Trong vài năm trở lại đây, giá cà phê nhân tăng cao đã làm cho nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc trong tỉnh ồ ạt chuyển đổi đất các loại cây trồng cạn, phá rừng trái phép lấy đất chuyển sang trồng cà phê. Chỉ trong vòng gần 2 năm (2006-2007), các địa phương ở tỉnh Đắk Lắk đã có diện tích trồng mới gần 10.000 ha, đưa diện tích cà phê của tỉnh nay tăng lên gần 175.000 ha, tập trung nhiều nhất là các huyện Cư M'Gar, Krông Búk, Krông Năng, Ea H'Leo, Krông Pách, Krông Ana.
Phát triển diện tích cà phê ồ ạt, không theo qui hoạch, kế hoạch này đã nằm ngoài tầm kiểm soát của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng. Đặc biệt, nghiêm trọng hơn, phần lớn diện tích cà phê mới phát triển sau này đều được trồng ở những vùng không có, hoặc thiếu nguồn nước tưới, đất trồng cà phê không đủ tiêu chuẩn (nghèo dinh dưỡng, tầng đất mỏng, đất dốc). Vi phạm các qui trình kỹ thuật trồng, chăm sóc ngay từ khâu khai hoang, làm đất, cây trồng xen che phủ...Việc tăng nhanh diện tích cà phê này không những không mang lại hiệu quả kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến tài nguyên môi trường...
Nhằm đảm bảo tính bền vững trong sản xuất, kinh doanh cây cà phê ở tỉnh Đắk Lắk cho hiện tại và tương lai, nhất là khi thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đã được công nhận để cung cấp những sản phẩm cà phê có xuất xứ từ Đắk Lắk trên thương trường trong nước và quốc tế có chất lượng cao, PGS, TS Phan Quốc Sủng, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, người đã có nhiều năm nghiên cứu, theo dõi, có nhiều đề tài khoa học về cây cà phê đã đưa ra 10 giải pháp để sản xuất kinh doanh cây cà phê bền vững ở tỉnh Đắk Lắk. Đó là: Giảm diện tích cà phê, chỉ giữ lại qui mô diện tích hợp lý dựa theo những công trình điều tra, nghiên cứu, qui hoạch giành quỹ đất cho cây cà phê dưới 170.000 ha, chủ yếu là những địa bàn được xác định rất thích hợp về đất đai, khí hậu, nguồn nước. Có kế hoạch và chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với những diện tích cà phê không thích hợp sang những cây trồng khác phù hợp, mang lại hiệu quả về kinh tế lẫn môi trường, xã hội, đồng thời tổng kết các mô hình chuyển đổi, hoặc trồng xen các loại cây ăn quả trong vườn cà phê để nhân rộng mô hình. Cần có cơ cấu giống cà phê phù hợp, trong đó ngoài giống cà phê vối là chủ lực còn phát triển thêm cà phê chè, cà phê mít. Xây dựng các thương hiệu cà phê của tỉnh Đắk Lắk nói chung và các vùng, doanh nghiệp nói riêng, các dạng sản phẩm từ cà phê xô đến các dạng thành phẩm đều phải có chất lượng cao, luôn ổn định. Tìm mọi biện pháp để không ngừng hạ giá thành trong quá trình sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả của sản xuất (tăng cường bón phân hữu cơ, phân vi sinh, trồng xen cây đậu đỗ các loại, phân xanh ở chung quanh bờ lô, giảm lượng phân bón hoá học..). Tôn trọng hệ sinh thái tổng hợp theo yêu cầu sinh lý của cây cà phê, nhất là phải trồng cây đai rừng chắn gió, che bóng, cây che phủ mặt đất để điều hoà ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, giảm tốc độ gió, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất...Tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới thiết bị công nghệ từ sân phơi, nhà kho, các cơ sở chế biến. Xây dựng chính sách giá cả trong thu mua sản phẩm với nguyên tắc: chất lượng cao, trả giá cao, chất lượng thấp thì trả giá thấp, thậm chí không thu mua. Xây dựng hệ thống tổ chức để đảm bảo thương hiệu: Cà phê Buôn Ma Thuột có được chất lượng cao và luôn ổn định trên thương trường, đồng thời, tỉnh cũng như các doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh cà phê đẩy mạnh công tác tiếp thị, quảng bá, giới thiệu các dạng sản phẩm, thương hiệu cà phê rộng rãi trên thị trường trong, ngoài nước. Các nội dung nêu trên cũng đã được PGS. TS Phan Quốc Sủng nêu ra tại nhiều cuộc hội thảo, hội nghị khoa học chuyên về sản xuất, kinh doanh cà phê ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung. Hiện nay, PGS. TS cũng đã đề xuất với các nhà quản lý ở cấp tỉnh , các nhà sản xuất kinh doanh xuất khẩu quan tâm giải quyết một cách đồng bộ bằng những kế hoạch triển khai, nhất là về khâu tổ chức, kiểm tra, bước đi cụ thể nhằm có cơ sở để tạo ra một nền sản xuất kinh doanh bền vững trong sản xuất cây cà phê- một thế rất mạnh của tỉnh Đắk Lắk trong thời kỳ hội nhập.