So với mức sản lượng năm 2005, năm 2009, mức tăng công suất chế biến là 62,5%. Hiện công suất chế biến điều nhân của Việt Nam đã vượt 700 ngàn tấn/năm.
Khác với Ấn Độ, hạt điều Việt Nam chưa hiện diện nhiều trong các sản phẩm bánh kẹo, thực phẩm chế biến và người tiêu dùng Việt Nam chỉ quen sử dụng hạt điều vào dịp tết nhưng xa lạ với việc mua hạt điều sử dụng thường ngày. Đầu ra điều nhân của Việt Nam vì vậy phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu. Việc tạo dựng thị trường tiêu thụ điều nhân nội địa không những giúp cho doanh nghiệp mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm, ổn định sản xuất kinh doanh khi thị trường xuất khẩu biến động, mà còn gián tiếp giúp ổn định hoạt động sản xuất điều thô của nông dân trong nước.
Xét về khía cạnh kinh tế học, thị trường được hình thành khi có đủ cung và cầu. Trên thực tế, với thị trường điều Việt Nam, những nhà cung cấp điều nhân lớn vẫn tập trung cho các thị trường xuất khẩu trong khi phía cầu vẫn rất yếu. Trong nhiều trường hợp, chính những nhà cung cấp – những người hiểu rõ lợi ích sản phẩm mà mình cung cấp là tác nhân mạnh kích thích việc tạo dựng cầu. Tại Việt Nam, khi những nhà cung cấp đã có kinh nghiệm cung cấp nhân điều xuất khẩu cho thị trường thế giới và hiểu rõ giá trị của hạt điều thì ở một thị trường có tầng lớp người tiêu dùng hướng đến tiêu chuẩn cuộc sống cao hơn đang tăng nhanh như Việt Nam, vai trò của nhà cung cấp còn có thể vươn đến việc định hướng và tạo cầu.
Kim Dung/AGROINFO