Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần một cơ chế để trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) phát triển
11 | 08 | 2009
Ra đời, trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột để đáp ứng yêu cầu của cả ngành cà phê Việt Nam nói chung và người dân trồng cà phê cũng như doanh nghiệp kinh doanh cà phê ở Đắk Lắk nói riêng. Vậy mà sau hơn nửa năm đi vào hoạt động, có thể nói Trung tâm giao dịch cà phê đã đưa ra những con số đã "gây sốc" cho nhiều người.

 Tổng số cà phê gửi kho được cấp chứng thư là 105 tấn, trong đó giao dịch tổng cộng chỉ được 67 tấn, hàng rút khỏi kho 8 tấn và 30 tấn hiện đang lưu kho. Với tổng số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng, cũng đầy đủ ban bệ, số nhân viên lên tới 40 người (bao gồm cả 3 đơn vị ủy thác), riêng số nhân viên của Trung tâm cũng chiếm tới 20 người, nhưng kết quả sau 6 tháng hoạt động đã làm nhiều người phải ngỡ ngàng, có người còn ví Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột giao dịch còn thua một đại lý cấp 3 ở vùng sâu, vùng xa. Vậy Nguyên nhân từ đâu?

Có nhiều nguyên nhân mà qua nhiều hội thảo đã được đưa vào thảo luận khá sôi nổi, nhưng tựu trung lại thì có một số nguyên nhân chính sau đây: thứ nhất, đây là một mô hình mới chưa từng có ở Việt Nam, vì vậy phải vừa mày mò, học hỏi vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thứ 2, đây là một mô hình giao dịch khá mới nên người nông dân chưa tiếp cận được, gây khó khăn cho công tác phát triển thành viên cũng như khách hàng của Trung tâm. Thứ 3 là nguồn nhân lực của Trung tâm chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên rất khó tiếp cận...

Để Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột phát huy hiệu quả thì phải còn rất nhiều việc phải làm mà tại Hội thảo khởi động dự án hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động của Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột vừa mới tổ chức tại Đác Lắc đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp rất đáng để cân nhắc, trong đó đáng chú ý nhất là ý kiến của nhóm chuyên gia đến từ Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Theo nhóm chuyên gia này nhận định, để một trung tâm giao dịch hàng hóa nông sản phát triển thành công thì cần phải hội đủ các điều kiện như: Vị trí địa lý thuận lợi, hàng hóa phải đa dạng về số lượng và đã có một thị trường hoàn chỉnh mua bán giao ngay các sản phẩm này, khung pháp lý và quy chế giao dịch phải chặt chẽ nhưng linh hoạt và minh bạch, hạ tầng kỹ thuật tốt có khả năng kết nối với các thị trường khác trong nước và trên thế giới, nhận thức, kinh nghiệm và nhu cầu của các chủ thể tham gia vào thị trường...

Nếu nói về vị trí thuận lợi như nằm ở một thành phố lớn hay trung tâm trung chuyển hàng hóa, bến cảng, sân bay... hoặc ở gần vùng nguyên liệu (vùng sản xuất hàng hóa lớn). Như vậy, Buôn Ma Thuột đã hội đủ điều kiện này vì nằm ngay trong vùng sản xuất nông sản, đặc biệt là cà phê; đồng thời ở đây cũng có sân bay và hệ thống giao thông đường bộ thông suốt đến các tỉnh và các khu vực khác trong vùng.

Hàng hóa đa dạng về số lượng và có thị trường mua bán giao ngay, Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk cũng hội đủ điều kiện này vì trong những năm qua, sản phẩm cà phê của Đắk Lắk luôn chiếm một tỷ trọng cao trong tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của cả nước (chiếm gần 50% sản lượng). Đồng thời Đắk Lắk cũng đã góp phần đáng kể về tỷ trọng xuất khẩu trong các sản phẩm khác như cao su, tiêu, sắn, mật ong...

Về thị trường mua bán giao ngay thì nhìn chung hoạt động thu mua và xuất khẩu cà phê của Đắk Lắk khá ổn định với một hệ thống các hộ nông dân sản xuất, các đại lý, công ty thu mua chế biến và xuất khẩu khá hoàn chỉnh. Hơn nữa, trong danh sách 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu tại Việt Nam thì đều đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh trực tiếp tại Đắk Lắk.
Về khung pháp lý và quy chế giao dịch, tiêu chí này thì có lẽ chưa đáp ứng được do trong khung pháp lý cho hoạt động giao dịch hàng hóa qua Sở giao dịch thì nước ta mới chỉ có Nghị định 158/2006/NĐ-CP của Chính phủ mà chưa có các thông tư hướng dẫn cụ thể việc triển khai. Về phía Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, cũng mới chỉ có các quy chế hoặc nội quy được ban hành dựa trên kinh nghiệm của các sàn giao dịch nông sản quốc tế hoặc của Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM hay Hà Nội. Trong khi đây được coi là một trong những điều kiện quan trọng giúp các Trung tâm giao dịch hàng hóa phát triển một cách bền vững.
Về hạ tầng công nghệ, tuy trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam so với thế giới vẫn còn một khoảng cách khá xa, song chúng ta vẫn có nhiều lợi thế trong việc "đi tắt đón đầu" những công nghệ hiện đại nhất đang được ứng dụng trên thế giới nhờ sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) trong việc xây dựng hệ thống giao dịch và thông tin.

Về tiêu chí nhận thức, kinh nghiệm và nhu cầu của các chủ thể tham gia thì chắc chắn ở Việt Nam nói chung và Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk nói riêng không còn xa lạ với các hình thức giao dịch kỳ hạn, giao dịch giao ngay và giao sau, đặc biệt là trong kinh doanh cà phê. Vì trong thời gian qua, đã có rất nhiều người Việt Nam đã tham gia giao dịch tại các sàn giao dịch nông sản lớn của thế giới như LIFFE hoặc Chicago...

Như vậy, Trung tâm Giao dịch cà phê đặt tại TP. Buôn Ma Thuột hầu như đã hội đủ các điều kiện cơ bản để phát triển thành một trung tâm giao dịch hàng hóa lớn trong tương lai. Vậy thì tại sao nó vẫn đang "ì ạch" trên con đường phát triển của mình? Và chúng ta cần phải làm gì để đưa Trung tâm phát triển tương xứng với sự kỳ vọng của nhiều người?

Trước hết là về cơ cấu tổ chức và mô hình sở hữu. Theo kinh nghiệm của các Sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới thì mô hình sở hữu chỉ ở 2 dạng chủ yếu là mô hình doanh nghiệp độc lập và mô hình pháp nhân hoạt động phi lợi nhuận trực thuộc Chính phủ.

Mô hình doanh nghiệp độc lập là để Trung tâm giao dịch cà phê hoạt động như một doanh nghiệp bình thường dưới dạng công ty TNHH một thành viên hoặc công ty cổ phần, từ đó mới có cơ chế thoáng hơn trong nhiều hoạt động như thu hút nhân tài, thuế, hóa đơn, chi trả lương theo năng lực, phát hành rộng rãi cổ phiếu ra công chúng để thu hút vốn đầu tư...

Theo đề xuất thì Trung tâm nên đi theo hướng này như mô hình của Sở giao dịch chứng khoáng TP. HCM hoặc có thể đi theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu được tự chủ về tài chính và dần chuyển đổi sang hình thức công ty TNHH một thành viên góp vốn của Nhà nước và khi đó tỉnh Đắk Lắk vẫn tiếp tục kiểm soát được chiến lược phát triển dài hạn của Trung tâm; đồng thời loại bỏ được những thói quen ỷ lại để tăng tăng tính chủ động trong việc quyết định những đường hướng phát triển mới của Trung tâm, từ đó mới tạo ra được động lực mới để Trung tâm phát triển.

Về phương thức giao dịch, hiện nay Trung tâm giao dịch cà phê đang đang thực hiện phương thức giao dịch mua bán các loại cà phê được sản xuất tại Việt Nam và các phiên giao dịch khớp lệnh thành công chủ yếu là hình thức giao ngay cà phê thực qua sàn và khối lượng giao dịch thành công đang chiếm một tỷ lệ khá nhỏ so với tổng sản lượng cà phê của Đắk Lắk.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người sản xuất cà phê quá quen thuộc với hình thức mua bán cà phê truyền thống, khá đơn giản và tiện lợi là khi có hàng hóa muốn bán, chỉ cần ngồi ở nhà gọi điện thoại đến các công ty, đại lý thu mua là giao dịch đã thành công, thậm chí tiền có thể được tạm ứng trước bất cứ lúc nào theo nhu cầu của người bán và theo giá trị của lô hàng. Do đó, khi người nông dân thấy những quy tắt, nội quy, phương thức giao dịch, kiểm tra chất lượng... quá khắt khe thì họ cho rằng quá phức tạp nên ít tham gia.

Vì vậy, để tập được thói quen mua bán qua sàn là một việc làm lâu dài và đòi hỏi công sức cũng như khả năng thuyết phục làm sao để người nông dân cảm thấy nhiều lợi ích thiết thực khi họ tham gia giao dịch tại Trung tâm.

Mùa thu hoạch cà phê mới ở Tây Nguyên sắp bắt đầu, Trung tâm giao dịch cà phê cũng đã có gần một năm để tích lũy kinh nghiệm. Do đó, cần phải có một sự lựa chọn sáng suốt mới để có thể thay đổi được trình trạng phát triển khó khăn hiện nay của Trung tâm giao dịch cà phê để đưa được phương thức giao dịch tiên tiến, minh bạch vào cuộc sống cũng như thay đổi được phương thức mua bán truyền thống tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức mà người chịu thiệt lúc nào cũng là nông dân. 



Theo ND
Báo cáo phân tích thị trường